Nghề làm lồng đèn truyền thống mùa trung thu

PHƯƠNG NGHI| 09/10/2017 09:41

Những ngày tháng tám âm lịch năm nay, dạo quanh các tuyến đường trong nội ô TP. Cần Thơ, TP. Sóc Trăng, Hậu Giang... dễ dàng trông thấy những gian hàng bày bán lồng đèn thủ công truyền thống với đủ kích cỡ, hình dáng đẹp mắt. Thị trường đang có xu hướng tôn vinh giá  trị văn hóa của chiếc lồng đèn truyền thống trong ngày hội trăng rằm...

Chúng tôi tìm đến gia đình chị Trần Hồng Loan ở khu phố 5, phường 2 (TP. Sóc Trăng - Sóc Trăng), gia đình gắn bó hơn 20 năm nghề sản xuất lồng đèn truyền thống bộc bạch: “Lúc 10 tuổi, tôi được ba mẹ dạy làm lồng đèn và đến nay thì gia đình đã có tới 3 đời gắn bó với cái nghề thủ công truyền thống này”. Vừa nói, chị vừa thoăn thoắt cưa và chuốt những thanh tre thành từng que nhỏ trông thật điêu luyện. Để cho ra đời một chiếc lồng đèn, theo chị Loan, phải trải qua ít nhất 10 công đoạn và người thợ phải hết sức tỉ mỉ, khéo tay. Đôi khi còn bỏ cả tâm tư, tình cảm của mình vào để tạo nên một tác phẩm đầy chất nghệ thuật. Công đoạn uốn nan là kỳ công và khó nhất, bởi đòi hỏi người thợ phải uốn thật đều tay cho chiếc nan tre được dẻo đều, từ đó mới cho ra nhiều kiểu mẫu đẹp, mới lạ. “Tiếp đến là công đoạn dán giấy màu và tô vẽ, mỗi kiểu lồng đèn phải chọn màu sắc khác nhau, vẽ lên đó những họa tiết sao cho hài hòa, có ý nghĩa nhằm thu hút trẻ em. Lồng đèn cá chép thì được tô điểm bằng nhiều họa tiết nhỏ để tạo vảy cá, vẽ thêm hàng ria mép để tăng tính tượng hình, độc đáo cho tác phẩm. Còn đèn ông sao thì cắt dán, vẽ lên đó những họa tiết hoạt hình, cây, cỏ...” - chị Loan chia sẻ.

Sản phẩm lồng đèn truyền thống đang “lên ngôi” không những tiếp tục khẳng định vị thế hàng Việt trên thương trường, mà còn góp phần “giải quyết việc làm, tăng thu nhập” cho lượng lớn lao động nhàn rỗi ở nông thôn thông qua việc gia công cho các cơ sở tại địa phương. Trung bình hàng năm, cơ sở của ông Phạm Hữu Minh, chủ cơ sở gia công lồng đèn truyền thống ở ấp 4, xã Vĩnh Thuận Đông (huyện Long Mỹ - Hậu Giang), gia đình tự làm và thu gom từ những hộ dân gia công khoảng 100.000 cái lồng đèn các loại/năm, chia sẻ: “Nếu so với các nghề thủ công mỹ nghệ khác thì nghề gia công sản phẩm lồng đèn không phải tốn tiền đầu tư, mà chỉ cần sự kiên trì, khéo tay cùng với đôi mắt mỹ thuật mới có thể tạo ra những chiếc lồng đèn đẹp mắt. Song, bù lại khoản thu nhập hoàn toàn xứng đáng với công sức mà mình bỏ ra. Mỗi năm cơ sở tôi đã giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động làm gia công lồng đèn để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, khoảng 60.000 - 70.000 đồng/ngày”.

Ngoài việc chế tác, dán giấy, vẽ hình, người làm lồng đèn còn khéo léo lắp đặt hệ thống đèn ngũ sắc để làm cho sản phẩm trở nên lung linh, ấn tượng hơn. Phải nói đây là sự kết hợp thật hài hòa đan xen chất hiện đại nhưng vẫn giữ được nét đẹp vốn có của chiếc lồng đèn Việt truyền thống. “So với mọi năm thì năm nay lồng đèn thủ công truyền thống bán chạy hơn. Nhiều phụ huynh đã có ý thức khi tìm mua những chiếc lồng đèn truyền thống cho con em của mình, điều này khiến tôi cảm thấy rất vui và thầm hy vọng nghề làm lồng đèn sẽ tồn tại lâu bền” - ông Minh phấn khởi nói.

Tết trung thu không thể vắng bóng những chiếc lồng đèn ông sao, cá chép, con gà, con bướm thủ công truyền thống… biểu tượng tạo nên những giá trị văn hóa không thể phai mờ. Những năm gần đây, nhiều người bắt đầu quay lại chiếc lồng đèn truyền thống và dần quên đi những chiếc lồng đèn điện tử ngoại lai. Nếu như người lớn ý thức được việc định hướng trẻ con biết nhìn về những giá trị văn hóa truyền thống thì sẽ góp phần rất lớn trong giữ gìn và phát triển văn hóa Việt. Không chỉ vậy, còn tiếp thêm sức mạnh vực dậy nghề làm lồng đèn thủ công, để không khí tết trung thu vẫn mãi rộn ràng, đáng mong đợi trong mỗi trái tim người Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghề làm lồng đèn truyền thống mùa trung thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO