Nhận diện học sinh “ngồi nhầm lớp” từ quan điểm khoa học

29/06/2007 16:59

Hiện tượng học sinh “ngồi nhầm lớp” ở các cấp trong nhà trường phổ thông hiện nay đã và đang được khảo sát và công bố trước công luận, được nhìn nhận như là hệ quả của bệnh thành tích và nạn tiêu cực trong thi cử. Tuy nhiên, TS. Hoàng Tuyết, Đại học sư phạm TP.HCM vừa đưa ra một cách nhìn khác về những học sinh này. TS. Hoàng Tuyết cho rằng, một tỷ lệ nào đó của đội ngũ “ngồi nhầm lớp” có thể là do thiểu năng học tập, đặc biệt là do mắc chứng đọc khó (dyslexia).

Lập luận này dựa trên hai tiền đề khoa học chính: các nghiên cứu giáo dục trên thế giới về những khó khăn của trẻ em trong học tập và phát triển cho thấy rằng bất kỳ một đất nước nào cũng có một tỷ lệ dân số nhất định mang hội chứng “thiểu năng học tập”, đặc biệt là “chứng khó đọc”. Chân dung những học sinh “ngồi nhầm lớp” được các giáo viên Việt <_st13a_country-region w:st="on"><_st13a_place w:st="on">Nam miêu tả một cách trực giác mang rất nhiều những triệu chứng, đặc điểm của chứng khó đọc (hệ thống các đặc điểm một người học mắc chứng khó đọc đã được xác định trong nhiều nghiên cứu trên thế giới).

Hiện tượng học sinh “ngồi nhầm lớp”

Học sinh “ngồi nhầm lớp” được xem là học sinh (HS) có trình độ không tương xứng với lớp mình đang theo học.

Gần một năm học qua, thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, hầu hết các sở giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) trên cả nước đã khảo sát tình trạng HS yếu kém và “ngồi nhầm lớp”. Những con số đã đăng tải trên báo chí có vẻ là những con số buồn, là sự bùng nổ, là sự giật mình, là sự nhức nhối, trĩu nặng lo âu của ngành giáo dục (An Giang có 8.000 HS ngồi nhầm lớp, Hà Giang gần 5.000 HS, Quảng Nam hơn 3.500 HS...). Tình trạng HS “ngồi nhầm lớp” có ở tất cả các trường (theo ông Võ Thanh Giang, phó giám đốc Sở GD&ĐT Bạc Liêu).

Trong thực tế bộn bề ấy có những quyết tâm gọi tên các nguyên nhân của tình trạng yếu kém này và đề các biện pháp để giải quyết tận gốc. Rồi từ một khuôn khổ cố định với kiểu nghĩ “truyền thống”, các giải pháp đã được đề ra theo kiểu đa diện, bao quát được nhiều nguồn nguyên nhân. Giải pháp đối với HS như tổ chức kiểm tra, tuyển chọn lên lớp, bồi dưỡng cụ thể nhằm giúp HS nâng cao kiến thức để tiếp tục theo lớp đang học, hoặc trở về học đúng lớp phù hợp. Giải pháp đối với giáo viên (GV) như bồi dưỡng nâng cao năng lực và tinh thần trách nhiệm của GV. Giải pháp xã hội hóa nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan tâm đến giáo dục của cộng đồng dân cư, của phụ huynh HS…

Theo TS. Hoàng Tuyết, cách nhìn nhận và giải quyết thực trạng HS “ngồi nhầm lớp” dường như đều thể hiện cái gì đó của sự thiếu cân nhắc về mặt khoa học giáo dục, mặc dù mang đậm tinh thần tích cực, thái độ nhiệt thành trong việc giải quyết hiện trạng. Câu hỏi đặt ra ở đây là phải chăng còn một nguyên nhân nữa dẫn đến sự tồn tại một số HS “ngồi nhầm lớp” và cả phần nào số HS yếu kém mà nền giáo dục chưa thực sự biết đến. Nguyên nhân đó có thể là thiểu năng học tập.

Thiểu năng học tập

Theo TS. Hoàng Tuyết, thuật ngữ thiểu năng học tập là một trong những khái niệm chìa khóa của một hệ thống các nghiên cứu giáo dục trên thế giới về những khó khăn của trẻ trong học tập và phát triển.

Thiểu năng học tập được định nghĩa như một tình trạng rối loạn trong các tiến trình tâm lý cơ bản liên quan đến việc hiểu và sử dụng ngôn ngữ, nói hoặc viết, tình trạng này có thể biểu hiện như là một khả năng không đầy đủ về nghe nói, đọc viết, đánh vần hoặc tính toán. Thiểu năng học tập bao gồm những điều kiện như là thiểu năng tri giác, thương tổn não, chứng loạn chức năng tiểu não, chứng khó đọc (dyslexia), và chứng mất ngôn ngữ.

Theo kết quả điều tra của Viện nghiên cứu sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ, có đến gần 15% dân số Hoa Kỳ chịu ảnh hưởng hội chứng thiểu năng học tập, và mỗi năm lại có thêm khoảng 120.000 HS bắt đầu có dấu hiệu của chứng này. Số liệu thống kê này gợi cho chúng ta cách nhìn nhận là bất kỳ một nền giáo dục nào ắt cũng tồn tại số HS kiểu “ngồi nhầm lớp” theo nghĩa là kém hoặc trầm trọng hơn là mất khả năng học tập bởi tình trạng thiểu năng học tập, một tình trạng sinh lý thần kinh có tính di truyền, bẩm sinh, vượt ngoài ý chí của con người. Vấn đề ở chỗ là cần phải có hiểu biết về tình trạng này để nhận diện, can thiệp và giúp trẻ thiểu năng học tập có thể học tập tốt nhất trong điều kiện hạn chế của mình.

TS. Hoàng Tuyết cho rằng, việc diệt tận gốc tình trạng HS “ngồi nhầm lớp” theo nghĩa là HS thiểu năng học tập là chuyện phi thực tế. Sự tồn tại một dân số HS thiểu năng học tập cũng không phải là “quốc nạn” vì trường nào và thời nào cũng có. Đó là một vấn đề giáo dục xã hội cần được quan tâm nghiên cứu một cách khoa học và nghiêm túc để giúp giáo dục nước nhà phát triển.

Chắc hẳn rằng trong số những HS “ngồi nhầm lớp” hiện nay có những em là sản phẩm của bệnh thành tích theo kiểu “không đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng của lớp dưới nhưng vẫn được đưa lên lớp trên”, và cũng chắc hẳn rằng trong đội ngũ HS đáng thương ấy có nhiều em thiểu năng học tập. Thực tế cho thấy nhiều quốc gia trên thế giới, trên cơ sở của nghiên cứu khoa học, đã hoạch định nhiều loại chương trình chuyên biệt để giúp đỡ các HS này học tập, bởi lẽ các chương trình giảng dạy phổ thông có thể không hiệu quả. O

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhận diện học sinh “ngồi nhầm lớp” từ quan điểm khoa học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO