Nghiên cứu tiềm năng điện mặt trời của các địa phương

N.H| 18/10/2018 10:49

KHPTO - Nghiên cứu thực hiện đánh giá tiềm năng điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, các tác giả Lưu Ngọc An, Trần Phước Hiền, Trường đại học bách khoa Đà Nẵng đã xác định được các khu vực có thể triển khai thực hiện các dự án điện mặt trời, đáp ứng được theo yêu cầu thực tế của địa phương và quy định của Chính phủ, mang lại hiệu quả về kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, phương pháp nghiên cứu này có thể được áp dụng triển khai ở nhiều địa phương, góp phần phát triển điện mặt trời.

Cung ứng năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội đang và sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề và thách thức, đặc biệt là sự cạn kiệt dần nguồn nhiên liệu hóa thạch nội địa, giá dầu biến động, và các tác động của biến đổi khí hậu đến an ninh, an toàn trong cung ứng năng lượng… Do vậy, từng bước đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, nguồn điện dựa trên các nguồn năng lượng tái tạo mà Việt Nam có tiềm năng, đặc biệt là các nguồn sinh khối, gió, năng lượng mặt trời… được coi là một trong những giải pháp phát triển bền vững.

Xuất phát từ các yêu cầu đó, việc thực hiện đánh giá tiềm năng điện mặt trời có ý nghĩa rất quan trọng, xác định rõ được tiềm năng nguồn năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, góp phần cụ thể hóa việc thực hiện chiến lược phát triển năng lượng tái tạo quốc gia, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần giảm ô nhiễm môi trường khu vực và góp phần đảm bảo mục tiêu và vai trò phát triển kinh tế vùng. 

Một dự án điện mặt trời quy mô công nghiệp với công suất 19,2 MW đấu nối lưới điện quốc gia đầu tiên của Việt Nam đã được động thổ xây dựng ngày 15 tháng 8 năm 2015 tại thôn Đạm Thủy, xã Đức Minh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Dự án điện mặt trời này kết hợp với phát điện diezel tại xã đảo An Bình, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi với công suất 97 kWp. Hiện nay, có khoảng 115 dự án quy mô công suất lớn, nối lưới đã và đang được xúc tiến đầu tư tại một số tỉnh có tiềm năng điện mặt trời lớn như các tỉnh khu vực miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận) và đồng bằng sông Cửu Long, ở các mức độ khác nhau như: xin chủ trương khảo sát địa điểm, xin cấp phép đầu tư, lập dự án đầu tư xây dựng. Tính đến hết tháng 4/2018, Bộ công thương đã phê duyệt hơn 70 dự án với tổng công suất trên 3.000 MW, các dự án dự kiến đưa vào vận hành trước tháng 6/2019. 

Dựa trên các kết quả khảo sát, điều tra, nghiên cứu và tính toán tiềm năng năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Ngãi, nhóm nghiên cứu đưa ra những kết luận, về kết quả phân tích, đánh giá tiềm năng mặt trời xác định: tỉnh Quảng Ngãi có tiềm năng năng lượng mặt trời tương đối tốt. Tiềm năng năng lượng mặt trời kinh tế có tổng công suất dự kiến đến năm 2030 khoảng 396 MWp; diện tích đất phục vụ cho nhu cầu quy hoạch là 460 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Bình Sơn và Đức Phổ. Trong đó: 

- Giai đoạn đến năm 2020: tổ chức khai thác khoảng 149,92 MWp/164ha.

- Giai đoạn đến năm 2030: khoảng 246 MWp/296 ha.

Các dự án điện mặt trời khi đưa vào vận hành và hoạt động ổn định, góp phần đáp ứng một phần nhu cầu phụ tải, đồng thời bổ sung nguồn điện cho tỉnh Quảng Ngãi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu tiềm năng điện mặt trời của các địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO