HTX Cần Giờ Tương Lai – Đơn vị điển hình về phát triển mô hình HTX kiểu mới

Sống xanh - Ngày đăng : 15:47, 04/09/2021

KHPTO - Việc chuyển đổi mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu cũ (theo Luật HTX năm 2003) sang hoạt động theo Luật HTX năm 2012 nhằm nâng cao vai trò của các HTX thông qua việc đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, quản lý dân chủ, bình đẳng, tự chịu trách nhiệm và cùng có lợi.

Sau thời gian thực hiện theo mô hình HTX kiểu mới, một số HTX trên địa bàn TP.HCM đã hoạt động hiệu quả. HTX Cần Giờ Tương Lai (ấp Bình Thuận, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TP.HCM) là một trong những đơn vị điển hình phát triển mô hình HTX kiểu mới.

HTX Cần Giờ Tương Lai, hoạt động trên tất cả các ngành nghề liên quan đến nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, đầu tư và xây dựng, nhưng chủ yếu hoạt động chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản. Phát huy được vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mô hình kinh tế tập thể, HTX này đã tạo nên chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản, tạo ra sản phẩm chất lượng, sạch theo tiêu chuẩn VietGAP mà người tiêu dùng đang hướng tới và sử dụng.

Ông Huỳnh Văn Thanh - chủ tịch hội đồng quản trị HTX Cần Giờ Tương Lai cho biết, trong thời gian đầu triển khai phát triển mô hình HTX kiểu mới, HTX gặp không ít khó khăn. Vì là mô hình kinh tế tập thể (HTX), nên trong tư duy người dân (người cung ứng, người tiêu thụ sản phẩm), thậm chí là thành viên của HTX, còn dư âm HTX kiểu cũ thời bao cấp trước đây.

Khi mới thành lập, HTX là nhà cung cấp mới trên thị trường. Tuy nhiên, việc tạo điều kiện hỗ trợ của chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý Nhà nước khác cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HTX còn nhiều hạn chế, khó khăn.

Bên cạnh đó, để tổ chức sản xuất ra sản phẩm “sạch”, HTX đã chấp nhận mua nguyên liệu đầu vào sạch, giá cao và vận dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại và sạch vào quy trình sản xuất, dẫn đến chi phí để sản xuất ra các sản phẩm lên cao. Chính vì vậy, việc cạnh tranh với các đơn vị khác có cùng loại sản phẩm nhưng sản xuất theo mô hình truyền thống thường không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng gặp nhiều khó khăn cho HTX.

Tuy nhiên, sau hơn 2 năm hoạt động, HTX này đã đi vào hoạt động ổn định, xây dựng được cơ sở chế biến các loại cá khô, tôm khô và cá tươi sống với công suất trên 2 tấn/ngày; sơ chế tổ yến thô; có nhiều điểm trưng bày giới thiệu, quảng bá thương hiệu và kinh doanh sản phẩm.

HTX này cũng đã xây dựng được chuỗi liên kết cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với 100 hộ dân sản xuất nông sản “sạch” (không dư lượng kháng sinh, hóa chất cấm sử dụng trong ngành thực phẩm, đồng thời xây dựng được thương hiệu các sản phẩm đặc sản của Cần Giờ theo hướng bền vững), đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các xã trên địa bàn huyện, như tôm, cá dứa, yến… tạo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa HTX với các hộ dân sản xuất và các doanh nghiệp thu mua.

Bên cạnh đó, HTX còn ký kết hợp đồng tiêu thụ, mua bán các sản phẩm tôm thịt, cá dứa, tổ yến thô đối với các hộ dân sản xuất, nuôi trồng trên địa bàn huyện, nhằm phục vụ cho công việc sản xuất, chế biến của HTX và cung ứng sản phẩm cho các cá nhân, doanh nghiệp, siêu thị thu mua trên địa bàn TP.HCM.

Theo ông Huỳnh Văn Thanh, khó khăn nhất hiện nay là tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc sản xuất, nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng nhiều, như khó kiểm soát chất lượng, giá cả và đầu ra sản phẩm không ổn định.

Để đảm bảo hiệu quả cao và bền vững đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX trong nhiệm kỳ 2019 – 2023, HTX này sẽ thúc đẩy kinh tế nông nghiệp theo hướng ngày càng phát triển ổn định, bền vững, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lực lượng lao động nhàn rỗi, học sinh, sinh viên tốt nghiệp chưa tìm được việc làm.

HỒNG DUNG