Chuyển giao công nghệ sản xuất hoa, cây cảnh thông qua kết nối thông minh

Dòng chảy - Ngày đăng : 05:43, 12/11/2020

KHPTO - Vừa qua, tại Học viện nông nghiệp Việt Nam, Bộ khoa học và công nghệ và Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tổ chức chuỗi sự kiện: “Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2020”, trong đó có hội thảo "Kết nối chuyển giao công nghệ cho ngành sản xuất hoa của Việt Nam”.

Theo TS. Nguyễn Văn Tỉnh, giám đốc Trung tâm nghiên cứu hoa, cây cảnh, Viện nghiên cứu rau quả: Những năm gần đây, nghề trồng hoa, cây cảnh ở nước ta đã có bước phát triển vượt bậc về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, tạo ra được nhiều vùng chuyên canh tương đổi lớn. Hình thành được một số doanh nghiệp, hợp tác xã và nhà vườn sản xuất hoa theo quy trình công nghệ cao, đang từng bước tham gia xuất khẩu sản phẩm.

Qua thống kê cho thấy, hiện cả nước đang sản xuất gần 45.000 ha hoa, cây cảnh các loại, giá trị sản lượng ước đạt 15.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân/ha canh tác khoảng 350 triệu đồng/năm, xuất khẩu đạt gần 80 triệu USD mỗi năm...

Nhằm giảm thiểu những hạn chế, tồn tại nêu trên, PGS.TS. Đặng Văn Đông – phó viện trưởng Viện nghiên cứu rau quả đã giới thiệu thành tựu nghiên cứu (hợp tác với doanh nghiệp nông nghiệp thông mình APPA Smart Farm) chuyển đổi số trong chuyển giao công nghệ cho ngành sản xuất hoa Việt Nam.

Theo đó, chỉ cần một điện thoại thông minh, nhà nông sẽ không phải mở sách, tìm thầy, đi học hỏi xa xôi! Ngồi tại nhà, vẫn có đủ kiến thức cho trồng hoa, cây cảnh theo cách “cầm tay chỉ việc”. Chẳng những vậy, bà con còn có thể đi du lịch hoặc thăm hỏi người thân ở bất cứ nơi đâu trên mọi miền Tổ quốc, vẫn có thể kiểm tra, quản lý chính xác khả năng sinh trưởng của cây hoa, để tác động bằng điểu khiển từ xa các thiết bị máy móc (bơm nước, đèn điện, tưới, tiêu, chăm bón…) cho vườn cây của mình.

Áp dụng công nghệ này sẽ giúp nhà vườn tiết kiệm từ 20 - 40% chi phí nhân công, tăng hiệu quả sản xuất lên 30 - 50%. Được biết, nhiều tổ chức và cá nhân như Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Châu Giang (Hải Phòng), Hợp tác xã Đan Hoài (Hà Nội), Hợp tác xã Hoa Mộc Châu, Công ty cổ phần Hoa Nhiệt Đới, Trang trại hoa lan Bùi Tân Toàn (Sơn La)... đã và đang ứng dụng thành công kết quả chuyển đổi số (công nghệ 4.0) từ Viện nghiên cứu rau quả.

Nhiều giải pháp kết nối chuyển giao công nghệ nông nghiệp thông minh cũng được giới thiệu tại hội thảo như: Dịch vụ bác sĩ cây trồng (phần mềm phòng ngừa sâu bệnh IPM trực tuyến thông qua giám sát thông minh), WeatherPlus (phần mềm tổng thể cho sản xuất nông nghiệp dựa trên dự báo thời tiết nội tại chính xác).

H.T