Ô nhiễm không khí tại TPHCM trong tình trạng báo động

HỒNG DUNG| 15/10/2018 11:09

KHPTO - Ngày 14-10, hội thảo "Môi trường không khí và các bệnh có liên quan" do Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật TP HCM và Hội Y học TP HCM phối hợp tổ chức nhằm cung cấp tổng quan về hiện trạng môi trường không khí tại TPHCM và các vấn đề sức khỏe liên quan.

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS. Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp Các Hội khoa học và Kỹ thuật TPHCM,  cho biết: “TPHCM là một thành phố lớn, có nhiều thách thức đó chính là nạn ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng. Nguyên nhân, do những hoạt động công nghiệp, giao thông, sinh hoạt…  gây ô nhiễm không khí làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe người dân. Tôi mong rằng, qua hội thảo các chuyên gia sẽ có những bài báo cáo để chúng ta có thể nhìn tổng quan tình hình ô nhiễm không khí tại TPHCM ở mức độ nào và những bệnh lý liên quan người dân phải gánh chịu do ô nhiễm không khí gây ra. Từ đó, có những giải pháp đề xuất lên Thành phố, giảm thiểu ô nhiễm không khí tác động lên TPHCM”.

Theo báo cáo viên Ths. Nguyễn Cảnh Lộc, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường, Sở tài nguyên và Môi trường TPHCM, kết quả thu được từ 12 trạm quan trắc chất lượng không khí đặt tại 12 vị trí của TPHCM, cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí và tiếng ồn ở Thành phố luôn vượt quá qui chuẩn Việt Nam ở mức báo động. Có 3 nguyên nhân chính: Thứ nhất, ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông - trong năm 2017 có đến 7,6 triệu xe máy và 796 ngàn xe ô tô, chưa kể xe đến từ các địa phương khác. Dự đoán năm 2020, lượng xe tham gia giao thông sẽ tăng thêm 30%. Thứ hai, ô nhiễm không khí do công nghiệp: hiện TPHCM có khoảng 1.000 nhà máy xí nghiệp quy mô lớn và hàng chục ngàn cơ sở sản xuất tiểu thủ công…. Và thứ ba, ô nhiễm không khí phát sinh từ cuộc sống đô thị – chủ yếu do hoạt động xây dựng và dịch vụ của thành phố.

Theo một nghiên cứu khác của ThS. Vũ Xuân Đán, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe Lao động và Môi trường – Sở y tế, cho biết bụi gây ra bệnh tật và tử vong là bụi mịn có đường kính khí động nhỏ hơn 2.5 µm (PM2.5) và nguồn phát phơi nhiễm với bụi mịn này là từ bụi đất, bị giao thông, bụi công  nghiệp, bụi do hoạt động từ bên trong nhà và bụi đại dương.

ket_xe

Mực độ giao thông phát triển nhanh là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại TPHCM

PGS-TS-BS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TP HCM, cảnh báo ô nhiễm là nguyên nhân lớn nhất gây bệnh tật và chết sớm. Năm 2015, ô nhiễm gây 9 triệu ca chế sớm, 16% ca tử vong toàn cầu gấp 3 lần AIDS, lao và sốt rét cộng lại, gấp 15 lần cái chết do chiến tranh. Gần 92% cái chết có liên quan đến ô nhiễm xảy ra các nước thu nhập thấp và trung bình. 

PGS Tuyết Lan, trong bài báo cáo đưa ra các nghiên cứu dài hạn, cho thất ô nhiễm không khí là một trong các nguyên nhân gia tăng tỉ lệ bệnh hen, phổi tắc nghẽn mạn tính, nhiễm trùng hô hấp, rối loạn hô hấp trong giấc ngủ, trẻ em có chức năng hô hấp kém… Bên cạnh đó, một tài liệu chính thức ủa Ủy ban Lancet về môi trường và sức khỏe năm 2017 do tạp chí khoa học danh tiếng The Lancet đứng đầu, cảnh báo ô nhiễm không khí "vượt chuẩn" sẽ làm "tăng tần suất hen và phổi tắc nghẹn mạn tính, suy giảm mạn tính chức năng hô hấp và ung thư phổi".

PGS-TS-BS Đặng Xuân Hùng, Chủ tịch Hội Thính học TP HCM , cho biết cường độ tiếng ồn tại TP HCM ban ngày luôn vượt 6-20 dBA; ban đêm vượt 7-15 dBA so với tiêu chuẩn cho phép. "Thủ phạm lớn nhất là các phương tiện giao thông. Ô nhiễm tiếng ồn gây ra hàng loạt bệnh tai mũi họng, nghe kém, ù tai, choáng váng – chóng mặt, khiến người ta phải nói lớn gây tổn thương họng và thanh quản. Đây cũng là nguyên nhân của nhiều bệnh như rối loạn giấc ngủ, nhóm bệnh mạch máu, huyết áp

PGS-TS-BS Cung Thị Tuyết Anh, Hội Ung thư TPHCM, cho biết loại ung thư liên quan đến ô nhiễm không khí là ung thư phổi. Tương quan giữa ô nhiễm không khí và ung thư, nghiên cứu thực nghiệm trên động vật cho thấy có trên 500 thành phần hóa học trong khí thải có thể gây đột biến gene. Các chất ô nhiễm không khí gây tổn hại DNA qua phản ứng oxy hóa trong mô phổi chuột.  

Trong nghiên cứu lâm sàng trên người, người ta cũng phát hiện tổn thương DNA trên bạch cầu những người sống trong đô thị ô nhiễm, tổn thương DNA trong lympho bào và niêm mạc mũi, các thay đổi bất thường ở cấp độ tế bào… Tổn thương DNA chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều loại bệnh ung thư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ô nhiễm không khí tại TPHCM trong tình trạng báo động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO