Nhận diện nguy cơ đe dọa an ninh môi trường ở Việt Nam

Anh Thư| 26/09/2017 15:29

KHPTO - Khi người dân đã sử dụng các quyền bằng con đường hợp pháp, nhưng quyền được sống trong môi trường trong lành của mình vẫn không được bảo vệ có hiệu quả, tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, vượt quá sức chịu đựng vẫn chưa được ngăn chặn và hàng ngày, hàng giờ đe doạ tính mạng, sức khoẻ thì họ phải làm gì?

TS.Phạm Văn Võ, Trường đại học luật TP.HCM đặt câu hỏi như trên tại hội thảo quốc tế “Bảo vệ môi trường với ổn định chính trị, xã hội và phát triển kinh tế - Những vấn đề pháp lý đặt ra” do Trường đại học luật TP.HCM tổ chức.
Quyền được sống trong môi trường trong lành
PGS.TS. Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng khẳng định ô nhiễm và suy thoái môi trường đe dọa an ninh quốc gia và sự sống còn của cả xã hội loài người. Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam đang đứng trước nhiều nguy cơ về môi trường như: biến đổi khí hậu, nước biển dâng… và đây là một thách thức lớn, đe dọa nghiêm trọng đến mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia. 
Theo TS.Phạm Văn Võ, mặc dù pháp luật hiện hành đã có quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, của các tổ chức, cá nhân trong bảo vệ môi trường, nhưng trên thực tế, vì nhiều lí do khác nhau, tình trạng các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền xử lí kịp thời, kiên quyết và triệt để vẫn còn phổ biến, xâm hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ và tài sản của người dân. TS.Phạm Văn Võ nêu ví dụ về một trường hợp tại một tỉnh, người dân đã nhiều lần có đơn tố cáo công ty này chôn lấp chất thải nguy hại trong khuôn viên nhà máy dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, gia súc bị chết, tỷ lệ người dân bị mắc bệnh ung thư ở đây cao bất thường. Chính quyền địa phương cũng đã tiến hành thanh tra công tác bảo vệ môi trường của công ty nhưng đều kết luận là không phát hiện thấy hành vi chôn lấp chất thải như tố cáo của người dân. Do quá bức xúc, người dân đã kéo nhau bao vây chiếc xe tải của công ty này do nghi ngờ xe chở thuốc trừ sâu hết hạn đi tẩu tán và xông vào nhà máy để tự khai đào tìm chất thải chôn lấp. Qua khai đào, người dân đã phát hiện điểm chôn hoá chất. 

BANTTULAW_2
TS.Phạm Văn Võ cho rằng, rõ ràng hành vi bắt giữ xe, tự ý khai đào trong khuôn viên công ty để tìm hoá chất chôn lấp của người dân là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên có lẽ đây là con đường duy nhất còn lại để người dân bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành của mình. Hay nói cách khác, chính thái độ thiếu kiên quyết trong xử lí hành vi vi phạm pháp luật môi trường của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã đẩy người dân vào tình thế buộc phải vi phạm pháp luật. TS.Phạm Văn Võ đặt vấn đề: “Hành vi gây ô nhiễm môi trường vượt quá ngưỡng chịu đựng của người dân và buộc họ phải có hành vi xử sử cực đoan, trái pháp luật hiện nay không còn là nguy cơ mà thực sự là vấn đề thực tiễn cần phải giải quyết”.
Người dân không được tắm biển của mình?
Trong thời gian qua, việc phân bổ quyền khai thác, sử dụng thành phần môi trường ở Việt Nam nhìn chung là hợp lí, nhưng đã phát lộ những vấn đề đe doạ an ninh môi trường về trước mắt cũng như lâu dài nếu không có giải pháp khắc phục kịp thời, TS. Phạm Văn Võ nhận định như vậy. Ông lưu ý việc phân bổ tài nguyên đất đai. Bên cạnh những tác động tích cực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thu nhập, việc làm, cơ hội kinh doanh của người dân, việc thu hồi đất của người này để trao quyền sử dụng đất cho người khác còn gây ra những tác động tiêu cực, như có thể đẩy người dân rơi vào tình trạng không còn đất để sản xuất, để ở, mất sinh kế nếu không có chính sách điều phối đất đai hợp lí. Ngoài ra, việc giao những những khu đất có giá trị cao về cảnh quan, về chất lượng môi trường, là tặng vật mà tạo hóa ban tặng, mọi người dân đều có quyền được hưởng thụ, sẽ làm mất đi quyền chính đáng nói trên của cộng đồng. 
TS.Phạm Văn Võ nói: “Thực tế ở Việt Nam cho thấy, ở nhiều địa phương có biển,¬ một số bờ biển đẹp đã được giao cho doanh nghiệp để kinh doanh dịch vụ du lịch khiến người dân địa phương không còn được đi dạo, tắm biển và tiến hành các hoạt động vui chơi tại các khu đất vốn dĩ là tài sản thuộc sở hữu của họ, nơi mà cha ông họ đã hy sinh để bảo vệ chúng”.
Điều đáng lo ngại là tình trạng phân bổ tài nguyên thiếu công bằng, tước đi quyền tiếp cận tài nguyên phục vụ nhu cầu thiết yếu của cộng đồng tuy hiện nay chưa thật sự gay gắt, nhưng có thể gây những tác động xấu đến an ninh môi trường trong tương lai khi trình độ nhận thức cũng như ý thức về quyền tiếp cận tài nguyên của người dân được nâng cao, vì hiện nay nhiều nơi có cảnh quan đẹp như bãi biển, bờ sông của các thành phố, các khu du lịch nhà nước đã giao cho doanh nghiệp sử dụng vào mục đích kinh doanh. Việc loại trừ nguy cơ này không phải là vấn đề đơn giản vì thời hạn đầu tư của những dự án thường kéo dài 50 đến 70 năm hoặc là đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng lâu dài.
Cần xây dựng tiêu chuẩn môi trường mới
TS.Michael Parsons, một chuyên gia trong ngành cho rằng, Việt Nam cần đảm bảo phương thức bảo vệ môi trường của mình có thể theo kịp với bối cảnh của nền công nghiệp hiện dang thay đổi nhanh chóng. Trong thời gian gần đây ấn Độ, Hàn Quốc, Nga, Malaysia, … đã và đang tìm hiểu kinh nghiệm của châu Âu trong việc xác định các ngành công nghiệp có khả năng gây ô nhiễm nhiều nhất và xây dựng các tiêu chuẩn môi trường mới, những tiêu chuẩn có thể đạt được bằng cách áp dụng các kỹ thuật tốt nhất hiện có. Hàn Quốc và Nga đã được mục tiêu trên khi chuyển đổi sang cơ chế cấp phép thống nhất, cơ chế mới này được xem là tốt nhất trong việc điều chỉnh vấn đề phát thải ô nhiễm của các cơ sở xả thải lớn trong các ngành công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm nhất. Các điều kiện cấp phép bao gồm cả việc áp dụng các công cụ kinh tế đơn giản như thu phí xả thải vượt mức và yêu cầu mua bảo hiểm trách nhiệm môi trường bắt buộc. Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm này trên con đường hướng đến tương lai của sự tăng cường đầu tư vào các cơ sở công nghiệp phát sinh khối lượng chất thải lớn có nguy cơ gây ra thảm hoạ môi trường.
GS. Gary Chan Kok Yew, Trường đại học quản trị Singapore cho biết, việc kiểm soát ô nhiễm tại Singapore rất chặt chẽ, chẳng hạn, theo Luật các tội phạm khác (về trật tự công cộng và gây rối), người tạo ra tiếng ồn bằng bất kỳ dụng cụ hoặc phương tiện nào mà gây ra, hoặc có khả năng gây ra phiền toái, hoặc bất tiện cho người chiếm hữu bất kỳ bất động sản lân cận nào, hoặc bất kỳ ai ở nơi công cộng đều phải chịu trách nhiệm hình sự. Người sử dụng bất kỳ xe cơ giới nào không đáp ứng tiêu chuẩn về tiếng ồn cũng có thể bị kết án. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhận diện nguy cơ đe dọa an ninh môi trường ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO