Những mối quan tâm khi mua hàng online ở châu Á - Thái Bình Dương

LƯU TRIỀU TIÊN| 06/08/2019 23:16

KHPTO - Nghiên cứu tìm hiểu về mong muốn của người tiêu dùng từ kinh nghiệm mua sắm trực tuyến của họ cho thấy: người mua hàng ở châu Á - Thái Bình Dương tìm kiếm khả năng hiển thị của thông tin sản phẩm trong suốt chu kỳ giao dịch và các ưu đãi gia tăng giá trị cho quá trình mua sắm. Các tùy chọn vận chuyển theo yêu cầu và chính sách trả hàng dễ dàng cũng được đánh giá cao, nhưng nghiên cứu cũng nhấn mạnh mức độ hài lòng trong khu vực về chính sách trả hàng hiện đang thấp.

Số liệu cho thấy, ba yếu tố chủ đạo tác động đến quyết định mua của người tiêu dùng là: khả năng hiển thị của thông tin trong hành trình mua sắm, các ưu đãi, và cách thức họ có thể tùy chỉnh trải nghiệm giao dịch và nhận hàng.

Sylvie Van den Kerkhof - phó chủ tịch bộ phận của UPS ở châu Á - Thái Bình Dương, nhận định: “Người tiêu dùng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang ngày càng am hiểu về các tùy chọn khi mua sắm trực tuyến. Điều này làm tăng nhu cầu tiếp cận thông tin và rõ ràng trong quá trình mua hàng, cũng như sự linh hoạt trong quá trình vận chuyển. Càng có nhiều lựa chọn mua sắm trực tuyến, sức cạnh tranh càng cao, thì kỳ vọng của khách hàng càng phức tạp hơn. Để thành công trong mô hình thương mại điện tử, ưu đãi không chỉ được cung cấp ở một mặt hàng, mà cũng cần được áp dụng với trải nghiệm khách hàng trong khâu giao nhận”.

Russell Reed - giám đốc điều hành của UPS Thái Lan và Việt Nam, chia sẻ: “Nghiên cứu cho thấy: Việt Nam có thị phần bán lẻ trực tuyến phát triển nhanh thứ hai tại Đông Nam Á, với tổng giá trị của thương mại điện tử dự kiến sẽ tăng 85% trong giai đoạn từ năm 2019 - 2023. Sự bùng nổ trong mua sắm trực tuyến cộng hưởng với hỗ trợ từ chính phủ, các hiệp định thương mại quốc tế, và lợi thế về mặt địa lý của quốc gia trong khu vực đồng nghĩa với tiềm năng tăng trưởng khổng lồ cho các cá nhân và doanh nghiệp bán lẻ qua kênh này tại Việt Nam. Nghiên cứu này có thể giúp các doanh nghiệp tại Việt Nam mở rộng và củng cố dữ liệu khách hàng quốc tế bằng cách đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.

Kết quả nghiên cứu này cho thấy, có đến 90% người tiêu dùng trên toàn thế giới tìm hiểu về sản phẩm mà họ muốn mua trước khi đặt hàng. Trong đó, giá cả là thông tin được tìm kiếm nhiều nhất. Tuy nhiên, xét về khu vực thì châu Á - Thái Bình Dương (74%) ít quan tâm về giá cả hơn châu Mỹ và châu Âu (cả hai đều 81%).

Có 42% khách hàng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương xem xét chính sách đổi trả hàng trước khi mua.

Hơn nữa, số liệu cũng chỉ ra rằng: khách hàng có khả năng hủy đơn nếu trước đó họ không biết đây là nhà cung cấp nước ngoài, với 77% ở Trung Quốc, 65% ở Úc và 60% ở Hồng Kông và Hàn Quốc đã làm điều này. Thế nhưng cũng có 75% khách hàng ở toàn châu Á -Thái Bình Dương chủ động đặt hàng từ nhà cung cấp nước ngoài. Từ đó cho thấy, mua sắm trực tuyến còn tùy biến, đặc biệt với các giao dịch quốc tế mà thời gian chờ khá lâu thì độ chấp nhận của khách hàng còn tuỳ thuộc vào mặt hàng họ muốn mua.

Vẫn như kết quả nghiên cứu các năm trước, người tiêu dùng vẫn đánh giá cao yếu tố miễn phí vận chuyển. Người mua sắm ở châu Á thường sử dụng những ưu đãi cước phí vận chuyển, 37% người khảo sát nói rằng sẽ thêm hàng vào giỏ để được miễn phí vận chuyển, và 27% cho rằng họ sẽ lựa chọn mặt hàng khác có giá cao hơn định mức miễn phí vận chuyển. Qua đó cho thấy, nhà bán lẻ có thể khuyến khích để khách hàng mua sắm nhiều hơn nếu cung cấp ưu đãi cước vận chuyển.

Giao nhận hàng ở những địa điểm phổ biến vẫn được ưa chuộng ở châu Á - Thái Bình Dương. Nghiên cứu chỉ ra rằng: 36% người tiêu dùng trong khu vực ưu tiên nhận hàng tận tay tại nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những mối quan tâm khi mua hàng online ở châu Á - Thái Bình Dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO