PHẪU THUẬT ĐIỀU TRỊ BỆNH “CHIM XỆ CÁNH”:

03/06/2006 07:20

Bệnh “chim xệ cánh” đang là đề tài thời sự về chỉnh hình ở Việt Nam. Trẻ em mắc bệnh này ngày càng tăng và trong số 22 địa phương thông báo có bệnh thì Hà Tĩnh và Hà Tây là 2 tỉnh dẫn đầu về số lượng. Để nhanh chóng điều trị cho bệnh nhân, Bộ Y tế đã chủ trương chuyển giao kỹ thuật mổ xuống tận các tuyến y tế cơ sở. Xung quanh chủ trương này đã có nhiều ý kiến từ phía các nhà chuyên môn trong cuộc họp mới đây tổ chức tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, PV. Báo KHPT ghi nhận:

CẦN XÁC ĐỊNH LẠI TÊN GỌI

GS.BS. Ngô Bảo Khang - cố vấn Chủ tịch Hội đồng khoa học Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Saigon - ITO: Bệnh “chim xệ cánh” đã được y văn thế giới nói tới từ lâu. Đây là một trong các bệnh co rút cơ, là tình trạng cơ delta bị xơ hóa nên không phát triển to. Gọi là bệnh “chim xệ cánh” thực ra cũng không đúng. Hình tượng hai cánh tay bệnh nhân không khép vào thân người được và gờ trong của xương bả vai nhô cao ra phía sau thì phải gọi là “chim dang cánh hay dạng cánh” mới đúng.

PGS.BS. Lê Chí Dũng - Chủ tịch Hội Chấn thương chỉnh hình TP.HCM: Nên đổi lại cách dùng từ để chỉ căn bệnh này. Nên gọi là bệnh “co rút một phần cơ delta”. Đây cũng là cụm từ được nhiều người đồng tình.

NGUYÊN NHÂN: KHÔNG CHỈ DO TIÊM CHÍCH

GS.BS. Nguyễn Quang Long - Nguyên chủ nhiệm bộ môn Chấn thương chỉnh hình trường Đại học Y Dược TP.HCM: Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh như bẩm sinh, do viêm cơ thiếu máu, tiêm chích bắp nhiều lần bằng một số loại thuốc kháng sinh, giảm đau, corticoid...

GS.BS. Ngô Bảo Khang: Tiêm chích vẫn là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh này ở Việt Nam. Tuy nhiên việc tiêm chích ấy phải có yếu tố nhiễm trùng sau chích từ nhẹ đến nặng mà đa số là nhẹ và tiềm tàng nghĩa là sau chích bệnh nhân sưng đau tại vết chích mà thường chỉ là chườm nóng và uống kháng sinh rồi hết. Tuy nhiên, bệnh sẽ diễn biến từ từ qua nhiều năm rồi mới xơ và co rút. Tuy vậy, cũng có nhiều trường hợp bị nhưng không do tiêm chích, đó là 20 ca mới phát hiện tại một xã ở tỉnh Phú Yên.

KHÔNG THỂ CHUYỂN GIAO KỸ THUẬT ĐẠI TRÀ

GS.BS. Nguyễn Quang Long: Chủ trương của Bộ Y tế là chuyển giao kỹ thuật mổ xuống tận xã là không phù hợp và không khả thi. Việc chẩn đoán, điều trị căn bệnh này là cả một quá trình, qua nhiều khâu trong đó phẫu thuật chỉ là một. Sau phẫu thuật phải tập vật lý trị liệu, nếu không kết quả sẽ không cao. Điều đáng quan tâm hơn cả là chẩn đoán chính xác căn bệnh này không đơn giản vì rất dễ nhầm lẫn với những bệnh khác. Nếu chẩn đoán không chính xác mà cứ tiến hành mổ còn nguy hiểm hơn là không mổ. Mổ mà không đúng kỹ thuật sẽ để lại di chứng và không thể sửa chữa được. Vì thế, việc điều trị phải do chính những bác sĩ chuyên môn thực hiện.

PGS.BS. Lê Chí Dũng - Chủ tịch Hội Chấn thương chỉnh hình TP.HCM: Ngay cả bệnh viện lớn như Chấn thương chỉnh hình mà vấn đề chẩn đoán căn bệnh này cũng còn phải đặt ra thì không thể chuyển giao điều trị căn bệnh này xuống tuyến xã được.

GS.BS. Lê Văn Thành - bộ môn nội thần kinh thuộc Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế Thành phố: Hiện nay có một số loại bệnh cơ rất giống hình ảnh của “chim xệ cánh”, có bệnh do di truyền, có bệnh gọi là teo cơ tủy, teo tủy tiến triển, teo cơ... Có bệnh xuất hiện từ khi còn trong bụng mẹ do thiếu một loại men khiến cho khớp vai có vấn đề, khi lớn các gân cơ delta không phát triển, sau cùng dẫn tới cứng khớp, có thể kèm theo cứng một số khớp khác. Bệnh nhân cũng bị teo cơ vai, ngực, vận động yếu và xuất hiện rất muộn nếu không cẩn thận sẽ rất dễ nhầm với chim xệ cánh. Nếu không có kinh nghiệm trong chẩn đoán mà tiến hành mổ sẽ rất nguy hiểm, có khi gây liệt.

Cũng lưu ý các nhà chỉnh hình rằng khi chẩn đoán nên có sự tham gia của các bác sĩ về thần kinh.

TS.BS. Lương Đình Lâm - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM: Khi đã xác định chính xác bệnh này rồi thì không phải tất cả đều phải phẫu thuật, chỉ nên phẫu thuật khi cánh tay không khép được trên 15 độ.

CHÍCH NGỪA KHÔNG GÂY XƠ HÓA CƠ

Cũng tại cuộc họp này, nhiều ý kiến cho rằng, chích ngừa là chích ở dưới da thì không sao, còn nếu chích để điều trị bệnh mà chích nhiều lần ở một vị trí như vào bắp, cơ delta thì mới có thể bị. Để phòng ngừa, điều quan trọng là phải chọn lựa thuốc, vị trí nơi chích, kỹ thuật vô trùng.

Được biết, hiện nay Ban nghiên cứu “bệnh chim xệ cánh” của Bệnh viện Chợ Rẫy đã “quy kết” cho một số thuốc gây chứng xơ hóa cơ delta là: dramamin, sắt, penicillin, tetracilin, streptomycin, lincomycin, pentazocin, vitamin và thuốc hạ sốt.

CẦN CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC TIÊM CHỦNG

GS.BS. Ngô Bảo Khang: Cần chấn chỉnh lại công tác tiêm chủng và chích thuốc, phải có hồ sơ ghi chép các đợt tiêm chủng và các lần chích thuốc rồi lưu trữ hồ sơ ít nhất 7 - 10 năm để sau này dễ tra cứu và theo dõi. Thuốc tiêm chủng phải kiểm tra chặt chẽ vấn đề tiệt trùng có an toàn không kể cả nguyên tắc vô trùng trong tiêm chủng.

Sau tiêm chích, nếu trẻ có triệu chứng nhiễm trùng hoặc vận động khớp vai khó khăn thì phải khám chuyên khoa chấn thương chỉnh hình. Hoặc khi khám sức khỏe các cháu hàng năm phải khám cơ quan vận động nhất là cử động tay, chân, khớp vai, gấp duỗi gối, dáng đi đứng chứ không chỉ có khám tim, phổi, nắn bụng và xét nghiệm máu là đủ. Khám xong phải ghi vào sổ khám bệnh của bệnh nhân. Nếu có bất thường phải khám chuyên khoa và điều trị tập phục hồi chức năng sớm mới có thể khỏi được. Nếu để muộn thì phải mổ, mà dù mổ thì vận động của vai hay gối cũng không thể phục hồi bình thường được, còn cơ delta đã xơ không thể to ra, các cơ lưng, cơ ngực teo nhỏ không thể nở ngay ra được.

PGS.BS. Lê Chí Dũng: Người dân không nên lo lắng quá về căn bệnh này. Khi phát hiện bệnh nên tới cơ sở chuyên môn chẩn đoán cho chính xác, cần mổ thì mổ, sau đó tập vật lý trị liệu. Cũng lưu ý giới chuyên môn không nên quá xem nặng căn bệnh này và đừng biến nó thành “phong trào”. Hiện nay do là vấn đề nóng nên một số cơ sở y tế đã “ăn theo”, đăng ký tham gia điều trị, đáng kể là trong số đó có cả những nơi chưa chắc đã mổ được nhưng cũng đăng ký vì một lý do nào đó, chẳng hạn như muốn khuếch trương thương hiệu.

Cuối cùng theo các chuyên gia trong ngành, vấn đề quan trọng cần làm ngay là phải nhanh chóng làm các điều tra về dịch tễ, thống nhất cách chẩn đoán, nhận dạng chính xác từng dạng bệnh trước khi tiến hành phẫu thuật, phải có phác đồ bệnh án điều trị kiểu mẫu, phục hồi chức năng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
PHẪU THUẬT ĐIỀU TRỊ BỆNH “CHIM XỆ CÁNH”:
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO