Nội địa hóa công nghệ xử lý rác thải hữu cơ tái tạo năng lượng tại Việt Nam

Mai Thy| 01/04/2019 15:54

KHPTO - Vừa qua, Saigon Innovation Hub (SIHUB – Sở KH&CN TP.HCM) đã phối hợp cùng tập đoàn MILAI - Nhật Bản - tổ chức chuyến tham quan thực tế về Công nghệ xử lý rác thải hữu cơ tái tạo năng lượng 6R của Nhật Bản. Chuyến tham quan được tổ chức nhằm giới thiệu rõ quy trình khép kín của quá trình xử lý rác thải hữu cơ phát điện, từ khâu thu gom, sấy khô, đốt, nghiền rác v.v… cho đến khâu phát điện.

Đây là dự án được Bộ môi trường Nhật Bản hỗ trợ và Trung tâm môi trường thế giới của Nhật Bản (GEC) quản lý. Hiệu quả của dự án đã được SIHUB triển khai kiểm chứng trong hơn 5 tháng xử lý mẫu nguồn rác từ chợ đầu mối nông sản Thủ Đức trong năm 2018. Các thiết bị xử lý rác hữu cơ này hiện đang được SIHUB quản lý tại xưởng sản xuất thực nghiệm (trực thuộc SIHUB nằm trong khuôn viên khu công nghệ cao, quận 9, TP. HCM).

Ông Huỳnh Kim Tước, giám đốc điều hành SIHUB cho biết:  “Trong bối cảnh Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc phân loại rác tại nguồn và tốn nhiều chi phí cho quá trình thu gom rác, công nghệ xử lý rác thải hữu cơ 6R là phương án xử lý rác thải tại chỗ từng bước giải quyết được cả hai bài toán này. Hơn 15 năm hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, chúng tôi luôn hướng đến mục tiêu chuyển giao công nghệ hiện đại để giảm tiêu thụ năng lượng và ô nhiễm môi trường tại Việt Nam”.

Công nghệ xử lý rác hữu cơ tái tạo năng lượng 6R còn cho phép giải quyết bài toán xử lý rác hữu cơ để chuyển hoá thành điện năng hoặc nhiệt năng với hiệu suất cao. Hệ thống gồm xe điện thu gom rác và hệ thống xử lý rác thải hữu cơ không phát thải CO2. Rác hữu cơ được thu gom bằng xe điện và dùng chính điện được tạo ra từ quá trình xử lý rác mà xe mang về để sạc ngược lại cho xe, tạo nên một chu trình khép kín. Với các công nghệ hiện tại, rác hữu cơ thường được xử lý để tạo ra phân composit hoặc xử lý theo hướng biogas, do đó mất nhiều thời gian, chiếm không gian và gây ô nhiễm.

Dự án này được SIHUB tiếp nhận từ Chính phủ Nhật Bản sau đó nghiên cứu cho phù hợp với nguồn rác thải đa dạng tại Việt Nam, tiến hành nội địa hóa và không ngừng cải tiến thành dòng sản phẩm phù hợp bằng cách tích hợp vào những công trình hiện đại.

Cũng theo ông Tước, công nghệ xử lý rác thải hữu cơ 6R có những ưu điểm nổi bật như:

- Xử lý rác thải hữu cơ thành điện năng và phân hữu cơ tuỳ vào nhu cầu. Trước đây việc đốt rác hữu cơ phát điện vô cùng khó khăn và tốn kém do phải đốt kèm dầu do rác hữu cơ vốn có đặc tính nhiên liệu kém và độ ẩm cao 70 - 80% ẩm.

- Công suất của thiết bị rất rộng, từ 100kg đến 25 tấn/ngày/máy, có thể sử dụng ở các vùng biển đảo, nông thôn, thành phố.

- Có thể linh động mô hình xử lý rác tập trung hoặc phân tán. Với mô hình phân tán sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí vận chuyển rác thải.

Trên cơ sở các ưu điểm công nghệ và phù hợp với tính chất rác thải của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung (chất thải thực phẩm chiếm tỉ lệ khá cao từ 83 – 88,9% thành phần chất thải rắn), MILAI, dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, sẽ cùng với SIHUB chuyển giao công nghệ và nội địa hoá công nghệ này tại Việt Nam.

Thực trạng xử lý rác thải tại TP.HCM hiện nay như sau: phí thu gom rác được đóng cho người, đơn vị thu gom rác. Còn khâu vận chuyển, xử lý rác vẫn được Nhà nước bao cấp. Số tiền chi cho các khâu này là hơn 2.000 tỉ đồng mỗi năm.

Hiện nay trên địa bàn TP.HCM có tới 26 trạm trung chuyển rác. Theo quy trình, rác được thu gom từ các hộ dân, điểm tập kết đưa về đây xử lý sơ bộ trước khi chuyển về các khu xử lý.

Trong đó, công ty xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) xử lý tại bãi rác Đa Phước bằng công nghệ chôn lấp 5.500 tấn/ngày với giá xử lý 20,9 USD/tấn; công ty Vietstar Lemna (Mỹ) xử lý làm phân compost 1.500 tấn/ngày với giá xử lý 19 USD/tấn; công ty Tâm Sinh Nghĩa làm compost và đốt 1.300 tấn với giá xử lý 20,38 USD/tấn và Công ty môi trường đô thị TP.HCM chôn lấp 500 tấn/ngày với giá xử lý 360.000 đồng/tấn. (Nguồn: Sở tài nguyên và môi trường TP.HCM).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nội địa hóa công nghệ xử lý rác thải hữu cơ tái tạo năng lượng tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO