Nhận dạng một số chương trình liên kết đào tạo quốc tế

24/08/2007 10:28

Các chương trình hợp tác quốc tế đào tạo có cấp bằng là một trong các giải pháp mà nhiều trường đại học đã chọn. Theo TS. Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc đại học quốc gia TP.HCM, hiện nay có 4 dạng liên kết đào tạo.

Chương trình đôi

Về thời gian đào tạo, thoạt đầu chương trình đôi có học trình 4 - 5 năm, bao gồm 1 năm học ngoại ngữ (cho những người chưa đủ trình độ), 2 năm học ở Việt Nam (thường là khối kiến thức cơbản), 2 năm học ở nước ngoài (khối kiến thức chuyên ngành), do đó dạng liên kết này còn được gọi là chương trình liên kết 2 + 2 nếu không tính thời gian học ngoại ngữ. Tuy nhiên gần đây đã có nhiều “biến tấu” (3 +1, 4 + 0, thậm chí 2 + 1, 1 + 2, 3 + 0 đối với một số chương trình đại học 3 năm). Chương trình đào tạo liên kết với trường đối tác nào thì trường đối tác đó cấp bằng. Ngoại trừ một thời gian việc xin visa nhập cảnh vào Hoa Kỳ gặp khó khăn, hầu như các sinh viên sau khi kết thúc giai đoạn 1 đều được chuyển tiếp học giai đoạn 2 ở nước ngoài. Tuy nhiên trong thực tế, tỷ lệ sinh viên tiếp tục học ở nước ngoài thường rất thấp. Ngoài lý do rơi rụng trong học tập sau 1, 2 năm đầu, có một số không ít em sau 2 năm học tập trong nước, gia đình không có điều kiện chi trả thêm hàng chục ngàn đô la cho đi học tiếp ở nước ngoài. Đây chính là một bài toán rất khó giải cho các trường phía Việt Nam, vì không biết xử lý việc học tiếp của các sinh viên “nửa chừng” đó như thế nào. Đây là chương trình có thu học phí, chỉ có một số rất ít sinh viên nhận được học bổng dưới hình thức giảm học phí.

Điểm băn khoăn hiện nay là loại hình liên kết này phần lớn chỉ có đối tác nước ngoài là những trường “thường thường bậc trung”, ít có trường xếp hạng cao. Hơn nữa, các ngành liên kết lại tập trung nhiều vào các nhóm ngành kinh tế (ngoại thương, quản trị kinh doanh, quản trị khách sạn - du lịch...) và công nghệ thông tin, nên ở một vài trường đã có dấu hiệu bão hòa (không tuyển sinh được).

Du học

Về hình thức, có thể cho rằng đây là loại hình 0 + 4 (học toàn thời gian ở nước ngoài và nhận bằng nước ngoài). Đối với dạng du học tự túc, trường đại học trong nước gần như chỉ đóng vai trò cầu nối, môi giới thông qua các trung tâm du học. Những học sinh thuộc gia đình khá giả có đủ một số điều kiện tối thiểu về học tập và ngoại ngữ có thể du học tự túc. Chi phí trọn gói cho học phí và sinh hoạt của khóa học 4 năm đại học khá cao, từ khoảng 40.000 USD (ở Úc) cho đến 60.000 (ở Mỹ, Anh…) thậm chí cao hơn. Du học Singapore thì rẻ hơn, Trung Quốc lại càng rẻ hơn nhiều. Yêu cầu về trình độ đầu vào (về kiến thức phổ thông và ngoại ngữ) có phổ rất rộng: những học sinh có học bạ trung học thuộc loại giỏi (gần đây nhiều nước yêu cầu xét điểm thi đại học), ngoại ngữ tốt (tiếng Anh 6 hoặc 6.5 IELTS đối với từng ngành) được nhập học ngay (đôi khi phải qua phỏng vấn kiểm định), còn không thì phải học dự bị đại học.

Hợp tác với các tổ chức

Dạng liên kết này nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học Việt Nam từ nguồn tài trợ thông qua các tổ chức quốc tế và đẩy mạnh sự thừa nhận bằng cấp của các trường đại học Việt Nam tham gia chương trình. Có thể lấy ví dụ các chương trình hợp tác AUF và PFIEV.

Với chương trình AUF, sinh viên học chương trình giảng dạy đại học của trường trong 2 năm đầu, cộng thêm chương trình giảng dạy tiếng Pháp (8 giờ/tuần). Từ cuối năm thứ 2, sinh viên bắt đầu học các thuật ngữ chuyên ngành bằng tiếng Pháp. Từ năm thứ 3, một phần chương trình chuyên ngành được giảng dạy bằng tiếng Pháp với sự tham gia của các giảng viên trong trường (phần lớn các giảng viên này đã được tham dự một khóa học đào tạo tại một trong các trường đại học nói tiếng Pháp)… Các giáo sư nước ngoài sẽ tham gia giảng dạy dưới hình thức hội thảo, hội nghị. Cuối khóa học, hội đồng hỗn hợp giữa AUF và trường đại học sẽ chọn lựa các sinh viên có đủ tiêu chuẩn về chuyên môn và tiếng Pháp để có thể bảo vệ luận văn tốt nghiệp bằng tiếng Pháp. Sau khi tốt nghiệp phân khoa Pháp ngữ chuyên ngành, sinh viên sẽ có thể được tiếp tục học sau đại học tại các nước thuộc cộng đồng Pháp ngữ (sự thừa nhận bằng cấp đại học).

Dựa trên mô hình đào tạo chất lượng cao của Pháp, các bên tham gia đưa ra một chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Việc đào tạo kéo dài trong 5 năm. Đây là chương trình quốc gia, được giảng dạy tại 4 trường: IPH (Đại học bách khoa Hà Nội), ESGC (Đại học xây dựng Hà Nội), IP - Đà Nẵng (Đại học kỹ thuật Đà Nẵng), IP HCMV (Đại học bách khoa TP.HCM). Sinh viên chương trình PFIEV sau khi tốt nghiệp được cấp đồng thời 2 bằng: bằng kỹ sư của trường đại học Việt Nam và bằng kỹ sư do trường đối tác Pháp cấp.

Hợp tác với các cụm trường đại học nước ngoài

Đây là một biến tấu hỗn hợp của vài dạng trên, trong đó nổi bật 2 đặc điểm là tính chất cho - nhận ngày càng giảm và xu thế liên kết các trư­ờng đối tác nước ngoài trư­ớc khi đến Việt Nam. Có thể nêu các ví dụ: Trung tâm đại học Pháp Hà Nội và TP.HCM (PUF - HN và PUF - HCM) đã triển khai tại hai trường đại học quốc gia ở bậc cao học và sắp mở tiếp bậc đại học; Trung tâm đại học Houston (liên kết giữa 4 trư­ờng thuộc hệ thống các trư­ờng đại học ở Houston bang Texas Hoa Kỳ với Đại học quốc gia TP.HCM, dự kiến sẽ triển khai trong năm 2008); Trung tâm đại học Tsukuba tại TP.HCM (liên kết cụm các trư­ờng đại học ở Tsukuba - Nhật Bản với các trư­ờng đại học ở TP.HCM trong lĩnh vực sinh học và công nghệ sinh học); Trường đại học Đức - Việt tại Đại học quốc gia TP.HCM theo dự kiến sẽ là một trư­ờng đạt chất lư­ợng và đẳng cấp quốc tế, nằm trong chư­ơng trình hợp tác giữa Việt Nam và Đức, dự kiến sẽ triển khai hoạt động trong năm 2008. O

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhận dạng một số chương trình liên kết đào tạo quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO