Nhân rộng mô hình nuôi cá vược ở vùng nước lợ

Nguyên Khang (Sở KH-CN Thừa Thiên Huế)| 08/01/2011 18:53

Cá vược (Lates calcarifer) là loài cá có giá trị kinh tế cao, thịt ngon và là mặt hàng xuất khẩu quan trọng. Cá vược có thể nuôi ở cả môi trường nước ngọt, nước mặn và nước lợ. Cá vược là loài phân bố rộng tại các vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới. Tại Việt <_st13a_country-region w:st="on">Nam, cá có ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển miền Trung và <_st13a_country-region w:st="on"><_st13a_place w:st="on">Nam bộ. Cá có thân dài, dẹp, cuống đuôi khuyết sâu, đầu nhọn, nhìn bên lõm về phía lưng và lồi ra phía trước vây ngực. Ở Thừa Thiên Huế, để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản một cách bền vững, một dự án khoa học và công nghệ về nhân rộng mô hình nuôi cá vược đã được nghiệm thu, nhằm xác định mô hình nuôi phù hợp và hiệu quả trong vùng nước lợ, từ đó cải tiến, nhân rộng mô hình này đến nhiều vùng nuôi ở Thừa Thiên Huế.

Dự án “Hỗ trợ nhân rộng mô hình nuôi cá vược ở vùng nước lợ, tỉnh Thừa Thiên Huế” do TS Tôn Thất Chất làm chủ nhiệm dự án và Trường đại học Nông lâm Huế là đơn vị chủ trì. Mục tiêu chung của dự án là xác định và nhân rộng mô hình nuôi cá vược có hiệu quả trong vùng nước lợ góp phần chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững ở vùng đồng phá ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế. Mục tiêu cụ thể là tổng kết và đánh giá kết quả các mô hình nuôi cá vược hiện có ở Thừa Thiên Huế, qua đó có được mô hình nuôi cá vược nhân rộng phù hợp và hiệu quả.

Nuôi cá vược-nghề mang lại hiệu quả cao

Thừa Thiên Huế có khu hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng diện tích 22.000ha là điều kiện tốt để phát triển thủy sản. Nghề nuôi cá vược thương phẩm phát triển từ sự nhạy cảm của người nuôi thủy sản, vì vậy nuôi cá vược trong ao hoặc trong lồng ở vùng nước lợ là một lợi thế. Việc hoàn thiện quy trình sản xuất, công nghệ sản xuất giống cá vược có thể đáp ứng đủ số lượng để mở rộng nuôi cá vược thương phẩm. Mặc khác, với thị trường tiêu thụ cá vược khá ổn định, nhu cầu cá vược thương phẩm cho xuất khẩu khá cao là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nuôi đối tượng này.

Cá vược trải qua phần lớn thời gian sinh trưởng (2-3 năm) trong các thủy vực nước ngọt như sông, hồ nơi nối liền với biển. Cá có tốc độ tăng trưởng nhanh, thường đạt cỡ 3-5kg sau 2-3 năm. Cá vược trưởng thành, thường được xem là loài cá dữ, phàm ăn. Cá đẻ quanh năm, thời điểm chính vụ từ tháng 4 đến tháng 8, cá thường xuất hiện các tháng mùa khô (tháng 2-8), hoạt động đẻ trứng mạnh ở các tháng 4, 5, 6 và mùa sinh sản kéo dài đến mùa mưa.

Ở Thừa Thiên Huế, người dân đã bước đầu nuôi cá vược ở một số địa phương thuộc khu vực phía bắc phá Tam Giang (Điền Hương, Điền Hải, Phong Chương, Phong Hải, Quảng Công, Hải Dương) với hai hình thức nuôi chủ yếu là nuôi ao và nuôi lồng. Các ao nuôi địa phương có diện tích trung bình từ 1.000-3.000m2, mật độ nuôi 1-3 con/m2, kích cỡ giống thả nuôi 6-8cm/con. Lượng cá giống chủ yếu được mua từ Nha Trang và đa số các ao nuôi cá vược tại Quảng Công, Quảng Điền là các ao được chuyển từ ao nuôi tôm sang.

Qua quá trình thực hiện dự án, nhóm tác giả đã tiến hành điều tra thu thập số liệu bằng phương pháp điều tra nhanh và tham gia thực hiện cùng các hộ nuôi cá vược để nắm bắt quy trình nuôi từ khâu chuẩn bị ao đến khâu thả giống, cho ăn, chăm sóc và quản lý. Thời gian đầu thả nuôi cần sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp thức ăn tươi đã giúp cá tăng trọng nhanh. Nhưng càng về sau việc nuôi cá bằng thức ăn tươi đã đem lại kết quả tốt hơn việc sử dụng thức ăn công nghiệp.

Triển khai mô hình nuôi cá vược có hiệu quả

Từ kết quả điều tra, đánh giá thực trạng nuôi cá vược trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, nhóm thực hiện dự án đã xác định và triển khai mô hình nuôi cá vược thương phẩm có cải tiến theo hướng đạt hiệu quả kinh tế, lợi cho môi trường để nhân rộng ở Thừa Thiên Huế. Nhóm tác giả khẳng định, mô hình tương đối có hiệu quả ở Thừa Thiên Huế trong vùng nước lợ là mô hình nuôi ao sử dụng thức ăn cá tươi. Vì vậy nhóm thực hiện dự án đã lựa chọn mô hình này làm mô hình nhân rộng cho các hộ có điều kiện cung cấp thức ăn tươi chủ động. Mô hình đã được tiếp tục nhân rộng ở Quảng Công, huyện Quảng Điền; Phú Tân, huyện Phú Vang; Hương Phong, huyện Hương Trà. Tuy nhiên, để cung cấp thức ăn chủ động cho ao nuôi cá vược trong những ngày thời tiết xấu, không đủ cá tạp tươi, việc sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp thức ăn tự chế cũng đã được áp dụng tại các địa bàn này.

Theo báo cáo kết quả dự án được trình tại hội nghị nghiệm thu, TS Tôn Thất Chất, chủ nhiệm dự án đã nêu lên những lợi nhuận thu được từ việc triển khai mô hình nuôi lồng cá vược, qua đó diện tích nuôi cá vược ở Thừa Thiên Huế đã tăng lên 10,55ha. Số lồng nuôi cá vược ở Hương Trà tăng từ 300-350 lồng so với năm 2009 lên 550 năm 2010. Tại Quảng Điền, chủ yếu là nuôi ao, từ tháng 8 sang mùa lũ mới chuyển nuôi lồng để giữ cá, số hộ nuôi cá vược trong ao chiếm 96,3%, lồng chỉ chiếm 3,7%. Đặc biệt, năm 2010, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc đã triển khai mô hình nuôi lồng cá vược thu được lợi nhuận khá cao và dự báo đến năm 2011 mô hình nuôi lồng cá vược sẽ được mở rộng tại địa phương này.

Định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2010 của Thừa Thiên Huế là lấy hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường, điều chỉnh quy hoạch nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn bền vững, đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng, phát triển các đối tượng và phương thức nuôi có khả năng cải thiện môi trường nước. Việc nhân rộng mô hình nuôi cá vược ở vùng nước lợ mà dự án đưa ra đã góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, tăng tính bền vững của nghề nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, phát triển cá vược là đối tượng có giá trị kinh tế, phù hợp với vùng đầm phá Thừa Thiên Huế, tận dụng các ao nuôi tôm sú bị bỏ hoang và tận dụng nguồn thức ăn sẵn có của địa phương. Việc nhân rộng mô hình nuôi cá vược bằng thức ăn tươi và thức ăn tươi kết hợp với thức ăn công nghiệp sẽ góp phần tăng tính chủ động trong quá trình nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn và hạn chế ô nhiễm môi trường. Đồng thời giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho các vùng nông thôn ven biển Thừa Thiên Huế.

Theo bà Võ Thị Tuyết Hồng, thành viên hội đồng phản biện của hội nghị nghiệm thu dự án,tuy còn một số hạn chế như các lớp tập huấn mới chỉ đơn thuần là lý thuyết mà chưa có thử nghiệm rõ ràng; nhóm thực hiện dự án chưa phân tích, lý giải những thuận lợi, khó khăn trong quá trình nuôi để rút ra bài học kinh nghiệm cho người dân trong quá trình nuôi... Song, dự án đã xác định được mô hình nhân rộng có hiệu quả, đó là mô hình nuôi cá vược bằng thức ăn tươi, qua đó dự án đã xây dựng được 3 quy trình nuôi thương phẩm và tờ rơi cho từng quy trình, góp phần quảng bá, nhân rộng các mô hình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân rộng mô hình nuôi cá vược ở vùng nước lợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO