Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên có giá trị cao

Anh Thư| 23/07/2020 09:18

KHPTO - Trường đại học sư phạm TP.HCM vừa tổ chức Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học năm học 2019 - 2020. Sau các vòng xét chọn, đã có 167 đề tài đến từ 20/22 khoa được ký hợp đồng để triển khai thực hiện với tổng kinh phí 348.500.000 đồng. Đến nay, tất cả các khoa đã tổ chức đánh giá nghiệm thu với 154 đề tài.

Trên cơ sở đánh giá của hội đồng khoa học cấp khoa, 38 đề tài tiêu biểu đã được chọn đăng trong kỷ yếu hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học năm học 2019 - 2020 của Trường đại học sư phạm TP.HCM; 23 đề tài trong số này được đề cử tham gia báo cáo tại 4 tiểu ban trong hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường.

Trong đó, có 2/23 đề tài có công bố trên tạp chí quốc tế có trong danh mục ISI, 3/23 đề tài có công bố trên tạp chí trong nước.

Qua thẩm định của các tiểu ban chuyên môn, ban tổ chức đã chọn và trao giải thưởng cho 6 giải nhất.

Đề tài “Xây dựng kho học liệu dạy học hình học không gian dựa trên công nghệ thực tạo ảo tăng cường” do các sinh viên năm 3, khoa toán - tin học: Võ Văn Nghĩa, Đoàn Cao Khả, Đặng Vũ Quang Thịnh, Trương Ngọc Huy thực hiện dưới sự hướng dẫn của TS. Tăng Minh Dũng đã được trao giải nhất.

Hiện nay công nghệ thực tại ảo tăng cường (AR) đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Tháng 7/2019, ứng dụng GeoGebra 3D Calculator lần đầu tiên đưa công nghệ thực tại ảo tăng cường (Augmented Reality) hỗ trợ cho việc dạy học các đối tượng hình học trong không gian. Vì vậy, các sinh viên đã nghiên cứu xây dựng kho học liệu hỗ trợ cho việc dạy học hình học không gian của giáo viên dựa trên việc khai thác công nghệ thực tại ảo tăng cường.

Để phục vụ việc sử dụng, nhóm nghiên cứu đã vẽ 123 hình của tất cả các bài tập trong sách hình học 11 và đã đưa các hình vẽ này lên trang web www.geogebra.org/f/avear5crsk. Giáo viên và học sinh có thể mở các hình vẽ này trên ứng dụng 3D Calculator để sử dụng.

Cùng được trao giải nhất, đề tài của nhóm sinh viên năm 3, khoa khoa học giáo dục: Lê Nhật Hiển, Phạm Thị Thu Hiền, Nguyễn Thị Mỹ Hảo, H’Hải Hđơk do ThS. Nguyễn Văn Hiến hướng dẫn thực hiện “Thiết kế cẩm nang giáo dục lối sống bền vững cho sinh viên”. Theo nhóm này, nếu các trường đại học có biện pháp để triển khai các nội dung giáo dục lối sống bền vững (LSBV) thì sinh viên sẽ nâng cao nhận thức, thái độ từ đó thay đổi hành vi của bản thân. Nhờ vậy sẽ tác động tích cực đến sự phát triển bền vững của quốc gia bằng chính lối sống của họ, cũng như ảnh hưởng của họ tới cộng đồng. Tuy nhiên, Lê Nhật Hiển nói: “Chúng tôi nhận thấy, các trường đại học hiện nay chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề giáo dục vì sự bền vững cho đối tượng này”.

Từ cơ sở lý luận và thực tiễn, nhóm nghiên cứu đã sử dụng quy trình 7 bước để xây dựng cẩm nang giáo dục LSBV. Thông qua khảo nghiệm, hiệu quả bước đầu của cẩm nang đã được khẳng định (mức độ hứng thú và đáp ứng nhu cầu của SV).

Ngoài cẩm nang giấy, một fanpage với tên gọi “Tôi sống xanh” (www.facebook.com/ToisongxanhH4) cũng được triển khai nhằm mục đích làm sâu sắc hơn các thông tin từ cẩm nang và chuyển tải cẩm nang một cách linh hoạt hơn đến các đối tượng tìm đọc. Fanpage có 9 vấn đề tương ứng với 9 nội dung trong cẩm nang. Những bài đăng trong fanpage dưới dạng đoạn văn ngắn, hình ảnh, sơ đồ, video… mang tính chi tiết và trực quan cao.

Đề tài “Xây dựng bài tập rèn luyện lòng tự trắc ẩn cho sinh viên” cũng được giải nhất, do các sinh viên khoa tâm lý học Nguyễn Hồng Huân, Trần Văn Toản, Trần Thu Hạnh, Trần Thị Diễm Quỳnh thực hiện dưới sự hướng dẫn của TS. Lê Duy Hùng.

Theo Nguyễn Hồng Huân, lòng tự trắc ẩn đã được chứng minh có tương quan thuận với các hiện tượng tâm lý tích cực và tương quan nghịch với các hiện tượng tâm lý tiêu cực, do đó rèn luyện lòng tự trắc ẩn giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhóm nghiên cứu tiến hành xây dựng 8 bài tập rèn luyện lòng tự trắc ẩn dành cho đối tượng là sinh viên, sau quá trình sàng lọc giữ lại còn 6 bài tập. Sau đó, các bài tập được khảo sát trên 45 sinh viên trên địa bàn TP.HCM để chọn ra bài tập được đánh giá cao nhất, là bài tập “Tâm sự với điện thoại”. Bài tập sau đó được thử nghiệm trên 5 khách thể cho thấy có sự tác động đến lòng tự trắc ẩn của các sinh viên và các chỉ số trầm cảm, lo âu và căng thẳng.

Hiện nay, có nhiều nguồn chất hấp phụ như bã mía, vỏ đậu phộng, lõi ngô, xơ dừa, trấu, rơm… được sử dụng để loại bỏ các ion kim loại nặng từ nguồn nước bị ô nhiễm. Rơm là một chất rất tiềm năng để sản xuất chất hấp phụ xử lý ô nhiễm môi trường. Thành phần của rơm chủ yếu bao gồm lignin, hemicellulose và cellulose. Cellulose và hemicellulose có thể hấp phụ nhiều chất hòa tan, đặc biệt là các ion kim loại. Nhằm nâng cao khả năng hấp phụ, cellulose đã được biến đổi với nhiều tác nhân khác nhau.

Nhóm sinh viên năm 3, khoa hóa học: Vũ Tuấn Huy, Phan Thị Diệu My, Trần Thị Thanh Uyên với sự hướng dẫn của ThS. Trần Bữu Đăng đã nghiên cứu điều kiện tổng hợp và khảo sát khả năng loại bỏ ion nickel(II) trong dung dịch bằng vật liệu cellulose biến tính hiosemicarbazone.

Trong nghiên cứu này, cellulose tách từ rơm được biến tính bằng N(4)-morpholinothiosemicarbazide, tạo ra một vật liệu hấp phụ mới (MTC) dựa trên sự tạo phức chelate. Kết quả cho thấy, MTC có tiềm năng cao trong việc loại bỏ ion Ni (II) trong nước bởi khả năng tái sử dụng ít nhất 5 lần mà hiệu quả hấp phụ không giảm đáng kể. Đề tài đã được trao giải nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên có giá trị cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO