Những điều cần biết về phòng ngừa loãng xương

29/04/2006 04:05

Loãng xương là sự suy giảm khối lượng xương và chất lượng xương kèm theo rối loạn cấu trúc ở dạng vi thể làm xương yếu đi, có nguy cơ gây ra gãy xương.

Không phải tất cả người lớn nào cũng đều bị loãng xương. Trong 3 phụ nữ mãn kinh thì có 1 người bị loãng xương. Trong 8 người đàn ông lớn tuổi thì có 1 người bị loãng xương.

Loãng xương có biểu hiện gì?

Loãng xương là quá trình diễn biến âm thầm tự nhiên, lâu dài chỉ biểu hiện đau nhức khi ta phạm phải sai sót trong sinh hoạt. Đau lưng dữ dội khi cúi, khom, khi khiêng một vật tương đối nhẹ, đau từ sau lưng lan ra trước bụng, đau giảm khi nằm, tăng khi ngồi dậy. Đau gối khi đi, ngồi xổm.

Chẩn đoán bệnh loãng xương?

- Tiêu chuẩn của các máy đo tỉ trọng chất khoáng của xương (BMD - Bone Mineral Density) đều dựa vào chỉ số của phụ nữ da trắng nên khó áp dụng cho phụ nữ da màu. Ngoài ra, mỗi vùng trong cùng một xương cho chỉ số riêng, có khi rất khác nhau.

- X-quang chỉ thấy loãng xương khi xương đã mất > 30%.

- Sinh thiết không xâm lấn (Non invasive bone biopsy-Virtual bone biopsy) có độ chính xác cao nhưng chưa được tiêu chuẩn hóa và chưa phổ biến.

Điều trị bệnh loãng xương

Điều trị loãng xương tốt nhất là phòng ngừa và làm giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Trước khi loãng xương xảy ra, cơ thể đã mất xương khá nhiều, do đó điều trị thường là kết hợp các yếu tố ăn uống, vận động và thuốc nhằm giảm các yếu tố nguy cơ và tăng cường khả năng chống đỡ của xương, khớp và cơ thể.

Các yếu tố nguy cơ

Di truyền: Da trắng hay da vàng, nữ dễ bị hơn nam, tiền căn gia đình, vóc người nhỏ bé.

Dinh dưỡng: Phản ứng với sữa, ăn uống thiếu calci, uống nhiều rượu, cà phê, trà, ăn nhiều đạm động vật.

Lối sống: Hút thuốc, ít vận động, vận động quá sức.

Nội tiết: Mập phì, tuổi tắt kinh, cắt buồng trứng, mãn kinh sớm hay có kinh trễ.

Thuốc: corticosteroid “dexa”, thuốc tráng bao tử (aluminium phosphat), thyroxine, heparin, thuốc trị ung thư, thuốc chống co giật, lợi tiểu.

Bệnh nội khoa: Cường giáp, tiểu đường loại I, viêm khớp dạng thấp, thiếu máu, cường cận giáp.

Té ngã làm xương gãy: Tránh té ngã làm xương gãy vì khi xương gãy, nguy cơ loãng xương tăng lên nhiều lần.

Làm thế nào để phòng ngừa bệnh loãng xương?

Về lối sống: Phải bỏ rượu, bỏ hút thuốc, tránh những loại thuốc có thể đưa đến tình trạng loãng xương (thuốc dexa, prednisolon, dexamethason).

Về ăn uống: Thường ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm (rau, trái cây, đậu, thịt, cá, sữa, cua đồng, ốc, tép, tôm, một vài loại mè, đậu nành, đậu hũ, bồ ngót…). Calci có trong các thức ăn nhưng có nhiều ở sữa và những thực phẩm từ sữa. Chỉ có uống sữa thôi thì xương không thể có thêm calci nếu không có chất đạm làm nền cho calci gắn vào để tạo nên xương mới. Tuy nhiên đối với đa số người Việt Nam cho đến nay thì sữa vẫn còn là cái gì đó khó tiêu, xa xỉ cho nên người Việt Nam ít có khuynh hướng uống sữa. Từ đó có tình trạng là số đông người Việt Nam khó tiêu hóa sữa (phản ứng với sữa). Do đó phải biết cách dùng sữa một cách từ từ để giúp cho bộ tiêu hóa quen dần với việc tiêu hóa sữa. Ngoài ra, ta có thể ăn loại cá cả xương. Cần chú ý ăn đầy đủ chất đạm nhưng đừng quá dư.

Điều quan trọng nhất là phải bảo đảm đủ nhu cầu về calci và chất đạm trong suốt quá trình phát triển từ nhỏ cho đến khi trưởng thành. Mục đích là nhằm đạt được một khối lượng xương khá cao khi còn trẻ để khi về già khối lượng xương không giảm quá nhiều và do đó tránh được loãng xương. Sự thiếu hụt về calci trong khẩu phần cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng đến tầm vóc của thanh thiếu niên và đưa đến tình trạng loãng xương ở người lớn, gây đau nhức, đau lưng, còng lưng, có thể gây ra hư răng, răng rụng sớm hoặc là tình trạng loãng xương nhiều ở người có tuổi đặc biệt là ở phụ nữ mãn kinh, phụ nữ sanh nhiều lần.

Để phòng bệnh người ta còn phải tập vận động điều độ. Ngay cả khi loãng xương đã hình thành thì vận động cũng làm cho quá trình loãng xương ngưng lại và xương có thể chắc hơn. Nhưng cần phải nhớ một điều là sự tập luyện căng thẳng quá mức, quá tải sẽ làm cho xương bị loãng.

Tóm lại, muốn tránh bị loãng xương cần phải ăn uống đa dạng (rau trái cây, đậu, thịt, cá, sữa…), vận động điều độ, tránh té ngã, không hút thuốc, tránh để quá ốm. Đó là những cách hữu hiệu nhất để giúp cho xương được chắc hơn. Ngoài ra người ta còn có thể dùng thêm một số thuốc mà hiệu quả đã được chứng minh như sinh tố D, glucosamin, chondroitin, calcitonin và bisphosphonate.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những điều cần biết về phòng ngừa loãng xương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO