Nghiên cứu trên tạp chí Nature của đội ngũ R&D Việt Nam lọt “top 10” báo cáo có lượt tải nhiều nhất năm 2020

VIỆT THY| 06/04/2021 11:32

KHPTO - Thông tin trên không chỉ là tin vui với đội ngũ nghiên cứu khoa học đằng sau bài báo, mà đó còn là động lực để họ tiếp tục hăng say nghiên cứu và có thêm nhiều đóng góp giá trị hơn nữa cho giới khoa học trong nước và cộng đồng y khoa thế giới.

Đây là bài báo của nhóm tác giả Việt Nam đến từ nhiều bệnh viện lớn và Viện di truyền y học thực hiện tại Việt Nam. Nhóm đã nhận được thư chúc mừng của tổng biên tập tạp chí Scientific Reports về ghi nhận trên.

Ung thư là hiện là chủ đề nghiên cứu nhận được mối quan tâm hàng đầu của giới khoa học trong nước và quốc tế. Trong đó, đóng góp của công bố khoa học này - một hồ sơ toàn diện về các đột biến gen có thể tác động trên bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ đóng vai trò rất quan trọng, góp phần hướng dẫn các liệu pháp điều trị nhắm trúng đích, từ đó cải thiện tỷ lệ sống còn của bệnh nhân.

Một công trình nghiên cứu từ đội ngũ nghiên cứu và phát triển Việt Nam (R&D Việt Nam) có được sự quan tâm của cộng đồng nghiên cứu quốc tế vừa là tín hiệu đáng mừng vì cho thấy được giá trị của nghiên cứu, giúp tăng độ uy tín của y học Việt Nam trên diễn đàn y học thế giới, đồng thời cũng vừa là một vinh dự giúp xác định giá trị của đội ngũ nghiên cứu trong giới chuyên môn.

“Thuyết phục được hàng ngàn người xem và tải bài báo về làm tư liệu thật sự là một thách thức. Chúng tôi không thể ngờ bài báo có thể đón nhận nhiều sự quan tâm đến vậy”, ThS. Trần Vũ Uyên - thành viên nhóm nghiên cứu, chia sẻ.

Được biết, tạp chí Scientific Reports đã xuất bản hơn 1.000 bài báo về ung thư vào năm 2020. Do đó, việc đứng thứ 8 trong “top 100” bài báo được tải xuống nhiều nhất là một dấu ấn khó quên với các nhà khoa học người Việt. Điều này cho thấy giá trị khoa học thực sự của bài nghiên cứu này đối với cộng đồng nghiên cứu ung thư trên toàn thế giới.

TS. Giang Hoa - phó viện trưởng Viện di truyền y học, cũng là đồng tác giả của bài báo quốc tế này chia sẻ: “Để một công bố được xuất hiện trên Nature - Scientific Reports đã là một hành trình: từ lên ý tưởng, thực hiện, phân tích, viết bài, nộp bài, phản hồi chuyên gia phản biện quốc tế… không chỉ riêng về giá trị của nghiên cứu mà còn phải chứng minh tất cả các cơ sở dữ liệu là thuần khoa học. Chúng tôi phải mất hơn 2 năm để hoàn thành dự án này và cảm thấy có chút tự hào vì nghiên cứu của nhóm mình đã thật sự là một công trình có giá trị tham khảo cho cộng đồng khoa học”.

Điều này thật sự ý nghĩa, bởi nhờ vậy mà hướng nghiên cứu về bệnh ung thư có thể được mở rộng hơn nữa, cái đích sau cùng là bệnh nhân ung thư, phần nào giúp cải thiện phác đồ điều trị cho họ trong tương lai. Đây cũng là cơ hội lớn cho thấy tiềm năng rộng mở của việc ứng dụng di truyền học vào lĩnh vực điều trị ung thư tại Việt Nam trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu trên tạp chí Nature của đội ngũ R&D Việt Nam lọt “top 10” báo cáo có lượt tải nhiều nhất năm 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO