Phòng chống tiền đái tháo đường

17/11/2006 23:46

Theo thống kê của WHO, năm 2005 có 97 triệu người trên thế giới được chẩn đoán đái tháo đường (ĐTĐ) (số người bệnh ĐTĐ không được chẩn đoán cũng tương đương như vậy) và 314 triệu người bị rối loạn dung nạp đường. Ở Việt Nam, theo điều tra của Bệnh viện Nội tiết năm 2003, có khoảng 2 triệu người bị bệnh ĐTĐ; ở các thành phố lớn, tỉ lệ bệnh là 4,4%, rối loạn dung nạp đường là 5,1%. Và cứ mỗi năm, 5 - 10% số người tiền ĐTĐ sẽ trở thành bệnh nhân ĐTĐ thật sự.

- Đường huyết lúc đói từ 80 - 125 mg/dl.

- Rối loạn dung nạp đường: đường huyết sau khi làm nghiệm pháp dung nạp đường từ 140 - 199 mg/dl.

Đây là dấu hiệu sớm của bệnh ĐTĐ. Những người bị rối loạn dung nạp đường hoặc rối loạn đường huyết lúc đói cùng có nguy cơ bị bệnh tim mạch và đột quỵ như người bị ĐTĐ.

Tiền ĐTĐ xảy ra khi cơ thể không đáp ứng tốt với insulin nên còn gọi là tình trạng đề kháng với insulin (là chất giúp vận chuyển đường vào tế bào để biến thành năng lượng hoạt động). Tình trạng rối loạn dung nạp đường thường liên quan đến đề kháng insulin hoặc tăng insulin trong máu và gia tăng theo tuổi tác. Trong khi đó rối loạn đường lúc đói thì liên quan nhiều đến sự thiếu hụt insulin.

Đối tượng bị tiền ĐTĐ và ĐTĐ có liên quan đến tình trạng thừa cân, béo bụng và ít hoạt động thể lực.

Cũng như bệnh ĐTĐ, tình trạng tiền ĐTĐ tiến triển một cách âm thầm, thậm chí, người bệnh vẫn không hề biết cho đến khi xảy ra các bệnh lý tim mạch.

Các yếu tố nguy cơ giúp phát hiện tình trạng tiền ĐTĐ bao gồm:

* Những yếu tố không thể can thiệp được:

- Gia đình có người thân bị ĐTĐ.

- Tuổi tác: trên 40 tuổi.

- Gốc chủng tộc: châu Á, châu Mỹ, châu Phi.

- Có rối loạn đường lúc mang thai hoặc sinh con nặng trên 4 kg

- Có cân nặng lúc sinh thấp dưới 2,5 kg.

* Những yếu tố có thể can thiệp được:

- Thừa cân, béo phì, béo bụng (dù không thừa cân).

- Ít vận động thể lực (dưới 1 lần/tuần).

- Huyết áp cao, trên 130/85 mmHg.

- Cholesterol HDL thấp (nam dưới 40mg/dl, nữ dưới 50 mg/dl) và tăng triglycerid (trên 150 mg/dl).

- Chế độ ăn: nhiều đường và ít chất xơ.

- Hội chứng chuyển hóa.

Nếu có những yếu tố trên, nên đi kiểm tra đường huyết.

Theo kết quả của nghiên cứu về chiến lược phòng ngừa và trì hoãn ĐTĐ típ 2 tại Mỹ, việc thay đổi lối sống (ăn uống lành mạnh và tăng vận động thể lực) đã làm giảm 58% tỉ lệ ĐTĐ mới mắc, đạt hiệu quả cao hơn so với dùng thuốc (chỉ giảm 31%).

65% người bị đái tháo đường không biết mình mắc bệnh

Tại buổi mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống đái tháo đường (ĐTĐ) sáng 14/11 vừa qua tại TP.HCM, BS. Lê Thị Kim Quý - giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, chủ nhiệm chương trình quốc gia phòng chống ĐTĐ TP.HCM cho biết, ĐTĐ là một trong những bệnh mãn tính không lây phát triển nhanh nhất, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Ở châu Á, tỉ lệ mắc bệnh hiện nay là 5 - 10%. Điều nguy hiểm là bệnh đang có chiều hướng gia tăng ở thanh thiếu niên và trẻ nhỏ.

Theo BS. Nguyễn Thị Ngọc Dung, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, tại nước ta có tới 65% bệnh nhân bị đái tháo đường nhưng không biết mình có bệnh. Còn những người biết mình mắc bệnh lại chưa hiểu rõ về căn bệnh cũng như biến chứng của bệnh nên phần lớn họ đến cơ sở y tế khi bệnh đã nặng hay có biến chứng, làm cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

Từ tháng 4 - 10/2006 các trung tâm y tế quận, huyện ở TP.HCM đã tổ chức tầm soát ĐTĐ cho 3.480 người trên 45 tuổi hoặc có các yếu tố nguy cơ. Kết quả thật bất ngờ, vì có tới trên 10% người được khảo sát bị mắc bệnh. Cao nhất là người dân ở các quận 9, Củ Chi với tỉ lệ lên tới 20%.

N.P.

Theo WHO, 80% bệnh nhân đái đường và 70% bệnh nhân bệnh mạch vành có liên quan đến thừa cân và béo phì. Các nghiên cứu cho thấy chỉ cần giảm 5 - 10% cân nặng có thể phòng ngừa hoặc trì hoãn sự phát triển của ĐTĐ.

Nếu thừa cân thì phải giảm mức năng lượng thu vào bằng cách giảm bớt những thức ăn nhiều năng lượng (béo, ngọt) đồng thời tăng cường hoạt động thể lực. Mục đích là tạo ra hoặc sự thiếu hụt năng lượng để giảm cân.

Tập thể dục giúp cơ thể sử dụng tốt lượng đường trong máu, giảm cân, giảm cholesterol xấu, giảm triglycerid, tăng cholesterol tốt, giảm huyết áp và ngăn ngừa bệnh tim mạch. Các loại hình tập thể dục bao gồm đi bộ, chạy bộ, bơi lội, đạp xe đạp, làm vườn... Thời gian vận động tối thiểu 30 - 45 phút mỗi ngày hoặc 150 phút mỗi tuần.

Nếu được điều trị tích cực, người đã bị tiền ĐTĐ sẽ trì hoãn được sự xuất hiện bệnh ĐTĐ và giảm nguy cơ biến chứng.

Ngoài ra, người bị tiền ĐTĐ còn phải đưa đường huyết trở về mức bình thường, ngưng hút thuốc lá và kiểm soát tốt huyết áp, lượng mỡ trong máu. ó

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng chống tiền đái tháo đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO