Nghiên cứu các loài cây ăn thịt ở vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, Tây Ninh

Như Quỳnh| 13/03/2019 09:42

KHPTO - Các nhà khoa học đã thu thập, mô tả, xác định nơi phân bố 6 loài cây ăn thịt. Nghiên cứu này do các tác giả Lương Thị Mỹ Ngọc, Nguyễn Thị Lan Thi, Trường đại học khoa học tự nhiên TP.HCM, Nguyễn Long Điền, Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, tỉnh Tây Ninh thực hiện.

Các loài cây này thuộc 3 họ Nắp ấm (Nepenthaceae), Gọng vó (Droseraceae) và Nhĩ cán (Utriculariaceae); trong đó, có 3 loài thuộc chi Nepenthes là Bình nước kì quan (Nepenthes mirabilis (Lour.) Druce), Bình nước Trung bộ (Nepenthes smilesii Hemsl), Bình nước Thorel (Nepenthes thorelii Lecomte); 2 loài thuộc chi Drosera là Trường lệ Ấn (Drosera indica L.), Bắt ruồi (Drosera burmanii Vahl); 1 loài thuộc chi Utricularia là Nhĩ cán vàng (Utricularia aurea Lour) tại Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát, tỉnh  Tây Ninh.

Các loài thực vật ăn thịt đóng góp không nhỏ trong cuộc sống của con người: sử dụng làm cảnh; điều chế thuốc hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến sốt rét, thiếu máu, viêm kết mạc, sởi; góp phần làm sạch môi trường; mang lại giá trị kinh tế và cải thiện đời sống tinh thần như tạo ra một sân chơi nghệ thuật cây cảnh.

Nhưng hiện tại, các nghiên cứu cụ thể về các loài thực vật ăn thịt này ở Việt Nam nói chung và ở VQG Lò Gò – Xa Mát nói riêng còn chưa nhiều và đặc biệt là các loài thực vật ăn thịt thuộc chi Nepenthes. Do đó, nghiên cứu này cung cấp những dẫn liệu khoa học về sự đa dạng các loài cây ăn thịt ở đây.

 Xét tổng quát 3 loài Nepenthes ở VQG Lò Gò – Xa Mát, tỉnh Tây Ninh có nhiều điểm tương đồng: đều là cây thân thảo lâu năm, sống ở những khu vực trảng ngập nước theo mùa, thân thường nhỏ và dai. Lá đơn, không có lá kèm. Lá kéo dài, lá có một gân chính ở giữa nổi rõ và các gân phụ chạy dọc theo chiều dài của lá. Gân chính kéo dài hết phiến lá tạo thành 1 tua cứng và dai. Cuối tua có mang một bình phình to gọi là ấm, trên miệng ấm có nắp. Ấm là bộ phận nổi bật và là cơ quan bắt côn trùng của những loài này. Cây đơn tính khác gốc, cây đực mang hoa đực và cây cái mang hoa cái. Các hoa đơn mọc trên một cuống nhỏ và tập trung trên một cuống to gọi là đài phát hoa, đài phát hoa nối với thân cây bằng cuống của đài phát hoa thẳng đứng. Hoa đực không có cánh hoa, chỉ mang bốn lá đài, rời. Các chỉ nhị dính với nhau tạo thành trụ nhị mang bao phấn. Quả nhỏ khi chín nứt ra theo nhiều khía để phát tán hạt ra bên ngoài môi trường.

Chúng thường bắt đầu mọc chồi khi mùa mưa đến, sinh trưởng và phát triển cho đến hết mùa mưa, cây bắt đầu khô và chuyển vào trạng thái nghỉ qua mùa khô. Hoa thường nở từ tháng 6 và đến tháng 2 năm sau. Thời gian sinh trưởng và phát hoa của cây sớm hay muộn còn phụ thuộc vào mùa mưa trong năm. Tuy nhiên, giữa các loài Nepenthes này vẫn có những điểm khác biệt về mặt hình thái và có thể nhận diện chúng.

Nghiên cứu đã ghi nhận và mô tả đặc điểm hình thái của 6 loài thực vật ăn thịt tại VQG Lò Gò – Xa Mát, tỉnh Tây Ninh, cụ thể: 3 loài thuộc chi Nepenthes: N. mirabilis, N. smilesii, N. thorelii; 2 loài thuộc chi Drosera: D. indica, D. burmanni; 1 loài thuộc chi Utricularia: U. aurea. Trong đó, 3 loài Nepenthes này khác biệt nhau cơ bản về đặc điểm hình thái của lá và ấm. Bổ sung vào danh mục thực vật của VQG các loài N. smilesii, N. thorelii và thay đổi hình ảnh đúng để nhận biết loài N. mirabilis. 2 loài Drosera có sự khác biệt nhau về hình thái cơ thể đặc biệt là hình dạng và cách xếp lá. Có thể bắt gặp hai loài Drosera hầu hết các tháng trong năm nhưng loài D. burmanni sinh trưởng và phát triển mạnh vào mùa khô, loài D. indica sinh trưởng và phát triển mạnh vào mùa mưa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu các loài cây ăn thịt ở vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, Tây Ninh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO