Phát hiện khoa học: Việt Nam có nhiều loài thực vật cổ

Như Ngọc| 07/11/2018 22:01

KHPTO - Theo TS.Lưu Hồng Trường, Viện sinh thái học miền Nam, nhiều nhóm loài thực vật cổ vốn có phân bố rất rộng trên Trái đất từ kỷ Paleogene-Neogene (cách đây khoảng 2,58 – 66 triệu năm) và thậm chí sớm hơn vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay ở khu vực Đông Á (trải dài từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, miền đông nước Nga, Mông Cổ, miền đông và trung dãy Himalaya, bán đảo India-Sri Lanka, vùng đồng bằng châu thổ Bangladesh, miền nam Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam).

Nhiều chi thực vật cổ được xem là đặc hữu của khu vực Đông Á nhưng đã từng có phân bố rộng hơn ở bắc bán cầu, đến tận các châu lục khác (châu Âu và Bắc Mỹ) từ cả trăm triệu năm trước đây. Một số chi vẫn còn có phân bố ở châu Âu và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, nhìn chung thì điều kiện sinh thái và khí hậu để chúng tồn tại chưa được biết rõ.

Một nghiên cứu của 45 nhà khoa học quốc tế từ 9 quốc gia (trong đó có Viện sinh thái học miền Nam thuộc Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) vừa công bố đã mô hình hóa và so sánh bản đồ phân bố và đa dạng của các loài thực vật này (gồm 433 loài thuộc 133 chi thực vật) dựa trên các ghi nhận mẫu vật hóa thạch và còn sống, từ đó cho thấy chúng có phân bố phổ biến ở các khu vực rừng núi có tính chất khí hậu ẩm á nhiệt đới và ôn đới ấm kể từ thời xa xưa.

Áp dụng mô hình ổ sinh thái và chồng ghép bản đồ, các nhà khoa học đã cho thấy các kiểu phân bố và đa dạng này tương ứng với các vùng trú ẩn của các loài nghiên cứu (tức các khu vực cư trú có điều kiện khí hậu ổn định giúp các giống loài sống sót qua thời gian). Điều kiện khí hậu (không bị phủ băng hà như châu Âu và Bắc Mỹ) cùng với sự đa dạng về địa hình ở Đông Á đã đóng vai trò quan trọng giúp các loài này vượt qua giai đoạn Cực đại băng hà cuối cùng (Last Glacial Maximum) cách đây khoảng 20 – 26,5 ngàn năm và tồn tại cùng với các hệ sinh thái rừng của chúng cho đến ngày nay.

Các khu vực rừng núi thuộc tây nam Trung Quốc, miền bắc Việt Nam (nhất là các dãy núi Hoàng Liên Sơn, Tây Côn Lĩnh, Con Voi và tỉnh Cao Bằng) và một số nơi ở Trung Quốc được kết luận là các vùng trú ẩn cho các chi thực vật cổ đặc hữu của Đông Á, và do đó các khu vực này hiện đang lưu giữ nhiều nhất các loài thực vật cổ.

Mô hình nghiên cứu cũng dự báo đến năm 2070, diện tích phân bố nói chung của các loài thực vật cổ có thể sẽ mở rộng, nhưng các diện tích rừng có sự đa dạng nhất các loài thực vật cổ sẽ bị giảm đi. Diện tích phân bố các chi thực vật cổ đặc hữu cũng sẽ bị suy giảm. Các khu vực rừng núi vùng tây nam Trung Quốc và miền bắc Việt Nam (nhất là khu vực biên giới) sẽ là các vùng trú ẩn ổn định lâu dài cho các loài thực vật cổ. Ngay cả đối với các chi thực vật cổ có vùng phân bố rộng ra ngoài khu vực Đông Á thì các khu vực đông nam Vân Nam và dãy Hoàng Liên Sơn sẽ có những vùng trú ẩn lâu dài và quan trọng nhất trong tương lai.

Đáng lưu ý, có đến khoảng 73 – 80% diện tích các vùng trú ẩn của các loài thực vật cổ đang nằm ngoài hệ thống các khu bảo tồn hiện có. Do đó, để duy trì sự đa dạng di truyền bảo đảm cho chúng tồn tại lâu dài thì cần gấp rút thành lập thêm các khu bảo tồn ở các khu vực miền núi trong vùng đồng bằng Tứ Xuyên và vùng đông nam đến phía bắc tỉnh Vân Nam ở Trung Quốc, cũng như vùng Hoàng Liên Sơn và các tỉnh biên giới phía bắc của Việt Nam.

Nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí Nature Communications, tháng 10/2018 (https://www.nature.com/articles/s41467-018-06837-3).

thuy_tung

Ảnh minh họa: Rừng Thủy tùng (Glyptostrobus pensilis) ở Việt Nam

Chi Thủy tùng (Glyptostrobus) ngày nay là đặc hữu của vùng Đông Á (phân bố ở Trung Quốc, Lào và Việt Nam). Các ghi nhận hóa thạch cho thấy chi này xuất hiện cách đây khoảng 110 triệu năm (thuộc kỷ Cretaceous – Phấn trắng) ở vùng Greenland, Canada và Mỹ, sau đó từng mọc rất phổ biến ở bắc bán cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát hiện khoa học: Việt Nam có nhiều loài thực vật cổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO