Bệnh COPD chưa chữa khỏi hẳn, nhưng có thể phòng ngừa và điều trị triệu chứng

Dòng chảy - Ngày đăng : 20:52, 15/11/2016

Sáng ngày 15/11/2016, Hội Hô hấp TPHCM và Văn phòng đại diện công ty GSK tại TPHCM phối hợp tổ chức ngày phát động chương trình hành động hưởng ứng “Ngày Bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mạn Tính Toàn Cầu”, với cam kết đồng hành cùng cộng đồng trong cuộc chiến đẩy lùi căn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Tại Việt Nam, tỷ lệ COPD trong cộng đồng dân cư từ 40 tuổi trở lên là 4,2% trong đó nam là 7,1% và nữ là 1,9%. Bệnh nhân COPD thường chiếm 25% số giường trong các khoa hô hấp và trong phòng chăm sóc tích cực lúc nào cũng có bệnh nhân COPD thở máy. COPD gây gánh nặng to lớn cho gia đình và xã hội. Chi phí điều trị một ca trung bình nặng có thể từ 2 – 10 triệ đồng/tháng. Những trường hợp ở giai đoạn cuối chi phí mất đển cả 100 triệu cho mỗi đợt cấp điều trị.

COPD_1

Đo hô hấp ký để phát hiện sớm COPD

Vì vậy, đối với những bệnh nhân mắc COPD, việc phải kiểm soát liên tục và tuân thủ nghiêm ngặt những chỉ định điều trị từ bác sĩ là rất quan trọng. Ngoài ra, bệnh nhân cần phải chủ động phòng tránh tác nhân gây bệnh như  không hút thuốc, tránh tiếp xúc với bụi, khói nhất là khói thuốc lá; tránh hoạt động thể lực quá sức và đặc biệt là giữ môi trường sống trong lành. Đây là hành động thiết thực, không chỉ bảo vệ sức khoẻ cá nhân người bệnh mà còn góp phần nâng cao chất lượng sức khoẻ cho cả cộng đồng.

PGS. TS. Bác sĩ Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Hội Hô hấp TP.HCM cho biết: “Tuy không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng người mắc COPD có thể sinh hoạt bình thường hoặc tương đối bình thường nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Trên 80% số bệnh nhân COPD phát hiện là ở giai đoạn nặng hoặc rất nặng do biểu hiện bệnh ban đầu khá tương đồng với các bệnh hô hấp khác. Do đó, nếu trên 40 tuổi, ho khò khè, khó thở kéo dài và có tiếp xúc với yếu tố nguy cơ như hút thuốc là, tiếp xúc các hóa chất, các chất tạo khói như bếp than, củi, dầu lửa… nên đến gặp bác sĩ để tư vấn và đo hô hấp ký”.

Ngày Toàn cầu phòng chống Bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mạn Tính được tổ chức bởi GOLD (Chiến lược toàn cầu về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), phối hợp với các nhân viên y tế và các nhóm bệnh nhân COPD khắp thế giới. Mục tiêu của Ngày Toàn cầu phòng chống Bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mạn Tính là tăng cường sự hiểu biết về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và cải thiện việc chăm sóc COPD trên khắp thế giới. Ngày Toàn cầu phòng chống Bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mạn Tính đầu tiên được tổ chức vào năm 2002. Mỗi năm, những người tổ chức tại hơn 50 quốc gia tiến hành các hoạt động, khiến ngày này trở thành một trong những sự kiện thông tin và giáo dục về COPD quan trọng nhất.

Bài, ảnh: HỒNG DUNG