Những nhân tố tiềm ẩn gây tai nạn giao thông của tài xế “xe ôm công nghệ”

Như Quỳnh| 06/03/2019 12:08

KHPTO - Nhóm nghiên cứu Lê Thành Quang, Võ Đình Quang Nhật, Trần Thị Phương Anh, Nguyễn Phước Quý Duy, Trường đại học bách khoa đã thực hiện nghiên cứu những nhân tố ảnh hưởng đến hành vi lái xe tiềm ẩn gây tai nạn giao thông của tài xế “xe ôm công nghệ”.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các hành vi lái xe của tài xế tiềm ẩn gây tai nạn giao thông được khảo sát là nguyên nhân chính dẫn đến 54,4% các vụ tai nạn giao thông. Trong đó, 5 hành vi phổ biến nhất gồm có: sử dụng điện thoại, không bật đèn xi-nhan, chạy sai làn đường, vượt đèn đỏ và hành vi chạy quá tốc độ.

Dữ liệu sử dụng cho nghiên cứu được khảo sát, phỏng vấn trực tiếp và khảo sát online bằng bảng hỏi tại 3 thành phố lớn của Việt Nam gồm: Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Tổng cộng có 602 phiếu trả lời với 122 kết quả khảo sát trực tuyến và 480 phiếu phỏng vấn trực tiếp. Số liệu thu thập được phân bố khá tương đồng cho 3 thành phố, đảm bảo được chất lượng và tính khái quát cho các đô thị Việt Nam nói chung.

Tỷ lệ cao người được khảo sát trả lời có sử dụng điện thoại trong quá trình lái xe (52%) và nguyên nhân đóng góp đến 13,1% số vụ tai nạn xảy ra đối với tài xế xe ôm công nghệ. Thực tế cho thấy tài xế “xe ôm công nghệ” thường xuyên tương tác trên smartphone để đón, trả khách, liên lạc với hành khách hay sử dụng bản đồ định vị GPS, … Điều này dẫn đến nguy cơ cao xảy ra va chạm trên đường do mất tập trung.

Với hành vi bật đèn xi-nhan, tài xế thỉnh thoảng sử dụng bia rượu có xu hướng không bật đèn xi-nhan khi chuyển hướng cao hơn gấp 2 lần, tương tự, tài xế thường xuyên uống bia rượu có xu hướng không sử dụng đèn xi nhan khi chuyển hướng cao hơn gấp 10 lần so với tài xế không sử dụng bia rượu khi lái xe. Điều này cũng khá dễ hiểu do những chất kích thích thần kinh như bia, rượu có thể làm cho tài xế “quên” bật đèn xi-nhan khi chuyển hướng.

Ngoài ra, kết quả thống kê cũng cho thấy tỉ lệ tài xế không bật đèn xi-nhan khá cao chiếm 31,1%. Điều này có thể lý giải do tầm nhìn xung quanh của xe máy rộng, quan sát hai bên dễ dàng hơn xe ô tô, nên tài xế thường có tâm lý chủ quan dẫn đến tình trạng “quên” bật đèn xi-nhan khi chuyển hướng. Hơn nữa, các chế tài xử phạt cho hành vi này chưa nghiêm khắc. Tất cả những điều này làm cho tài xế có xu hướng không sử dụng đèn xi nhan khi chuyển hướng. Hành vi này có liên quan đến 10,3% số vụ tai nạn của tài xế “xe ôm công nghệ”.

Với hành vi lấn làn và vượt đèn đỏ: những người có thu nhập chưa trang trải đủ cho cuộc sống có hành vi lấn làn và vượt đèn đỏ cao gấp 1,6 lần so với những tài xế có thu nhập đủ để trang trải cho cuộc sống. Điều này là do tài xế có thu nhập thấp hơn mức sống muốn tăng thu nhập để đủ trang trải cho cuộc sống nên việc đón, trả khách thường diễn ra nhanh hơn, vì vậy dẫn đến xu hướng có hành vi lấn làn hoặc vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông. Cũng tương tự với lý do đón, trả khách nhiều, những tài xế chạy xe với tổng hành trình lớn hơn 100 km/ngày có xu hướng lấn làn và vượt đèn đỏ cao gấp hai lần những tài xế có chiều dài hành trình thấp hơn 100km/ngày.

Ngoài ra, những tài xế thỉnh thoảng hoặc thường xuyên uống bia rượu có xu hướng lấn làn cao gấp (2 ÷ 6) lần và vượt đèn đỏ cao gấp (1,8 ÷ 4,5) lần so với tài xế không uống bia rượu. Thực tế cho thấy, hoạt động uống rượu bia ảnh hướng rất nhiều đến hành vi của người lái xe. Cồn trong bia rượu gây ảo giác nặng với hệ thần kinh, mất khả năng tự chủ, định hướng, điều khiển vận động nên người thường xuyên uống rượu bia có khả năng cao gây ra hành vi lấn làn và vượt đèn đỏ.

Với hành vi chạy quá tốc độ: tài xế “Xe ôm công nghệ” là sinh viên có xu hướng chạy quá tốc độ cao hơn gấp hai lần tài xế không phải là sinh viên. Điều này nói lên rằng đối tượng sinh viên, những người có tuổi đời trẻ, vẫn đang còn chủ quan trong việc làm chủ tốc độ khi điều khiển xe máy. Vì vậy cần giáo dục ý thức mạnh hơn cho các đối tượng trẻ tuổi trước khi tham gia giao thông. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy những tài xế thỉnh thoảng uống bia rượu có xu hướng chạy quá tốc độ cao gấp hơn hai lần và tài xế thường xuyên uống bia rượu có khuynh hướng chạy quá tốc độ cao hơn bốn lần so với người không sử dụng bia rượu. Điều này là do bia rượu thường có ảnh hưởng không tốt đến mức độ làm chủ hành vi của người sử dụng, vì vậy dẫn đến việc thường chạy quá tốc độ khi điều khiển phương tiện.

Ngoài ra, tài xế cảm thấy thu nhập không đủ để trang trải cuộc sống có xu hướng chạy quá tốc độ gấp hai lần những tài xế cảm thấy thu nhập đủ để trang trải cuộc sống, đó là vì tài xế muốn nâng cao thu nhập bằng cách tăng số lượt đón, trả hành khách trong cùng một khoảng thời gian nên thường có xu hướng chạy quá tốc độ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những nhân tố tiềm ẩn gây tai nạn giao thông của tài xế “xe ôm công nghệ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO