Nhiều loại hoa kiểng mùa tết có thể chữa bệnh

BS. HOÀNG XUÂN ĐẠI| 26/06/2019 07:16

KHPTO - Theo đông y và kinh nghiệm dân gian, những loài hoa tết như đào, cúc, mai, lan, hồng đều có công dụng chữa bệnh, làm đẹp rất hữu hiệu.

Hoa mai

Theo y học cổ truyền, hoa mai được dùng làm thuốc là hoa của cây mai trắng (bạch mai hoa, hoa của cây mơ), tên khoa học là Prunus armeniaca L. thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae). Phân biệt với cây mai vàng (Ochna integerrima Lour) thường được trồng làm cảnh và trang trí trong dịp tết. Trong thành phần hóa học, hoa mai chứa nhiều tinh dầu như cineol, borneol, benzyl alcohol, farnesol, terpineol, indol... và một số chất khác như meratin, calycanthine, caroten... Nghiên cứu hiện đại cho thấy, hoa mai có tác dụng kích thích bài tiết dịch mật, ức chế một số loại vi khuẩn như Escherichia coli, trực khuẩn lỵ, trực khuẩn thương hàn, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn lao...

mai_tet

Một số bài thuốc có hoa mai dễ chế biến và sử dụng như:

Tăng huyết áp, cơn đau thắt ngực: hoa mai 3 g, thảo quyết minh 10 g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Ho dai dẳng: hoa mai 9 g hãm uống thay trà trong ngày. Ngoài ra, trong ẩm thực cổ truyền, hoa mai còn được sử dụng như một loại thực phẩm để chế thành những món ăn có công dụng bổ dưỡng toàn thân cùng với các loại thực phẩm khác như thịt heo, thịt dê, trứng gà, cá chép, nấm hương...

Hoa đào

Hoa đào có vị đắng, tính bình, không độc, đi vào các kinh tâm, can và vị, có công dụng lợi thủy, hoạt huyết, thông tiện, được người xưa dùng để chữa các chứng bệnh như thủy thũng, cước khí, đàm ẩm, tích trệ, đại tiểu tiện bất lợi, kinh bế, tâm phúc thống (đau vùng tim), mụn nhọt... Chính vì vậy mà từ xa xưa, sau dịp tết Nguyên đán, người ta thường thu hái hoa đào đem phơi khô trong bóng râm (phơi âm can) và bảo quản nơi cao ráo để làm thuốc dùng dần, mà đặc biệt là làm đẹp.

Chẳng hạn, để thân hình thon thả, ưa nhìn với những phụ nữ quá béo, trong sách “Thiên kim yếu phương” khuyên nên uống bột hoa đào mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 1 g vào lúc đói. Hay trị các vết nám đen ở mặt, người ta dùng hoa đào 4 phần, bạch dương bì 2 phần và bạch quả tử nhân 5 phần, tất cả đem sấy khô, tán thành bột mịn, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 g ngay sau bữa ăn.

Quất kiểng

Quất thuộc họ cam quýt, là cây nhỏ, cao 1 - 2 m, tán lá thường tròn dẹp. Lá mọc so le, hình bầu dục hoặc mũi mác, gốc thuôn hẹp, đầu nhọn (đôi khi hơi lõm), mép lá nguyên, hai mặt nhẵn. Hoa màu trắng, thơm, mọc riêng lẻ ở kẽ lá, đài có 5 răng hình tam giác, tràng 5 cánh hình bầu dục. Trái hình cầu, không dẹt ở hai đầu. Khi chín màu đỏ vàng, vỏ mỏng, dịch trái rất chua.

Trái quất được dùng làm thuốc chữa ho, nước giải khát và giúp tiêu hóa. Hạt quất dùng để cầm máu, chống nôn. Chữa ho: trái quất chín, hoa hồng bạch, hạt chanh, mỗi vị 10 g. Tất cả rửa sạch cho vào chén cùng với ít đường hoặc mật ong, đem hấp trong 15 - 20 phút. Nghiền nát, để nguội, cho trẻ uống 3 lần trong ngày. Hạt quất, lá xương bồ, hạt chanh, mỗi vị 10 g, mật gà đen 1 cái. Tất cả để tươi giã nhỏ, thêm đường, hấp cách thủy, chia làm 2 - 3 lần uống trong ngày. Chữa khó tiêu: trái quất chín 1 kg, rửa sạch, để ráo nước. Dùng kim châm sâu vào trái 5 - 6 lỗ. Cho quất vào lọ cùng với đường kính 2 kg, cứ một lớp quất lại một lớp đường, đậy kín, để trong vòng 7 ngày sẽ thu được xi rô quất màu vàng, mùi thơm. Khi dùng, lấy 1 - 2 muỗng to xi rô quất pha với 100 ml nước đun sôi để nguội rồi uống.

quYt

Hoa cúc

Có nhiều loài cúc với hoa đủ màu sắc, nhưng loài cúc được dùng làm thuốc là hoa cúc trắng (bạch cúc, tên khoa học là Chrysanthemum sinense, thuộc họ Cúc - Asteraceae) và hoa cúc vàng (kim cúc, tên khoa học là Chrysanthemum indicum thuộc họ Cúc - Asteraceae) dưới cái tên chung là cúc hoa.

Theo các tài liệu y học cổ, cúc hoa được dùng chủ yếu làm thuốc chữa các chứng nhức đầu, chóng mặt, đau mắt, tăng huyết áp, giải độc gan, giải độc rượu. Liều dùng mỗi ngày 9 - 15 g dưới dạng thuốc sắc hoặc dạng trà. Có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác. Đặc biệt để chữa đau mắt và làm sáng mắt. Có thể dùng ngoài giã tươi để đắp không kể liều lượng để trị mụn nhọt, viêm da có mủ, chấn thương bầm giập... Một số bài thuốc có sử dụng cúc hoa: trị cảm mạo phong nhiệt: cúc hoa 12 g, bột sắn dây 12 g, lá dâu tằm 12 g, rễ lau 12 g, bạc hà 5 g, cam thảo 5 g; sắc uống ngày 1 thang. Các loại mụn nhọt: một nắm lá cúc hoa tươi và 3 cây hành tươi rửa sạch, giã nhỏ, thêm vài hạt muối đắp lên chỗ mụn nhọt ngày 1 lần. Dùng uống: cúc hoa 60 - 80 g tươi hoặc 20 g khô, bồ công anh 12 g, kim ngân hoa 12 g, cam thảo 12 g; sắc uống ngày 1 thang.

hoa_cuc

Hoa thủy tiên

Theo dược học cổ truyền, hoa thủy tiên vị đạm, tính mát; rễ cây hoa vị cay đắng, tính lạnh; có công dụng khứ phong thanh nhiệt, hoạt huyết điều kinh, tiêu thũng giải độc; được dùng để chữa các chứng bệnh như kinh nguyệt không đều, phụ nữ ngũ tâm phiền nhiệt (nóng lòng bàn tay, bàn chân và vùng giữa ngực), mụn nhọt, viêm loét, viêm tuyến vú, quai bị, viêm hạch... Thường được dùng dưới dạng tươi hoặc khô, uống trong với liều từ 3 - 6 g, dùng ngoài giã nát đắp hoặc nấu nước rửa. Củ cây thủy tiên có tác dụng giảm đau rất tốt. Lấy củ giã nát đắp vào chỗ đau, có thể chữa được mụn nhọt, đinh độc. Trong dân gian thường dùng củ thủy tiên để chữa ung thư tuyến vú. Tuy nhiên, vì có độc, củ thủy tiên chỉ được dùng ngoài.

Hoa cẩm chướng

Đông y cho rằng cẩm chướng có vị đắng, tính hàn, tác dụng lợi tiểu, thông lâm, hoạt huyết, thông kinh, chữa tiểu buốt, tiểu dắt, tiểu ra máu, tiểu ra sỏi, tiểu tiện không thông, bế kinh, phù thũng, trừ giun, lá dùng chữa tắc ruột. Không dùng cho phụ nữ có thai vì cẩm chướng có tác dụng gây sẩy thai.

hoa_cam_chuong

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều loại hoa kiểng mùa tết có thể chữa bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO