Sâu và ngài làm thối trái mít

Sống xanh - Ngày đăng : 18:25, 29/12/2016

KHPT-Kể từ khi chiếc "nụ” mít mới đâm ra từ thân hay cành cây, phải chờ sau 5 - 6 tháng những trái mít mới được thu hoạch. Với khoảng thời gian dài như thế, nếu không để mắt tới, không làm tốt kỹ thuật tỉa trái, xịt thuốc trừ sâu, nhiều trường hợp thối trái. Điều này xảy ra trên nhiều khu vườn áp dụng kiểu canh tác "nửa quảng canh" - mua giống, trồng tỉa xong thì bỏ mặc cho trời đến khi thu hái trái chín.

Chi cục bảo vệ thực vật địa phương cho biết, hai đối tượng chính chủ mưu gây hại gồm sâu và ngài và hai đối tượng a tòng gồm nấm thối và ruồi đục trái. 
Nếu do sâu tấn công thì luôn có dấu hiệu phân sâu đùn ra từ lỗ đục vào vỏ trái. Bạo tay dùng dao khoét một khoảng vỏ và thịt trái (múi và xơ) rồi nhẹ nhàng phẫu thuật mẫu vật, dễ dàng tóm được sâu non nằm ở phần vỏ hoặc đã tiến sâu vào tâm trái ở vị trí những cụm xơ mít. Sâu trái mít có thể ở vị trí trống trải ngoài vỏ trái và ở chỗ hai trái mít tiếp giáp nhau. Khe hở giữa những gai của hai trái mít là chỗ dung thân của một con sâu đã lớn vừa di chuyển đến từ một hang chứa sâu khác đang tràn dịch. Trường hợp này, dấu tích xâm hại vỏ trái mít "ổ của sâu" thường khô ráo, trừ khi nhiễm nấm gây thối thì vỏ trái đã hóa đen.
Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai ghi nhận sâu non là ấu trùng của một loài bướm nhỏ màu vàng, cánh trước và cánh sau có những vạch màu nâu sặc sỡ, sải cánh rộng 24 mm, thân dài 12 mm. Ghi nhận này bác bỏ những dự đoán sâu đục trái, đồng thời là sâu đục thân cành cây mít, vốn là ấu trùng của loài xén tóc. Sâu non có thân màu trắng, khi lớn lên có hàng chấm màu đen dọc thân, đầu màu vàng nâu bóng nhẫy với cặp răng bén. Sâu trái mít khi đẫy sức dài 18 - 20 mm sẽ biến thành nhộng màu nâu nhạt. Sâu trưởng thành là loài bướm nhỏ nói trên. Sâu kéo tơ kết phân khô thành kén rồi hóa nhộng bên trong.
Vì thế, quan sát bướm trên vườn mít có thể tiên đoán về sâu đục trái, tìm cách diệt bướm, hóa giải trứng ngay khi sâu chưa nở.
  Dấu hiệu do con ngài tấn công luôn kèm hiện tượng những trái mít chạm vào nhau. Ngài tấn công một hay cả 2 trái mít cùng lúc khi trái đã lớn. Khi tách các cặp trái mít sát nhau và có dấu hiệu thối nơi tiếp giáp, khá nhiều trường hợp bắt gặp một con ngài trưởng thành - một loài bọ cánh cứng. Ngài xâm hại trái mít bằng cách dùng vòi chích hút dịch trái làm thức ăn và gây ra nguy cơ thối trái mít ở vị trí chúng cắn phá. Ngài trưởng thành chọn lãnh địa riêng và tồn tại rất lâu ở khe giữa hai trái mít. Nó tự đóng vai nhân chứng sống  của kẻ "phạm tội", ngay cả khi trái mít đã bị thối một vùng lớn. Không có cơ sở để nghi vấn độ độc của ngài để lại ở vết thương trên vỏ trái như ý kiến một vài người dân nhưng hiện tượng vỏ trái bị ngài chích thối to như miệng chén cơm là phổ biến. 
Phòng trừ thối trái mít bằng cách quản lý nấm đen, ruồi đục trái. Cây mít cho trái rải vụ quanh năm, vụ chính ở Đồng Nai vào tháng 6, 7, vụ phụ tháng 11 - 12 nên hoa mít không đậu trái là nguồn bệnh nấm đen tại chỗ, cần được loại bỏ thường xuyên. Diệt ruồi đục trái trên vườn chu kỳ 3 lần x 7 ngày vào mỗi quý. Tỉa trái thưa, không có trái sát nhau để bao trái  và giúp trái phát triển đều. Đối với chùm trái đóng trong tầm tay, thì kiểm tra sâu ngài hàng ngày và nếu cẩn trọng hơn thì tách chúng ra bằng cách nhét vào nơi tiếp giáp một vật cứng. Khi có dấu hiệu sâu, ngài, xịt một trong các loại thuốc Basudin, Pyrinex, Polytrin, Pandan... trị bướm đẻ trứng, sâu và ngài đục trái di chuyển đến trái. 

MINH TUẤN