Phát triển công viên, vườn hoa TP.HCM: Còn nhiều việc phải làm

NGÂN TUYÊN| 06/08/2010 10:54

Công viên và vườn hoa có vai trò vô cùng to lớn đối với các đô thị và càng có ý nghĩa đặc biệt đối với một đô thị hơn 7 triệu dân như TP.HCM. Theo quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025  thì chỉ tiêu đất cây xanh khu vực nội thành hiện hữu là 2,4 m2/người, khu vực nội thành phát triển mới: 7,1 m2/người, khu vực đô thị tại các huyện ngoại thành: 12  m2/người... Tuy nhiên việc thực hiện theo quy hoạch khá chậm chạp, nhiều quận huyện hầu như không triển khai được vì vướng quy hoạch chồng chéo...<_o3a_p>

Quy hoạch chồng chéo

Theo Sở giao thông vận tải TP.HCM, do nhu cầu cấp bách nên thời gian qua một số quận, huyện đã triển khai quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết cùng lúc quy hoạch chung xây dựng thành phố. Các quy hoạch ngành này lại không được lồng ghép vào quy hoạch xây dựng đô thị. Do đó, hầu hết các quận, huyện khi lập và phê duyệt đồ án quy hoạch đã không cập nhật vào đồ án của mình.Việc này dẫn đến tình trạng quy hoạch không đồng bộ, chồng chéo phải chỉnh sửa nhiều lần. Thậm chí, tại một số quận, huyện quy hoạch được thực hiện theo quy trình ngược.

Hiện tại thành phố giao thẩm quyền thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn trên địa bàn (trong đó có phần công viên, vườn hoa) cho các quận, huyện nhưng cán bộ chuyên môn chưa đủ và chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Nhiều nhà chuyên môn cho rằng, việc phân cấp như trên lại bị ảnh hưởng rất lớn đến công tác quy hoạch của thành phố và ảnh hưởng không ít đến việc bảo vệ đất dành cho đầu tư phát triển công viên và vườn hoa của thành phố. Ví dụ như vì quản lý yếu kém, lỏng lẻo để việc xây nhà trái phép, lấn chiếm đất công viên hoặc vì không có ngân sách đầu tư hoặc không tìm được nhà đầu tư công viên cây xanh thì chính quyền các quận, huyện sẽ phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất công viên cây xanh thành đất nhà ở, thương mại.

Công viên teo tóp vì… công trình

Trong vòng 5 năm trở lại đây, diện tích công viên của thành phố không được phát triển theo đúng quy hoạch, thậm chí nhiều nơi còn teo tóp do công trình giao thông, đô thị. Ngoại trừ công viên Tao Đàn, Lê Văn Tám, 23 tháng 9, Gia Định, Hoàng Văn Thụ… đã có từ trước, thành phố có rất ít công viên lớn (cấp thành phố và quận, huyện) được đầu tư xây dựng mới. Theo Sở giao thông vận tải TP.HCM, một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong việc phát triển công viên và vườn hoa là kinh phí cho công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước. Một số khu đất được quy hoạch là đất công viên vườn hoa nhưng không có ngân sách đầu tư. Để thu hút các nhà đầu tư xây dựng công viên, thành phố phải cho phép chuyển đổi một phần diện tích khu đất công viên (khoảng 25%) thành đất xây dựng chung cư, khu thương mại, làm cho diện tích đất công viên trong đô thị càng không được đảm bảo theo đồ án quy hoạch.

Một vấn đề quan trọng cần phải thừa nhận là việc đầu tư phát triển xây dựng một số công trình hạ tầng giao thông ở thành phố trở nên bức xúc và cần thiết như mở rộng đường, khai thác các công trình ngầm trên diện tích đất công viên như công viên Chi Lăng, công viên Lê Văn Tám (sắp được khởi công) cũng đã làm giảm một phần diện tích đất công viên, vườn hoa (diện tích dành cho lối lên xuống, thoát hiểm...), đồng thời việc trồng cây đại mộc có tác dụng che mát tốt cũng bị hạn chế.

Công viên cây xanh hiện có đã vậy, việc phát triển công viên tại các khu dân cư mới không được thực hiện theo đúng quy hoạch. Khi làm quy hoạch, tất cả các dự án đều phải có mảng xanh, thế nhưng khi triển khai thực hiện thì các chủ đầu tư tự phân lô xây dựng nhà trên cả diện tích đất dành cho cây xanh. Một điều dễ nhận thấy là rất nhiều dự án dân cư hiện nay, sau khi người dân mua nhà lại không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu là do chủ đầu tư dự án đã làm sai quy hoạch, trong đó có việc không tuân thủ đúng quy hoạch dành cho cây xanh. Tại vị trí được quy hoạch phân lô nền và chung cư, chủ đầu tư tập trung tiến hành đền bù giải tỏa trước và bán cho người dân. Tại những vị trí được quy hoạch là công viên thì chủ đầu tư đền bù giải tỏa sau hoặc không kiên quyết hiệp thương để giải tỏa, do đó tỷ lệ mảng xanh không được đảm bảo theo quy hoạch, ví dụ khu dân cư An Phú, An Khánh…

Cần giải pháp đồng bộ

Theo các nhà khoa học, Sở giao thông vận tải TP.HCM cần sớm hoàn tất công tác lập quy hoạch ngành công viên cây xanh đến năm 2020 và quy hoạch dài hạn đến năm 2025 nhằm tạo cơ sở cho việc đầu tư xây dựng và phát triển công viên cây xanh thành phố. Cần thiết phải có một cơ quan quản lý làm nhạc trưởng, tốt nhất là Sở quy hoạch kiến trúc, có trách nhiệm phối hợp đồng bộ và kết nối giữa các quy hoạch xây dựng đô thị và quy hoạch của các ngành khác, quản lý nghiêm ngặt sự tuân thủ quy hoạch chung đối với các đồ án quy hoạch chi tiết đô thị...

Vấn đề xã hội hóa công tác chăm sóc, phát triển công viên, vườn hoa cần phải được xem xét vì hiệu quả đạt được rất cao (theo nhiều mô hình mà các nước trên thế giới áp dụng). Cần khuyến khích các tổ chức trong và ngoài nước, cá nhân tham gia bảo quản, giữ gìn và phát triển mới hệ thống công viên cây xanh đô thị bằng cơ chế, chính sách ưu đãi hết sức cụ thể và phải sớm được ban hành trong năm 2010. Ví dụ như ban hành cơ chế rõ ràng buộc các chủ đầu tư có các dự án được hưởng lợi từ các công viên công cộng cũng như hạ tầng đô thị trong khu vực phải đóng góp kinh phí đầu tư và duy tu; quy chế đấu thầu duy tu, chăm sóc công viên để giảm bớt ngân sách thành phố; cho phép các dự án đầu tư phát triển công viên - vườn hoa có mô hình hoạt động đa dạng trong cùng một dự án nhưng không vi phạm những quy định hiện hành của nhà nước, cho phép doanh nghiệp được quản lý, khai thác công viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển công viên, vườn hoa TP.HCM: Còn nhiều việc phải làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO