Phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên gắn với nhu cầu tuyển dụng

N. Hoa| 17/01/2018 14:40

Theo ThS. Lại Thế Luyện, bộ môn kỹ năng mềm, Trường đại học tài chính - marketing, có thể hiểu kỹ năng mềm là tất cả những thuộc tính cá nhân, bên cạnh trình độ chuyên môn và kinh nghiệm làm việc của người lao động.

Kỹ năng mềm liên quan đến cách mà mỗi chúng ta tương tác, lãnh đạo và giao tiếp... với những người khác. Một cá nhân dù có kiến thức chuyên môn vững vàng mà thiếu các kỹ năng mềm thì rất khó giao tiếp, hòa nhập, làm việc, hợp tác... cùng với người khác, để gặt hái thành công trong sự nghiệp. Việc bước đầu đưa các môn kỹ năng mềm vào giảng dạy cho sinh viên các trường đại học là điều vô cùng cần thiết, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập ngày nay.

Các giải pháp phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên, ThS. Lại Thế Luyện cho rằng, về phía các trường đại học, trước mắt cần xây dựng chuẩn đầu ra về kỹ năng mềm đối với từng chuyên ngành đào tạo, để sinh viên có căn cứ định hướng và rèn luyện kỹ năng mềm cho bản thân ngay từ năm thứ nhất. Bên cạnh đó, các trường cần xây dựng đề cương chi tiết học phần cho từng kỹ năng, để xác định những nội dung cụ thể mà sinh viên cần rèn luyện. Về lâu dài, các trường đại học có thể xây dựng đội ngũ giảng viên chuyên đào tạo kỹ năng mềm và tiến đến thành lập trung tâm đào tạo kỹ năng mềm. Việc quan tâm phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên sẽ góp phần tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng.

Về phía sinh viên, nếu muốn nắm bắt những cơ hội việc làm tốt trong tương lai, thì ngay từ khi còn học ở trường đại học, mỗi sinh viên cần quan tâm đến việc học hỏi và rèn luyện các kỹ năng mềm. 

Dưới đây là một số biện pháp phát triển kỹ năng mềm dành cho sinh viên:

Tự nhận thức các thiếu hụt về kỹ năng mềm của bản thân: đây không phải là năng khiếu bẩm sinh, nên mỗi sinh viên đều có thể học hỏi, tiếp thu và rèn luyện để đạt được. Sinh viên trước hết phải xác định rõ công việc mình muốn làm sau khi ra trường, sau đó phân tích xem đối với công việc đó, đâu là kỹ năng “cứng”, đâu là kỹ năng “mềm”. Việc xác định rõ “mềm”, “cứng” và nhận ra điểm mạnh, điểm yếu, những mặt thiếu hụt của bản thân là yêu cầu đầu tiên và rất quan trọng để rèn luyện, trau dồi các kỹ năng “mềm”.

Chủ động xây dựng một kế hoạch học hỏi, rèn luyện kỹ năng mềm cho bản thân: kỹ năng mềm trong cuộc sống được hình thành từng ngày, từng giờ trong đời sống của mỗi người. Do đó, rèn luyện kỹ năng mềm cần được nghiêm túc nhìn nhận là một quá trình tích lũy. Mỗi sinh viên cần dựa trên những khả năng của bản thân, mục tiêu nghề nghiệp cụ thể trong tương lai để xây dựng kế hoạch, lộ trình rèn luyện qua mỗi học kỳ và mỗi năm học. Để từ nay cho đến khi ra trường, bạn sẽ tự tin với năng lực của mình cùng với bộ hồ sơ tìm việc hoàn hảo, đặc biệt là các kỹ năng mềm đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Đa dạng hóa các hình thức học hỏi, phương pháp rèn luyện kỹ năng mềm: cách tốt nhất để trau dồi kỹ năng mềm là phải luyện tập, học hỏi thường xuyên, tạo cho mình một phản xạ tức thời mỗi khi gặp các tình huống cần thiết. Sinh viên có thể tham gia các khóa học kỹ năng mềm tại các trung tâm phát triển kỹ năng của các trường đại học, hoặc cũng có thể tham gia học tại cổng đào tạo trực tuyến... Sinh viên không thể thành thạo các kỹ năng mềm này chỉ sau một vài khóa học mà cần được trau dồi hàng ngày qua quá trình làm việc và đúc kết kinh nghiệm thực tế của chính bản thân mình. Bên cạnh đó, sinh viên cũng không nên quan niệm rằng, việc học kỹ năng mềm giống như việc học những môn lý thuyết khác, mà nên học từ những người có kinh nghiệm thực tế thông qua việc tiếp cận, nói chuyện và chia sẻ với họ. Sau đó, hãy biết vận dụng một cách linh hoạt vào thực tế và biến những kỹ năng đó trở thành kỹ năng của chính mình. Các phương pháp học hỏi, rèn luyện kỹ năng mềm của sinh viên cần đa dạng: thảo luận, phân tích trường hợp điển hình, giải quyết các tình huống, đóng vai, chơi trò chơi mô phỏng, bày tỏ ý kiến... 

Học tập, rèn luyện kỹ năng mềm mọi lúc, mọi nơi: kỹ năng mềm được tích lũy từ quá trình đi học, đi làm và cả khi tương tác với các mối quan hệ khác trong cuộc sống. Cho nên, kỹ năng này có thể được học hỏi, rèn luyện ở mọi lúc, mọi nơi và không chỉ bó hẹp trong phạm vi chương trình đào tạo của các trường đại học. Khóa học kỹ năng mềm ở trường đại học chỉ cung cấp những nội dung cơ bản nhất và giúp sinh viên nhận thức đúng đắn về vấn đề kỹ năng mà khóa học đề cập. Theo các chuyên gia, rất nhiều những kỹ năng mềm có thể được tích lũy hay nâng cao trong thời gian làm việc qua các trải nghiệm thực tế. Nói cách khác, kỹ năng mềm là kỹ năng mà con người chỉ có thể hoàn thiện thông qua trải nghiệm và thực hành suốt thời gian dài. Nếu bạn không thường xuyên tiếp xúc với mọi người, không giao tiếp và sử dụng những kỹ năng đã được học, thì tất cả sẽ chỉ là lý thuyết, thiếu thực tế. Cho nên, sinh viên có thể tình nguyện tham gia vào nhiều công việc khác nhau, các hoạt động thiện nguyện của đoàn thanh niên, hội sinh viên, tham gia hoạt động xã hội, các câu lạc bộ kỹ năng mềm, tham gia các tổ chức hoạt động từ thiện... và coi đó là những cơ hội tốt để rèn luyện kỹ năng mềm cho bản thân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên gắn với nhu cầu tuyển dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO