Nhận diện 12 yếu tố nguy cơ cho sức khỏe

04/04/2017 09:38

KHPT-Hiện nay, chúng ta đang phải đối phó với nhiều yếu tố nguy cơ gây hại đến sức khỏe như: an toàn vệ sinh thực phẩm, áp lực công việc, thói quen ăn uống không đúng dinh dưỡng và cả lối sống thụ động, lười tập thể dục thể thao…

Nhân kỷ niệm 4 năm số cải tiến của Báo KHPT - CĐSK, qua chuyên mục "Bác sĩ gia đình", tôi xin gửi đến quý bạn đọc tổng hợp 12 yếu tố nguy cơ cho sức khỏe. Mong rằng qua bài tư vấn này, bạn đọc sẽ có thêm những thông tin thiết thực, để qua đó giúp nâng cao sức khỏe, phòng tránh được các nguy cơ bệnh lý và ung thư.

1. Rối loạn mỡ máu
Tăng hàm lượng các chất mỡ trong máu (cholesterol, triglycerid) rất thường gặp hiện nay. Hàm lượng cholesterol, triglycerid cao trong máu là yếu tố dự báo nguy cơ mắc bệnh mạch vành và đột quỵ. 
Nếu kết quả xét nghiệm máu cho thấy hàm lượng cholesterol toàn phần trong máu dưới 5,2 mmol/dl thì là trong mức bình thường. Nếu cao hơn con số này thì nguy cơ bị đột quỵ tim mạch là rất lớn.
Cholesterol toàn phần có nhiều dạng, trong đó đáng chú ý nhất là cholesterol có trọng lượng phân tử cao (HDL-C) và trọng lượng phân tử thấp (LDL- C). Nồng độ  LDL- C trên 3 mmol/dl là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Ngược lại, HDL-C có vai trò bảo vệ sức khỏe. Hàm lượng HDL-C trong máu càng cao thì càng ít có nguy cơ mắc phải bệnh tim mạch (hàm lượng HDL-C tối thiểu phải cao hơn 1 mmol/dl).
2. Hút thuốc lá
Thống kê cho thấy, từ 30 - 40% trong khoảng 500.000 trường hợp tử vong hàng năm vì bệnh mạch vành là do hút nhiều thuốc lá. Một kết quả nghiên cứu khảo sát khác cũng ghi nhận nguy cơ đột tử cao hơn 10 lần ở nam, 5 lần ở nữ có hút thuốc lá. Có thể nói, hút thuốc lá là nguyên nhân "số 1" dẫn đến bệnh mạch vành, và "nặng" hơn là đột tử. 
Cần biết rằng những nguy cơ vừa nêu sẽ giảm ngay, sau khi bỏ hút thuốc lá. 
3. Béo phì
Một nghiên cứu khảo sát trên 100.000 phụ nữ tuổi từ 30 - 55 cho thấy, nguy cơ bị bệnh tim mạch cao gấp 3 lần nếu bị béo phì (so với người không bị béo phì).
Béo phì ở nam giới, dạng mỡ thừa thường tập trung tại vùng bụng (còn được gọi vui là "bụng bia", hay người hình quả táo). Ở nữ giới khi béo phì, lượng mỡ thừa thường tập trung nhiều ở vùng mông và đùi (được ví von là người có hình trái lê). Béo phì cũng là nguyên nhân của nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đặc biệt là mạch vành và đột quỵ. Các chuyên gia dinh dưỡng đã khuyến cáo rằng với nam giới không nên để vòng bụng vượt quá 90 cm, còn nữ giới thì hãy cố gắng duy trì vòng bụng dưới 80 cm. 
4. Bệnh tiểu đường 
Sau 40 tuổi thường có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường (type 2). Mắc bệnh tiểu đường cũng đồng nghĩa với nguy cơ cao của các bệnh mạch vành và đột quỵ. 
5. Lười vận động, và lười tập thể dục         
Người có nếp sống thụ động, ít vận động, chẳng quan tâm tập thể dục thể thao, đây cũng là mối nguy cơ cao gây ra các bệnh tim mạch, thoái hóa cột sống, sạn thận… Chỉ cần xây dựng lối sống năng động, thường xuyên vận động, dành ít thời gian trong ngày cho vài bài tập thể dục thì sẽ giảm ngay những nguy cơ vừa đề cập. 
6. Đừng quá lạm dụng bia, rượu
Nghiên cứu cho thấy, nếu sử dụng tối đa 2 ly rượu vang, hay 1 chai bia mỗi ngày có thể giúp ngăn ngừa xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành. Nhưng nếu dùng nhiều hơn "chỉ tiêu" này thì tình hình sẽ "xấu" đi ngay. Cụ thể, nếu uống nhiều hơn 60 ml rượu vang, 300 ml bia, hay 30 ml rượu mạnh… mỗi ngày, thì sẽ bị cao huyết áp, tăng nguy cơ tổn thương gan, thần kinh trung ương và nhiều rối loạn khác trong cơ thể. 
7. Độc tố aflatoxin của nấm mốc 
Độc tố aflatoxin (AF) là sản phẩm của nấm Aspergillus và A. parasiyicus có ở trong gạo, ngũ cốc bảo quản kém bị ẩm mốc. Độc tố này đã được "xác định"  là nguy cơ cao gây ra ung thư gan. Chúng ta có thể bị nhiễm độc tố này do ăn phải thực phẩm kém chất lượng như dùng gạo, ngũ cốc bị nấm mốc; hay ăn thịt động vật được nuôi bằng thực phẩm bị nấm mốc.    
Phải đóng vai người tiêu dùng thông minh khi chọn mua loại thực phẩm này, để phòng tránh những nguy cơ.
8. Nguy cơ loãng xương    
Những người nằm trong nhóm nguy cơ như: phụ nữ tuổi mãn kinh, phụ nữ bị mãn kinh sớm (do tự nhiên, hay do cắt buồng trứng), uống nhiều thuốc corticoid (điều trị hen suyễn, thấp khớp…), chế độ ăn ít calci, uống nhiều rượu, hút nhiều thuốc lá, lối sống thụ động, ít vận động… Những đối tượng vừa kể có nguy cơ bị loãng xương rất cao, nên đi kiểm tra và đo mật độ xương định kỳ, để được các bác sĩ tư vấn phù hợp kịp thời (nếu có loãng xương). 
9. Nguy cơ ung thư cổ tử cung  
Phụ nữ nằm trong diện sau: sinh hoạt tình dục sớm (trước 17 tuổi); sinh hoạt tình dục với nhiều người; sinh đẻ nhiều lần; bị viêm sinh dục do virus Herpes simplex II, HPV; bị các bệnh lây lan qua đường tình dục khác; nghiện thuốc lá; chế độ ăn thiếu sinh tố A, acid folic… sẽ có nguy cơ cao bị ung thư cổ tử cung.
10. Nguy cơ ung thư vú   
Xin được liệt kê những yếu tố làm tăng nguy cơ bị ung thư vú là: đã bị ung thư vú ở vú bên kia (nguy cơ tăng gấp 5, 6 lần); trong gia đình có người bị ung thư vú, nhất là mẹ, chị em gái (nguy cơ tăng gấp 3 - 5 lần); không sinh đẻ, hay sinh đẻ lần đầu tiên khi đã trên 30 tuổi (nguy cơ tăng gấp 3 lần); không cho con bú mẹ (nguy cơ tăng gấp 2 lần); thường xuyên bị stress, bị béo phì (nguy cơ gấp 2 lần), có kinh lần đầu sớm và mãn kinh muộn (nguy cơ gấp 1,5 lần)…
11. Nguy cơ mắc ung thư đại tràng  
Những yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư đại tràng là: chế độ ăn ít chất xơ (thiếu rau, trái), ăn quá nhiều thịt, chất béo; lối sống thụ động, lười vận động, lười tập thể dục thể thao, ngồi suốt ngày để làm việc; bị bệnh viêm đường ruột, viêm đại tràng (có loét); bị ung thư vú, ung thư tử cung; có cha, mẹ, anh chị em ruột bị  ung thư đại tràng…
12. Nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt             
Một số yếu tố sau đây là nguy cơ cao dẫn đến ung thư tuyến tiền liệt: lớn tuổi (càng cao tuổi càng có nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt); có ông, cha, anh, em trai ruột bị ung thư tuyến tiền liệt; tiếp xúc nhiều với các chất phóng xạ; chế độ ăn nhiều thịt, mỡ động vật; đã thắt ống dẫn tinh từ 20 năm trở lên; bị thiếu sinh tố D; bị phì đại tuyến tiền liệt; sinh hoạt tình dục nhiều…
Tóm lại, để hạn chế 12 nguy cơ đến sức khỏe đã đề cập, giải pháp tốt nhất, và cũng dễ thực hiện nhất là phải có ý thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, và dinh dưỡng  trong chế độ ăn; tập thể dục thường xuyên; kiểm tra sức khỏe định kỳ; sống lành mạnh…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhận diện 12 yếu tố nguy cơ cho sức khỏe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO