Phát triển sản xuất cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long: Cần đột phá trong khâu sản xuất giống

GIA PHÚ| 19/10/2017 10:08

KHPT - Cá tra là đối tượng nuôi nước ngọt phổ biến ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đồng thời là sản phẩm chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam, sau con tôm. Nhiều năm qua, số lượng cá giống đã tăng nhanh chóng về chất lượng và số lượng, tuy nhiên việc sản xuất giống và phát triển nghề nuôi cá tra vẫn còn một số hạn chế nhất định, cần có giải pháp đột phá.

Theo tiêu chí liên kết 3 cấp được xác định là Cấp 1: các viện nghiên cứu, trường đại học “Ứng dụng công nghệ cao trong chọn lọc nguồn giống bố mẹ, hoàn thiện công nghệ sản xuất giống cá tra có chất lượng di truyền cao về tính trạng tăng trưởng chuyển giao cho các đơn vị cấp 2; Cấp 2: các cơ sở sản xuất cho sinh sản nhân tạo “Trung tâm giống cấp tỉnh, các cơ sở sản xuất giống của doanh nghiệp như: Hùng Vương, Nam Việt, Việt Úc...”; Cấp 3: các cơ sở ươm dưỡng từ cá bột lên cá hương giống.

Theo ông Đặng Quốc Tuấn, phó chủ tịch HĐQT, kiêm phó tổng giám đốc Tập đoàn Việt Úc, trong quá trình thực hiện đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao cần phải có cơ chế chính sách cụ thể cho giống cá tra. Đồng thời, trong 3 giai đoạn cần tập trung nhiều vào giai đoạn thứ 2. Công đoạn từ cá cha mẹ chất lượng cao ra cá giống đòi hỏi chất lượng rất cao. Cần phải hình thành các hệ thống chuẩn mực, quy định chặt chẽ, tránh trường hợp người dân nuôi cá ở phân đoạn thứ 3 bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông Phan Văn Ninh, chủ tịch Hiệp hội thủy sản An Giang cho biết, mô hình mẫu liên kết trong thời gian vừa qua đã giải quyết được bài toán rất lớn. Người dân có thể ít vốn hoặc trong bối cảnh thiếu vốn vẫn có thể làm ăn được khiến người dân rất an tâm. Đó là những điểm nổi trội cần phát huy. Tuy nhiên, cần suy nghĩ bổ sung để hoàn thiện hơn vì hiện tại mùa thuận hội viên ươm giống đạt tỷ lệ cao 10 - 15% nhưng khi vào mùa nghịch đầu mùa mưa thì số nuôi không đạt, tỷ lệ hao hụt rất cao. Vì vậy, thực tế hiện nay là con giống vẫn còn chịu áp lực môi trường, nếu giải quyết vấn đề này con giống và sản xuất, xuất khẩu đều đặn.

Ông Nguyễn Văn Công, giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, con giống là quan trọng trong phát triển cá tra. Khi có con giống sạch bệnh là căn cơ mang lại hiệu quả cao, nâng chất lượng và thương hiệu. Đây thực sự là mong muốn chung của người làm giống, người nuôi cá thương phẩm và các cơ quan ban ngành nhà nước. Đồng Tháp là tỉnh có số lượng làm giống cá tra hùng hậu, mỗi năm làm ra khoảng 1,5 tỷ con giống. Các vùng nuôi chưa được quy hoạch, vùng nuôi chưa được hỗ trợ, các chính sách vẫn chưa đồng bộ, chưa có quy định cụ thể về chính sách đất đai nên mỗi nơi vận dụng cũng khác.

Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Văn Tám, thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhìn nhận, hiện con cá tra chưa có vai trò của doanh nghiệp trong những khâu đầu vào làm ngược quy trình so với con tôm. Vì vậy cần làm quyết liệt, đột phá khâu giống, tập trung quyết liệt, xây dựng thương hiệu, thích ứng được các thị trường khắt khe nhất và truy xuất được nguồn gốc. Về vấn đề định hướng phát triển giống cá tra cần xác định đây là khâu mang tính đột phá hoàn thiện. Doanh nghiệp là nòng cốt đóng vai trò quan trọng trong đề án. Phải phát huy tiềm năng và thế mạnh của chúng ta hiện nay có để góp phần ổn định và phát triển bền vững thị trường cá tra.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp, thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị tỉnh An Giang, cũng như các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL cần chủ động tạo quỹ đất bằng cách thuê lại đất của nông dân, thực hiện dồn điền đổi thửa, sau đó cho doanh nghiệp thuê có thời hạn. Ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ xây dựng hạ tầng cho các vùng sản xuất giống tập trung ở An Giang và Đồng Tháp. Các tỉnh còn lại sẽ vận dụng nguồn ngân sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng các vùng sản xuất giống của địa phương mình.

Đồng Tháp xin thành lập Trung tâm giống cá tra đồng bằng sông Cửu Long

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, tỉnh này vừa đề nghị với Bộ NN-PTNT cho tỉnh đầu tư vùng sản xuất cá tra giống trọng điểm khu vực ĐBSCL ban hành bộ tiêu chuẩn và chứng nhận về giống cá tra; cho tái thành lập quỹ bảo vệ, phát triển thị trường đối với cá tra.

Hiện tại, Đồng Tháp chưa có doanh nghiệp đầu tư khép kín chuỗi giá trị ngành hàng cá tra từ khâu giống đến nuôi thương phẩm, chế biến, xuất khẩu. Các doanh nghiệp đầu tư con giống tốn nhiều chi phí, thời gian và rủi ro cao nên nguồn cá giống chủ yếu thu mua từ các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất giống.

Tỉnh Đồng Tháp hiện có trên 1.200 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cá tra, trong đó có 76 cơ sở sản xuất và 1.150 cơ sở ươm giống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển sản xuất cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long: Cần đột phá trong khâu sản xuất giống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO