Nuối tiếc Đông Hồ

24/11/2005 04:46

Đông Hồ đẹp lắm, là một trong mười cảnh đẹp từ ngàn xưa của mảnh đất cuối trời Nam từng say lòng bao thi sĩ. Cùng với Kim Dự lan đào, Bình San điệp thúy, Tiêu Tự thần chung, Giang Thành dạ cổ, Thạch Động thôn vân, Châu Nham lạc lộ, Nam Phố trừng ba, Lộc Trĩ thôn cư, Lư Khê ngư bạc, Đông Hồ ấn nguyệt họp thành “Hà Tiên thập vịnh” từ thế kỷ thứ 18 khi Mạc Thiên Tích cho lập Tao đàn Chiêu Anh Các.

Kiên Giang được thiên nhiên hào phóng tặng cho bao thắng cảnh nên thơ nhất miền sông nước Cửu Long. Cố thi sĩ Đông Hồ từng thốt lên: “Ở Kiên Giang kỳ thú thay, có một ít hang sâu, động hiểm của Lạng Sơn, có ngọn núi chơi vơi giữa biển khơi của Vịnh Hạ Long, có ít núi đá vôi Ninh Bình, ít Thạch Thất Sơn Môn Hương Tích, có một ít Hương Giang, chùa chiền Bắc Ninh, lăng tẩm Thuận Hóa và một ít Đồ Sơn, Cửa Tùng, Nha Trang, Vũng Tàu, Long Hải…”. Vì lẽ đó mà Hà Tiên được ví như Việt Nam thu nhỏ. Mỗi khi dừng chân lại Hà Tiên tham quan, bất cứ ai cũng muốn được ngắm trăng Đông Hồ, được lặng mình giữa xứ thơ non nước yên bình. Nhưng Đông Hồ có còn giữ mãi chất thơ?

Ngắm trăng Đông Hồ

Đến Hà Tiên đẹp nhất là vào giữa mùa trăng, trăng rằm tháng giêng, tháng mười (Âl). Trăng trên bến Đông Hồ thơ mộng duyên dáng như cô gái đang tuổi xuân thì. Mặt nước Đông Hồ phẳng lặng nép mình bên bóng núi Tô Châu tựa như mặt gương nín thở chờ soi nét giai nhân.

Chúng tôi ăn cơm từ rất sớm rồi rủ nhau ra bến Đông Hồ chờ trăng lên. Dọc theo đường Tô Châu, Phương Thành đã đông đúc người. Khách du lịch thích cảm giác bồng bềnh trên cầu phao nối hai bờ Đông Hồ lắc lư cùng sóng nước. Người Hà Tiên cũng không hờ hững với trăng Đông Hồ. Ông Nguyễn Chí Dân, người đã gắn bó với bến nước Đông Hồ bằng với tuổi 82 của mình nhớ lại: “Hồi tui còn nhỏ, mỗi chiều tắm trên dòng sông này, tui phải ngắm Đông Hồ một lúc lâu. Đất trời, sông núi chốn này đẹp lạ, chỉ nhìn thôi cũng đã nao lòng”. Chính nét đẹp duyên dáng của nơi trời đất giao hòa này mà người ta kể lại truyền thuyết rằng, có nhiều tiên nữ say cảnh đẹp Đông Hồ hội tụ về đây vào những đêm trăng sáng cùng tắm mát, ngắm trăng đến khi trăng khuất sau ngọn Tô Châu.

Gió từ hướng biển thổi vào nhè nhẹ, mơn man. Sông Giang Thành yên ả trải mình cưu mang những con tàu sau một ngày vất vả biển khơi. Khi hoàng hôn đi vào lòng biển cả, cũng là lúc “Nguyệt hiện” trên mặt gương Đông Hồ. Tô Châu sừng sững, oai nghiêm cũng khép mình bỡ ngỡ trước nàng trăng xinh đẹp, duyên dáng. Trăng vừa lên cao, thị xã có thật nhiều xe Chaly này không còn ồn ào tiếng máy. Những chiếc xe hàng nước lưu động mang đến cho bạn cốc nước thốt nốt, rong biển mát lạnh trong lúc bên nhau thưởng thức nét đẹp Đông Hồ.

Đông hồ sẽ còn thơ mộng đến mai sau?

Đông Hồ đẹp, đẹp lắm của xứ Hà Tiên, nhưng chợt buồn và nuối tiếc khi chứng kiến những gì đang tàn phá nét đẹp Đông Hồ. Đoàn các nhà khoa học của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam đang tiến hành khảo sát Đông Hồ cùng với Sở Khoa học & Công nghệ Kiên Giang tìm hướng bảo vệ, khai thác tiềm năng du lịch của Đông Hồ. TS. Lương Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm Môi trường và xử lý nước (Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam) cho biết, Đông Hồ đang trong tình trạng ô nhiễm và xuống cấp nghiêm trọng.

Chợt buồn cho Đông Hồ, nơi từ lâu là thắng cảnh nổi tiếng xứ Hà Tiên được du khách trong và ngoài nước biết đến đang bị “tàn phai”. Đô thị Hà Tiên phát triển từng ngày, dân cư sống ven hồ và trong bãi nổi lòng hồ ngày càng đông đúc khiến nguồn nước thải chưa xử lý đổ hết vào Đông Hồ. Theo TS. Thanh, lòng hồ đang bị ô nhiễm vi sinh, độ đục và hàm lượng sắt trong nước cao ảnh hưởng đến chất lượng nước. Tình trạng lấn chiếm, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản gây thiệt hại hệ sinh thái của đầm. Mặt khác, tác động của bồi lắng khiến Đông Hồ cạn dần, hình thành các bãi bồi thu hẹp mặt nước, ảnh hưởng đến mỹ quan vốn có từ lâu đời.

Đánh giá của các nhà khoa học, đầm Đông Hồ có tiềm năng du lịch rất lớn trong tổng thể thiên nhiên thơ mộng của vùng Hà Tiên, nối với Phú Quốc, vườn quốc gia U Minh Thượng hình thành khu du lịch tầm cỡ. Vùng đất nổi danh bao đời bởi thiên nhiên tuyệt đẹp, có núi, có sông, có biển, đồng bằng và đầm lớn (1.384 ha) thơ mộng như Đông Hồ là tài sản vô giá của Kiên Giang. Do đó nghiên cứu khai thác hiệu quả Đông Hồ là cấp thiết. Nhưng không chỉ khai thác cho hiện tại, mà Đông Hồ cần được giữ gìn như một giá trị văn hóa của xứ thơ.

Giải pháp bền vững cho Đông Hồ

TS. LƯƠNG VĂN THANH

Để mở rộng và phát huy tiềm năng của đầm Đông Hồ phục vụ mục tiêu phát triển du lịch sinh thái, cần thiết phải có giải pháp phát triển bền vững. Trước hết, cần xây dựng kế hoạch cải tạo lòng hồ, khơi thông các nguồn lạch trong lòng hồ để hình thành các tuyến du lịch bằng thuyền trong lòng hồ và các nhánh hồ, tiến tới nạo vét toàn bộ lòng hồ. Song song đó là nghiên cứu các giải pháp cải tạo, chống bồi lắng lòng hồ, tạo các biện pháp chuyển hướng dòng chảy, nghiên cứu các biện pháp công trình và phi công trình.

Xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải, rác sinh hoạt và chăn nuôi cho các cụm dân cư sống trên các bãi bồi và quanh hồ. Quy hoạch và xây dựng chế độ canh tác hợp lý trên đất phèn nặng và trung bình phía thượng nguồn để hạn chế quá trình oxy hóa các vật liệu sinh phèn gây chua nguồn nước.

Các vùng đất phèn nặng cần quy hoạch xây dựng các hồ sinh thái phát triển tổng hợp (thủy sản, du lịch, cấp nước sinh hoạt và tưới bổ sung cho các vùng lân cận), không nên quy hoạch cho canh tác các loại cây trồng trong nông nghiệp. Canh tác nông nghiệp trên vùng đất phèn theo hướng dẫn kỹ thuật hạn chế xì phèn, thoát các độc tố từ trong đất ra nguồn nước mặt trong quá trình thau chua, rửa phèn. Khuyến cáo nông dân sử dụng phân vi sinh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có thời gian phân hủy ngắn. Hạn chế các loại phân tươi, phân đạm và thuốc bảo vệ thực vật gốc Clor. Bên cạnh đó tuyên truyền người dân bảo vệ lòng hồ, không thải chất thải sinh hoạt, phế liệu... xuống lòng hồ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nuối tiếc Đông Hồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO