Phòng bệnh do Lãi đũa

BS. VĨNH PHÚC| 27/04/2011 15:03

Nhiễm sán lãi hay ký sinh trùng đường ruột là vấn đề lớn của sức khỏe cộng đồng tại các nước đang phát triển cũng như Việt Nam. Tỷ lệ mắc bệnh Lãi đũa trong dân chúng ở nước ta từ 15 - 30%, tuy không gây chết người nhưng gây suy dinh dưỡng và nhiều biến chứng nguy hiểm.

Giun đũa

Còn gọi là Lãi đũa (Scaris lumbriciudes) là loài ký sinh đường ruột rất phổ biến. Giun đũa sống chủ yếu ở đoạn cuối của ruột non, chuyên hút lấy dưỡng chất mà đã ăn vào, tiêu hóa xong thì bị sán ăn bớt.

Nguyên nhân

Lây lan chủ yếu do rau cải hoặc trái cây bị nhiễm bẩn, có chứa trứng Giun. Khi ăn phải trứng Giun đũa đã có phôi (gặp nước) vào đường ruột, dịch tiêu hóa, sẽ làm tan vỏ trứng và phôi được phóng thích, biến thành ấu trùng, đi ngang qua thành ruột non, theo đường máu đến gan, lưu lại ở đó vài ngày rồi sau đó theo tĩnh mạch trên gan đến tim rồi đến phổi. Ở đây nó lột xác hai lần rồi đi dần lên cuống phổi, xuyên qua hầu (gây ho), sau đó được nuốt trở xuống ống tiêu hóa, định vị ở ruột non và trưởng thành ở đó. Thời gian diễn biến của Giun đũa kể từ khi người ăn phải trứng có ấu trùng đến khi giun trưởng thành phải mất khoảng 60 ngày. Giun đũa có thể sống đến một năm. Chúng trườn lên, trườn xuống trong đoạn ruột non 4 - 5 mét mà đôi khi ta có thể cảm nhận được!

Triệu chứng

Nhiều khi không có triệu chứng rõ rệt, chỉ có soi phân qua kính hiển vi mới phát hiện có trứng Giun đũa. Thử máu bằng phương pháp miễn dịch huỳnh quang thì dễ xác định và phân loại được Giun sán vì thường bị nhiễm nhiều loài Sán lãi cùng lúc (nhiều người nuôi Chó, Mèo bị nhiễm 4 - 5 loài Giun sán cùng lúc!).

Giai đoạn lưu hành qua phổi gây cơn ho, thâm nhiễm phổi (X quang), tăng bạch cầu đa nhân ưa acid (thử máu). Tiêu hóa: đau bụng quanh rốn, rối loạn tiêu hóa. Triệu chứng thần kinh: trẻ ngứa mũi, lên cơn co giật, đêm ngủ hay hốt hoảng, nghiến răng, ứa nước miếng, thích nằm sấp. Ngoài những rối loạn tiêu hóa và rối loạn thần kinh ở trẻ nhỏ, Giun đũa còn làm suy yếu bệnh nhân do chiếm đoạt thức ăn trong ruột người bệnh. Những người trong khẩu phần hàng ngày có 100 g đạm (protein) sẽ mất khoảng 10 g đạm nếu chứa vài chục Giun đũa trong ruột.

Biến chứng

+ Giun chui ống mật gây tắc ống dẫn mật, viêm túi mật, vàng da do ứ mật, áp xe gan, tắc ruột…

+ Làm nghẽn ống tụy dẫn đến viêm tụy cấp hoặc bán cấp.

+ Giun chui vào ruột dư làm viêm ruột dư.

+ Làm viêm màng bụng khu trú hoặc lan tỏa do Giun làm thủng ruột.

Điều trị

Rau Sam tươi 50 - 100 g rửa sạch, xay sinh tố, thêm ít đường cho dễ uống. Có thể rửa sạch rau Sam, xắt nhỏ nấu canh với cá, thịt cho ăn tùy thích sẽ xổ ra hết. Trẻ con mỗi tháng dùng rau Sam một lần (không cần xét nghiệm vì trẻ con thường bị nhiễm Giun đũa và rau Sam cũng xổ được cả Giun kim nữa).

Hột Trâm bầu, tán bột, hòa đường cho uống hoặc dùng chuối chấm bột Trâm bầu để ăn.

Thuốc trị Giun đũa (mua ở pharmacy): Mébendazole và các chế phẩm (không dùng cho trẻ dưới 3 tuổi: chỉ dùng rau Sam).

Phòng ngừa

Giun đũa đẻ trứng trong ruột và trứng theo phân ra ngoài. Do đó biện pháp phòng ngừa cho cộng đồng là chỉ đi tiêu trong cầu tiêu hợp vệ sinh. Không nên đi tiêu bừa bãi ra bờ ruộng, bãi cỏ. Không dùng phân bắc chưa ủ hoai để bón rau màu.

Nếu dùng phân động vật và người thì phân phải được ủ hoai ít nhất trong 3 tháng.

- Rửa rau cải sống, cần rửa từng lá để loại bỏ trứng Giun. Thuốc tím pha loãng 1% hay hơn cũng không diệt được trứng Sán lãi.

- Chỉ uống nước đã đun sôi. Tránh ăn hàng rong thiếu vệ sinh.

- Rửa tay bằng nước và xà bông sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn.

- Do đường phố còn nhiều phân súc vật phóng uế bừa bãi, phân có trứng Sán lãi và vi trùng luôn bám vào giày dép, bánh xe… luôn có thể vây vào sân, nhà bạn. Do đó nên để giày dép ngoài cửa. Xe đem vào nhà thì phải lau nhà thường xuyên, nếu không trẻ con rất dễ bị nhiễm Sán lãi, kể cả việc chúng bốc thức ăn rơi trong nhà…

Vệ sinh ngừa bệnh quan trọng hơn là chữa bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng bệnh do Lãi đũa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO