Những điều cần chia sẻ với bác sĩ khi đi khám bệnh

BS. LÊ TUẤN ANH| 19/06/2019 09:34

KHPTO – Có rất nhiều yếu tố tưởng như không liên quan đến bệnh tật ở người bệnh nhưng lại là những dữ liệu quan trọng để bác sĩ chẩn đoán bệnh. Khi đi khám sức khỏe, bạn cần nói cho bác sĩ nếu đang ở trong những tình huống sau đây:

Không tuân thủ quy trình uống thuốc theo lời dặn bác sĩ là phổ biến. Có rất nhiều nguyên nhân: do quên hoặc do thấy các triệu chứng không xuất hiện nữa và cảm thấy khỏe hơn, hoặc thậm chí nhiều người cho rằng loại thuốc bổ sung bác sĩ kê đơn là không cần thiết, không ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Việc bỏ thuốc kê toa có thể gây hại cho sức khỏe như ảnh hưởng xấu tới huyết áp hoặc cholesterol… Nếu bạn không thể uống thuốc theo quy định, đừng nói dối bác sĩ, vì điều này có thể gây nên những vấn đề nghiêm trọng hơn bạn nghĩ.

Những vấn đề tâm lý

Nếu người bệnh có các trục trặc về tâm lý, hay cảm thấy mình có dấu hiệu của bệnh trầm cảm, thì cần chia sẻ với bác sĩ. Bác sĩ có thể mang lại những lời khuyên tốt nhất, giới thiệu để bạn được tư vấn hoặc tư vấn xem những loại thuốc nào có lợi ích với các triệu chứng của bạn. Hãy nhớ rằng trầm cảm sẽ trở thành một vấn đề lớn khi bạn giữ bí mật.

Đang dùng thuốc không kê toa hoặc dùng thảo dược

Hầu hết mọi người tin rằng vì bổ sung thảo dược là những thứ tự nhiên, chúng có thể sẽ không tương tác với thuốc kê theo toa, nhưng không may là vẫn có rủi ro. Nếu bạn muốn dùng thêm thuốc không theo toa hay thảo dược, trước tiên hãy hỏi bác sĩ, “tự nhiên” không có nghĩa là vô hại hay an toàn.

Stress vì vấn đề tài chính

Một trong những vấn đề làm cạn kiệt sức lực và gây căng thẳng cho con người là trục trặc về tài chính. Khi bạn bị căng thẳng vì tình hình tài chính, đừng giấu bác sĩ. Bác sĩ có thể cung cấp cho bạn những lời khuyên chính xác và đánh giá xem tình hình có ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe tâm thần của bạn hay không.

Mất ngủ

Khó ngủ có thể có nhiều nguyên nhân và nếu không được phát hiện ra, nó có thể trở thành mạn tính và khó điều trị. Nguyên nhân có thể bao gồm căng thẳng, trầm cảm hoặc lo âu, thay đổi trong thời kỳ mãn kinh và chứng ngưng thở khi ngủ (một tình trạng nguy hiểm). Lời khuyên của bác sĩ trong trường hợp này thường bao gồm việc tránh tập thể dục quá gần giờ đi ngủ, ngủ đúng giờ, tránh uống rượu hay cà phê vào buổi tối và có một chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Gặp vấn đề về đường tiêu hóa

Nhiều người cảm thấy e ngại không nói ra các vấn đề về đường tiêu hóa với bác sĩ. Lý do là khi còn nhỏ chúng ta thường được dạy tránh nói những chuyện thiếu tế nhị và thô lỗ nhưng tiếc là điều này có thể làm cho chúng ta miễn cưỡng kể về điều này khi lớn lên, ví dụ như chuyện thấy máu trong phân, nước tiểu hoặc nếu thay đổi thói quen đi tiểu bình thường. Tuy nhiên, đây là những dữ liệu quan trọng để bác sĩ cho bạn thực hiện các xét nghiệm xem có bị những bệnh nguy hiểm hay không.

Trục trặc chuyện phòng the

“Chuyện ấy” có thể không phải là một chủ đề bạn muốn chia sẻ với bác sĩ, nhưng rối loạn chức năng cương dương ở nam giới có thể là một dấu hiệu sớm của các bệnh như tiểu đường, bệnh tim và quan hệ gây đau đớn hoặc sau quan hệ bị chảy máu ở phụ nữ có thể phản ánh những khó khăn hay vấn đề hormon. Bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng đang gia tăng, đặc biệt là ở nhóm tuổi trên 40, vì thế luôn luôn đề cập đến bất kỳ triệu chứng bất thường bạn nhận thấy để được điều trị kịp thời.

Bệnh sử gia đình

Nếu như gia đình một người có ông bà, bố mẹ… mắc bệnh tim, ung thư, đột quỵ, tiểu đường, thì đó là những dữ liệu quan trọng đối với bác sĩ khi khám bệnh. Bác sĩ sẽ cho người bệnh kiểm tra những căn bệnh này và bắt đầu điều trị ngăn ngừa sớm, nếu cần thiết. Đừng lo lắng suy nghĩ về việc có nên nói hay không, bác sĩ có thể trấn an hoặc tư vấn về việc thực hiện bước kiểm tra nào để có thể đảm bảo an toàn cho bạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những điều cần chia sẻ với bác sĩ khi đi khám bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO