Nữ tiến sĩ trẻ đam mê nghiên cứu tế bào gốc

Anh Thư| 19/02/2019 10:24

KHPTO - Trao đổi với KHPT, TS.Vũ Bích Ngọc, trưởng phòng khoa học công nghệ và sở hữu trí tuệ, Viện tế bào gốc cho biết, nhóm nghiên cứu y học tái tạo về cơ – xương - khớp của chị đang thực hiện đề tài về tạo tấm tế bào gốc ứng dụng trong điều trị các bệnh lý tổn thương xương, sụn hoặc phần mềm. Đặc biệt, tấm, khối tế bào gốc là một trong những sản phẩm của kỹ nghệ mô, một hướng nghiên cứu nhằm tạo ra được một mô, cơ quan hoàn chỉnh.

Nghiên cứu khoa học mở ra cơ hội sống cho nhiều người

TS.Vũ Bích Ngọc giải thích: “Tấm tế bào gốc này là một cấu trúc được tạo nên bởi các tế bào gốc trung mô có nguồn gốc từ người (mô mỡ hoặc dây rốn) kết hợp với vật liệu sinh học. Sản phẩm có hình là một tấm dẹp hoặc có cấu trúc phù hợp với vị trí tổn thương. Khi cấy ghép sản phẩm này vào vùng tổn thương, khối mô tế bào gốc có thể được kích hoạt và biệt hoá để trở thành mô chức năng (mô xương, mô sụn, mô cơ) để thay thế cho vị trí khuyết hổng. Đối với các tổn thương lớn, việc sử dụng tấm, khối tế bào gốc này sẽ giúp thúc đẩy nhanh quá trình hàn gắn vết thương”.

Một công trình nghiên cứu khoa học mà TS. Vũ Bích Ngọc tham gia là nghiên cứu điều trị thực nghiệm bệnh đái tháo đường bằng liệu pháp tế bào gốc. Đây là đề tài độc lập cấp nhà nước được Bộ khoa học và công nghệ nghiệm thu xếp loại xuất sắc. Liệu pháp điều trị đã được Bộ y tế thông qua và đưa vào ứng dụng thử nghiệm lâm sàng tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh (TP.HCM) cho kết quả điều trị bệnh khá tốt.

Đối với đái tháo đường type 1, việc ghép tế bào gốc sẽ giúp phục hồi các tế bào beta bị mất chức năng tiết insulin (một loại hormone giúp điều chỉnh lượng đường huyết trong cơ thể). Đây là khả năng đặc biệt của tế bào gốc trung mô. Tế bào gốc sau khi vào cơ thể có khả năng tìm đến tuyến tụy bị tổn thương để sửa chữa thông qua các tín hiệu được phát ra từ vị trí tổn thương và các tế bào bị chết. Phương pháp này tác động đúng đến cơ chế bệnh của đái tháo đường. Ổn định đường huyết, giảm liều insulin cần dùng, giảm sự phụ thuộc vào insulin ngoại sinh và phòng ngừa biến chứng.

Chỉ mới 32 tuổi, nhưng TS.Vũ Bích Ngọc đã có 11 năm nghiên cứu tế bào gốc. Chị còn là chủ nhiệm một số đề tài về tế bào gốc, trong đó có “Nghiên cứu phân lập và sử dụng tế bào miễn dịch (tế bào tua) để tiêu diệt tế bào ung thư vú” đã được thử nghiệm cho kết quả khả quan.

TS. Ngọc còn được biết đến với hàng loạt đề tài cấp cơ sở như xây dựng mô hình tế bào gốc thần kinh để sàng lọc dược chất có tác động kích thích tăng sinh và biệt hóa tế bào gốc thần kinh, mở ra triển vọng cho việc điều trị bệnh lý Azlheirmer và Parkinson là bệnh lý thoái hoá mà cho tới hiện nay vẫn chưa có phương thuốc điều trị hiệu quả; chủ nhiệm 2 đề tài, thành viên chính 4 đề tài, thư ký 1 đề tài của Đại học quốc gia TP.HCM; nghiên cứu chế tạo sụn nhân tạo bằng công nghệ tế bào gốc; nghiên cứu điều trị thực nghiệm bệnh suy tim bằng liệu pháp tế bào gốc,… Chị còn là đồng tác giả 4 bài báo khoa học đã đăng trên các tạp chí thuộc danh mục SCI và 10 bài báo khoa học (2 bài tác giả chính) đã đăng trên các tạp chí thuộc danh mục SCI –Expanded; 16 bài báo khoa học (8 bài tác giả chính hoặc tác giả phản hồi) đã đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI và đồng tác giả 4 bài báo khoa học đã đăng trên tạp chí thuộc danh mục Scopus; 6 bài báo khoa học (3 bài tác giả chính) đăng trên tạp chí trong nước; tác giả chính 3 và đồng tác giả 9 chương sách, cuốn sách xuất bản quốc tế.

Trong 5 năm qua, TS.Vũ Bích Ngọc đã có 58 sáng kiến, giải pháp, đề tài, bài báo khoa học, giáo trình, trong đó có 12 đề tài, sáng kiến và nhiều đề tài được ứng dụng vào thực tế.

TS. Vũ Bích Ngọc là gương mặt trẻ được Trung ương Đoàn TNCS HCM trao giải thưởng khoa học kỹ thuật thanh niên “Quả cầu vàng 2017”. Chị được đánh giá là nhà nghiên cứu có nhiều kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị các bệnh liên quan đến mạch máu, đái tháo đường, tái tạo da, tổn thương sụn khớp và thẩm mỹ.

Đam mê nghiên cứu nhờ gặp được thầy giỏi

TS.Vũ Bích Ngọc nhớ lại, khi còn học đại học, chỉ mong sao cho nhanh ra trường để đi làm, ngành nào cũng được. Cơ may đến khi chị gặp được ThS. Phan Kim Ngọc, nguyên trưởng phòng Phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, một nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực tế bào gốc. Chị được thầy hướng dẫn và làm việc trong một môi trường hiện đại, năng động và đầy nhiệt huyết. TS. Bích Ngọc nói: “Các thầy, cô ở đây đều trẻ nhưng rất giỏi, những kiến thức mình được học là hoàn toàn mới, mới đến mức những người khác nghĩ rằng chỉ có phép màu mới làm được. Mình được chính tay làm, chính mắt thấy đến từng tế bào, được tự do tìm tòi, nghiên cứu và thưc hiện những gì mình thích”. Từ đó, niềm đam mê được nhân lên và theo chị cho đến tận bây giờ.

TS.Vũ Bích Ngọc cho biết: “Trong lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc ở nước ta, không phải chỉ riêng mình mà hầu như ai cũng gặp khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị nghiên cứu, nguyên vật liệu, động vật và dòng tế bào phục vụ. Bên cạnh đó còn là trở ngại về nền tảng kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật. Tuy nhiên, mình có niềm tin và niềm tin này theo mình suốt thời gian bắt đầu xin vào thực tập đến nay. Thế nên chưa khi nào mình có ý định bỏ cuộc để theo đuổi một công việc khác. Thay vào đó, mình đang ấp ủ một kế hoạch để phát triển các lĩnh vực khác dựa trên lĩnh vực đang nghiên cứu".

TS_Ngoc_1

Theo TS. Bích Ngọc, đam mê, tư duy sáng tạo và chăm chỉ là điều kiện cần có để thành công trong nghiên cứu khoa học. Chị phân tích: "Nếu không có lòng đam mê, sự yêu thích, làm việc gì cũng dễ chán chứ không phải chỉ nghiên cứu khoa học. Hơn nữa, nghiên cứu là quá trình tư duy, hoạt động liên tục. Bạn cần tìm ra một cái gì đó mới, có ích hoặc phải có tính ứng dụng cao. Nếu tư duy sáng tạo không đủ, bạn chỉ làm những cái mà người ra đã làm, vì vậy giá trị khoa học không có hoặc không cao, khi đó không thể gọi là nghiên cứu khoa học được ".

Nói về khoa học công nghệ Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, TS. Bích Ngọc cho rằng, Việt Nam đang có những cơ hội lớn bên cạnh những thách thức không nhỏ. Có nhiều giải pháp, trong đó có việc Bộ khoa học và công nghệ nên phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành khác để tạo ra những mối quan hệ mật thiết giữa những người làm nghiên cứu, người sản xuất và ứng dựng, để tránh tình trạng sản phẩm nghiên cứu bị bỏ rơi, nhà sản xuất không có sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường và người sử dụng không được tiếp nhận những sản phẩm mới.

TS.Ngọc nêu ví dụ, các nhà nghiên cứu xây dựng được quy trình tạo ra tế bào gốc. Tế bào gốc muốn ứng dụng trong trị liệu bệnh cần phải có một quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ nhưng họ không có kinh phí để xây dựng nhà xưởng, hệ thống quản lý chất lượng… họ cũng không có khách hàng, không đủ kiến thức để quảng bá sản phẩm và bán hàng. Họ cũng khó có thể tìm được sự hợp tác với các bệnh viện để chấp nhận sử dụng sản phẩm. Trong khi đó, các bộ ngành với vai trò là người quản lý có thông tin và có thể tập hợp được tất cả các đơn vị (doanh nghiệp, trường, viện…) mà họ quản lý. Sự gắn kết giữa các bộ, ngành sẽ làm cầu nối vững chắc cho các mối hợp tác giữa các đơn vị để đưa sản phẩm cuối cùng đến người dân.

Mặt khác, sức ép về mặt thời gian khi thực hiện đề tài cùng sức ép về sản phẩm và những khó khăn trong hoạt động giải ngân tài chính cho đề tài là những nguyên nhân khiến những người làm nghiên cứu dường như giảm đi phần nào “nhuệ khí”. Nhà nước cũng đã có những thông tư, nghị định hỗ trợ để giảm các thủ tục hành chính, tài chính cho những người làm nghiên cứu, nhưng dường như Bộ tài chính và Bộ khoa học và công nghệ vẫn chưa tìm được hướng đi chung thực sự để tháo gỡ những thủ tục cho người làm khoa học.

TS. Bích Ngọc đề nghị, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực quản lý khoa học và công nghệ nên có những cơ chế chính sách thoáng hơn cho các hoạt động khoa học công nghệ. Hiện nay, đã có một số tổ chức khoa học công nghệ như Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted) có những cải cách đáng kể trong thủ tục hành chính. Mặc dù các đề tài được cấp kinh phí từ Quỹ này còn kiểm soát chặt chẽ về tài chính, nhưng các quy trình nghiệm thu đề tài hoặc các thủ tục hành chính được rút gọn hơn đáng kể. Việc nộp hồ sơ đăng ký đề tài, dự án, các báo cáo kết quả, nghiệm thu đề tài cũng được thực hiện trực tuyến. Điều này giúp sự tương tác giữa người đăng ký và cơ quan chủ quản của đề tài giảm thời gian chờ đợi và giảm đáng kể chi phí in ấn, gửi thư.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nữ tiến sĩ trẻ đam mê nghiên cứu tế bào gốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO