Nhớ cái bếp củi ở quê ngày Tết

TUẤN ANH| 31/01/2011 15:38

Ở miệt vườn miền Tây, nhà nào cũng có cái bếp củi, ở cái chái bên nhà. Gần Tết, ai cũng sửa soạn lại nhà cửa. Cái bếp cũng thế, phải dọn hết tro, củi phải thật khô, chất trên kệ ngăn nắp, mái chái lợp lại cho kín đáo để “gia đình ông Táo” cùng đón xuân trong nhà.

Thường trước Tết, ba tôi phải làm lại những thanh ngang của cái giàn bếp, bên trên thì lót gạch tàu để củi lửa không bén ra ngoài và giữ vệ sinh tro, bụi. Bên trên nữa của mấy tấm gạch là để cái cà ràng đất sét nung. Năm nào kha khá thì nhà tôi mua cà ràng mới. Còn nếu người nhà rảnh rang sau khoảng thời gian kết thúc vụ lúa mùa sớm thì nhà tôi đắp đất sét nện để làm cà ràng. Tôi nhớ như in, ngoại tôi nhóm lửa trong bếp cà ràng bằng lá dừa khô, khi lửa bùng cháy thì gác thêm mấy cây củi trâm bầu, tạo ra mùi khói thơm thơm ở miền quê, đã lắm!

Chạng vạng tối, mẹ nhóm bếp để nấu nước pha trà cho ông ngoại, sáng sớm cũng vậy. Mùi củi dừa, củi trâm bầu nồng nồng.

Từ khoảng 20 tháng chạp là cái bếp hầu như hoạt động liên tục. Bà ngoại nấu giấm chua để làm kiệu; hôm sau nấu nước muối để làm dưa cải ăn với thịt kho; rồi mấy dì, mợ tôi đến làm mứt dừa, chuối ngào đường, bánh in... Sát Tết, nồi bánh tét được bắc lên, nấu liên tục 24 tiếng đồng hồ. Xong nồi bánh đến nồi thịt kho hột vịt. Mẹ và bà ngoại nhóm than hồng đỏ rực trong bếp để nướng bánh tráng, bánh phồng.

Mồng một, mồng hai, cái bếp vẫn phải phục vụ nấu nướng. Đến mồng ba thì nấu nước sôi để làm thịt gà, vịt, cúng mồng ba...

Ngày nay có nhà đã dùng bếp ga, bếp điện, nhưng phần lớn vẫn còn sử dụng bếp củi. Đi xa thì mới nhớ đến ngày Tết ở quê nhà và không thể quên được cái bếp củi ấm áp ngày xuân!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ cái bếp củi ở quê ngày Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO