Nhận biết trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý

NGUYỄN CẨM| 03/10/2019 09:00

KHPTO - Hội thảo với chủ đề “Chăm sóc trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý” do Hội bác sĩ gia đình TP.HCM tổ chức tại hội trường quận ủy quận 10 ngày 14/9/2019 thu hút sự quan tâm rộng khắp của cộng đồng xã hội…

ThS.BS. Đinh Thạc, trưởng khoa tâm lý Bệnh viện nhi đồng 1, khẳng định: ADHD là hội chứng bệnh lý rất phổ biến và phát triển mạn tính: khởi phát từ thời thơ ấu, sau đó tiếp diễn cho đến tuổi vị thành niên và trưởng thành. Tỷ lệ mắc bệnh ADHD ở bé trai gấp đôi bé gái = 2/1.

Có thể định dạng các thể mắc hội chứng bệnh ADHD theo 3 nhóm:

1. Giảm chú ý: nhóm trẻ dễ dàng bị phân tâm, nhưng không quá hiếu động hoặc bốc đồng.

2. Xung động: trẻ rất hiếu động và bốc đồng, nhưng không có sự giảm chú ý ở mức độ trầm trọng.

3. Phối hợp: tỷ lệ mắc bệnh nhiều nhất, có cả 3 dấu hiệu: tăng động/ xung động/giảm chú ý.

Nguyên nhân:

Những yếu tố góp phần khiến trẻ mắc ADHD là: yếu tố chu sinh: do mẹ nghiện thuốc lá, rượu, tiểu đường; do sinh non, thiếu oxy, nhẹ cân… Yếu tố thực thể: do viêm màng não, chấn thương đầu, có tiền sử bệnh tim, tuyến giáp, đầu nhỏ…Nhiễm độc chì, cocain, tăng bilirubin…Ngoài ra, yếu tố di truyền và môi trường sống có vai trò đáng kể gây hội chứng bệnh ADHD; đặc biệt là yếu tố di truyền, ADHD được cho là có liên quan mạnh mẽ đến di truyền: 60 - 90% từ huyết thống; mẹ - con: 15 - 20%; cha con: 25 - 30%;

cha + mẹ: 55 - 92%...

Điều hết sức nguy hiểm là ADHD rất khó chẩn đoán: không thể có được các chẩn đoán sinh học; không hề có các trắc nghiệm tâm lý giúp chẩn đoán ADHD. Chủ yếu chỉ dựa vào quan sát triệu chứng hành vi (manh động, phá phách, thiếu sự tập trung… và có biểu hiện khác thường không thích hợp với bạn cùng trang lứa)…

Cho đến tận bây giờ, việc chẩn đoán và xác định bệnh chủ yếu từ chi tiết bệnh sử do cha mẹ, hoặc giáo viên, hoặc người cung cấp tin…

Theo BS.CK1. Nguyễn Thị Giang, trưởng khoa tâm lý - tâm thần trẻ em Bệnh viện tâm thần TP.HCM, nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời, trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý có thể có kết quả học tập kém; từ lúc trưởng thành đến khi khởi nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không tìm được việc làm, hiệu suất làm việc kém dẫn đến thu nhập tài chính thấp; cá biệt có một số trường hợp gặp rắc rối với pháp luật, nghiện bia rượu, gây rối trật tự công cộng, thường có sức khỏe thể chất và tinh thần kém cỏi, bề ngoài nhếch nhác…

Do vậy, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, nếu phát hiện (thậm chí nghi ngờ) các biểu hiện của hội chứng bệnh ADHD, hãy kịp thời đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám tư vấn và điều trị kịp thời…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhận biết trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO