Ngồi nhà học lấy bằng thạc sĩ!

26/01/2007 22:55

Vừa pha cà phê sáng, anh Nguyễn Phước Thuật Nhiên vừa tranh thủ liếc xem video bài giảng từ chiếc máy tính xách tay. Hàng ngày, sau khi đi làm về, anh làm bài tập, trao đổi trực tiếp với bạn bè, thầy cô mọi lúc, mọi nơi, có khi đến 1 - 2 giờ sáng lên mạng gửi bài vẫn thấy ở đâu đó có bạn học hoặc thầy cô đang trả bài hoặc làm gì đó cho lớp học. Anh Nhiên là học viên của chương trình đào tạo thạc sĩ công nghệ thông tin qua mạng của Đại học quốc gia TP.HCM.

“Nhà trường” ngay trong máy tính nối mạng

Anh Nhiên nói: “Tất cả những gì cần thiết cho việc dạy và học đều được đưa lên trang web, như thư viện sách, bài luận, bài tập, bài giảng, thông báo... Điều này thực sự khiến tôi cảm thấy rằng như có cả một nhà trường ngay trong chiếc máy tính nối mạng của mình. Hơn thế, tôi có thể vào thư viện, trao đổi ý kiến, nghe đi nghe lại bài giảng vào bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào”.

Bạn học cùng “lớp” với anh Nhiên là anh Phạm Đức Thành cho biết: “Lớp chúng tôi có các bạn ở rất xa nhau, người ở miền Tây Nam bộ, người ở miền Đông Nam bộ đất đỏ, rồi ở miền Trung, miền Bắc. Có bạn tuổi đời còn khá trẻ, chỉ 23, nhưng cũng có anh tuổi đã ngoài 55, bản thân tôi thì được 46 cái xuân rồi, lớn tuổi nhưng vẫn thích học bởi chương trình đào tạo này giúp ta tiết kiệm nhiều thời gian và tiền bạc”.

Theo anh Bùi Thanh Hiếu, học viên khóa 1, hình thức đào tạo này rất phù hợp với đa số những người đã tốt nghiệp đại học hiện đang công tác ở các cơ quan, tổ chức thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, nó tạo điều kiện cho người học có thể đảm bảo được công việc mà vẫn linh động về thời gian học tập, do đó hiệu suất rất cao. Thêm một vấn đề mà anh Hiếu cho là ưu điểm của chương trình là việc trao đổi học tập trên diễn đàn, vì thông tin rất nhanh chóng, hiệu quả, chính xác. Việc trao đổi tài liệu cũng dễ dàng giữa giảng viên và học viên hoặc giữa các học viên với nhau. Theo thống kê, cường độ trao đổi bài học trên mạng của khóa đầu tiên (102 học viên) lên đến con số hàng ngàn, các thông tin này được lưu lại toàn vẹn và phổ biến cho tất cả mọi người trong khóa học cũng như để lại cho các khóa sau, đây là điều một lớp học truyền thống không thể có được.

Anh Nguyễn Đông Tùng, học viên khóa 2 nói: “Điều thú vị nhất sau khi tổng hợp các ý kiến của đại đa số học viên là ai cũng công nhận cái hay của chương trình chính là phương thức đào tạo. Thực ra, theo tôi được biết là ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Singapore… loại hình đào tạo này đã có từ lâu, kể cả đào tạo tiến sĩ”.

Công nghệ đào tạo xóa bỏ khái niệm “đường xa”

Tháng 5/2003, Bộ giáo dục và đào tạo quyết định cho phép triển khai chương trình đào tạo thạc sĩ công nghệ thông tin qua mạng tại Đại học công nghệ thông tin (trước đây là Trung tâm phát triển công nghệ thông tin), Đại học quốc gia TP.HCM, đây là hình thức đào tạo dựa trên công nghệ IP lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam, tiết kiệm được rất nhiều chi phí đào tạo so với thông thường. Học viên chỉ tập trung 1/3 thời gian trên lớp học trực tuyến, thời gian còn lại tự học, tự nghiên cứu trên thư viện điện tử hay các giáo trình điện tử, đồng thời tham gia diễn đàn thảo luận trực tuyến với giảng viên và đội ngũ cán bộ cố vấn học tập trên mạng.

Chương trình gồm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 tập trung vào một số môn học hướng công nghệ, thời gian đào tạo là 1 năm, bao gồm 48 đơn vị học trình ứng với 8 môn học, khi tốt nghiệp được cấp chứng chỉ đào tạo sau đại học (postgraduate diploma); giai đoạn 2 tập trung vào những môn học hướng nghiên cứu, thời gian đào tạo cũng là 1 năm với 51 đơn vị học trình, khi tốt nghiệp cấp bằng thạc sĩ khoa học (master of science). Hiện nay chương trình có 3 cơ sở tại: Đại học công nghệ thông tin (TP.HCM), Trường đào tạo cán bộ công đoàn Hà Nội, Trung tâm công nghệ phần mềm Đà Nẵng. Trong số đội ngũ giảng viên, có 11 giáo sư, tiến sĩ đang giảng dạy tại các đại học nổi tiếng ở nước ngoài: Đại học Minnesota, Đại học Berkeley (Mỹ), Đại học Nottingham (Anh)...

Mỗi môn được học tập trung trong 8 buổi (ngồi ở nhà kết nối trực tuyến), vào các ngày cuối tuần để các học viên đang đi làm có thời gian tham gia đầy đủ. Diễn đàn thảo luận thì diễn ra tất cả các ngày trong tuần, chia theo từng khóa, từng môn học và phân chia theo chủ đề khác nhau. Phương pháp đánh giá môn học được thực hiện rất hiệu quả: tham gia seminar, diễn đàn thảo luận trên mạng 20%; làm khóa luận 20%; thi kết thúc môn học, chuyên đề 60% (thi viết hoặc vấn đáp).

Hiện nay chương trình đã chiêu sinh được 3 khóa, mở ra cơ hội học tập, nghiên cứu cho nhiều đối tượng học viên trên mọi miền đất nước, đặc biệt là những người không có điều kiện học tập trung. Tuy nhiên, hiện nay chất lượng đường truyền vẫn chưa cao nên gây nhiều khó khăn cho học viên, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật phục vụ trực tuyến ở các cơ sở chưa đồng bộ, việc đảm bảo tác quyền trên mạng cần được hoàn thiện... ó

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngồi nhà học lấy bằng thạc sĩ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO