Ngăn chặn bạo lực học đường

N.Hoa| 29/07/2017 09:55

KHPTO - Biện pháp phòng chống bạo lực học đường trong trường trung học phổ thông là đề tài nghiên cứu của tác giả Trương Xuân Cừ, Ban chỉ đạo Tây Bắc. Từ kết quả khảo sát này đã mở ra hướng triển khai trong thực tiễn, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi và khắc phục vấn nạn bạo lực hiện nay trong các trường THPT.

Bạo lực là hành vi sử dụng sức mạnh thể chất với mục đích cố ý, gây tổn thương về thể chất và/ hoặc tinh thần cho nạn nhân. Bạo lực học đường (BLHĐ) bao gồm bạo lực giữa các học sinh trong và ngoài phạm vi trường học cũng như những vụ tấn công bởi học sinh, phụ huynh và các đối tượng khác nhằm vào giáo viên của trường hoặc ngược lại. BLHĐ được coi là một vấn đề nghiêm trọng trong những thập kỉ gần đây ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

 Nghiên cứu này dựa trên cơ sở khảo sát, phân tích các nguyên nhân dẫn đến hành vi BLHĐ của học sinh THPT; những biện pháp nhà trường đã triển khai và hiệu quả của chúng, từ đó đề xuất các biện pháp hiệu quả hơn nhằm phòng chống BLHĐ cho học sinh. Mẫu khảo sát là 217 cán bộ quản lí và giáo viên; 560 học sinh của 7 trường THPT thuộc 3 tỉnh, thành phố: Hải Dương, Hà Nội và Sơn La.

Theo đánh giá của học sinh THPT, hành vi BLHĐ ở học sinh diễn ra khá đa dạng, với các mức độ khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất là các hành vi mắng chửi nhau hoặc gây sức ép lên bạn bè bằng các cách. Hành vi điển hình của BLHĐ trong học sinh là đánh nhau, dùng vũ lực để đánh bạn được đánh giá ở mức không phổ biến, chủ yếu ở mức “đôi khi”.

Từ các kết quả đánh giá của cán bộ quản lý (CBQL) và giáo viên (GV) trường THPT về các tác nhân dẫn đến BLHĐ ở học sinh THPT có thể rút ra các nhận định, các yếu tố bạn bè được đánh giá là tác động mạnh nhất. Điều này rất phù hợp với kết quả khảo sát của Nguyễn Đắc Thanh. Theo phân tích của Mạc Văn Trang yếu tố bạn bè chi phối rất mạnh đến các hành vi bạo hành của học sinh.Theo Dương Diệu Hoa, ở tuổi THPT (tuổi thanh niên mới lớn), trẻ em lấy giá trị bạn bè làm giá trị sống cốt lõi. Các em có thể “làm mọi việc” vì bạn, do bạn và theo bạn. Do vậy, sự cố kết nhóm và tác động của nhóm đến hành vi của thành viên trong nhóm là hiện tượng phổ biến. Kết quả phỏng vấn sâu cho thấy, hầu hết các hành vi bạo hành của học sinh THPT đều liên quan tới quan hệ giữa các nhóm bạn, hoặc giữa các cá nhân với nhau (quan hệ bạn bè, yêu đương).

Yếu tố tác động mạnh thứ hai, sau bạn bè là từ các yếu tố văn hóa không lành mạnh trong xã hội. Trong đó ảnh hưởng của các trò chơi điện tử có tính bạo lực tràn lan không kiểm soát được (hơn 70% ý kiến đánh giá đây là yếu tố rất mạnh). Ngay từ những năm 80 của thế kỉ trước A. Bandura đã chỉ ra học tập xã hội (Social learning) theo cơ chế nhận thức và bắt chước là con đường chủ yếu dẫn đến hành vi của cá nhân. Điều này lí giải, các hiện tượng tiêu cực, bạo lực tràn lan trên phim, ảnh và các trò chơi điện tử là tác nhân mạnh mẽ và khách quan dẫn đến BLHĐ ở học sinh THPT.

Yếu tố thứ ba dẫn đến BLHĐ thuộc về các đặc điểm tâm lí cá nhân học sinh (gần 90% CBQL và GV đánh giá ở mức tác động rất mạnh và mạnh). Đây cũng là điều liên quan trực tiếp tới đặc điểm tâm lí tuổi vị thành niên. Theo đánh giá của CBQL và GV trường THPT cũng như qua phỏng vấn chính các em học sinh, đa số cho rằng nguyên nhân dẫn đến BLHĐ từ phía học sinh là do các em hiếu động, thiếu lập trường dễ bị kích động hoặc do thách thức, đùa, trêu chọc quá trớn. Ngoài ra, cũng phải kể đến các nguyên nhân tâm lí thay đổi, không làm chủ được cảm xúc và hành vi hay do ăn chơi, đua đòi, muốn thể hiện bản thân. Tuy nhiên, các yếu tố này không phổ biến bằng các yếu tố trên.

Điều đáng quan tâm là mặc dù gia đình, cha mẹ học sinh hay nhà trường là các tổ chức, các lực lượng có chức năng giáo dục trẻ em, học sinh; trợ giúp các em khắc phục những hạn chế, tiêu cực phát sinh từ quan hệ bạn bè, từ các hiện tượng tiêu cực ngoài xã hội, nhưng trong nhiều trường hợp, chính gia đình, nhà trường cũng là tác nhân dẫn đến BLHĐ ở học sinh, tuy mức độ tác động không lớn như các yếu tố nêu trên. Trong đó các yếu tố gia đình như cha mẹ nêu gương xấu cho con, thường xuyên cãi lộn, đánh nhau trước mặt con; thiếu quan tâm chăm sóc con, không để ý đến các mối quan hệ bạn bè của con; cha hoặc mẹ mắc các tệ nạn xã hội, làm ăn phi pháp; cha mẹ li hôn, thiếu tình cảm yêu thương của cha, mẹ. Những yếu tố thuộc về nhà trường như chưa chú trọng trang bị kĩ năng sống, kĩ năng giải quyết các tình huống cho học sinh; quản lí học sinh lỏng lẻo, thiếu sự phối hợp với các lực lượng giáo dục trong xã hội trên địa bàn; xúc phạm, dọa nạt học sinh, ép buộc học sinh. . . Đây là những yếu tố rất cần được khắc phục để đảm bảo gia đình và nhà trường thực sự là các tổ chức và lực lượng hậu thuẫn vững chắc trong việc trợ giúp học sinh giảm thiểu BLHĐ.

Biện pháp phòng chống bạo lực học đường

Trên cơ sở kết quả khảo sát đánh giá của CBQL và GV về mức độ các biện pháp phòng chống BLHĐ đã được các trường THPT triển khai và hiệu quả của các biện pháp đó, nhóm nghiên cứu bổ sung thêm biện pháp mới, đồng thời đề nghị CBQL và GV đánh giá mức độ cần thiết và tính khả thi của các biện pháp được điều chỉnh và bổ sung.

BLHD

Do nhiều tác nhân khác nhau, dẫn đến BLHĐ đang ngày càng phức tạp, nghiêm trọng và trở thành nỗi ám ảnh của nhiều bậc phụ huynh và xã hội. Ở lứa tuổi học sinh THPT, bạo lực học đường diễn ra ở nhiều mức độ, với nhiều biểu hiện. Trong đó phổ biến là mắng chửi nhau giữa học sinh; gây sức ép với bạn bè bằng nhiều cách; dọa nạt nhau, thậm chí đánh nhau.

Bạo lực học đường có thể diễn ra trong và cả ngoài khuôn viên nhà trường. Các kết quả khảo sát thực thực tiễn tại 7 trường THPT thuộc 3 địa phương Hà Nội, Sơn La, Hải Dương cho thấy, quan hệ bạn bè là tác động mạnh nhất; tiếp đến là sự tác động của các yếu tố văn hóa không lành mạnh trong xã hội. Trong đó ảnh hưởng của các trò chơi điện tử có tính bạo lực tràn lan không kiểm soát được; Các yếu tố về các đặc điểm tâm lí cá nhân học sinh cũng là một tác nhân mạnh. Các kết quả khảo sát thực tế cũng cho thấy, nhà trường THPT đã sử dụng khá nhiều biện pháp phòng, chống bạo lực học đường. Trong đó, các biện pháp tuyên truyền và giáo dục pháp luật cho học sinh, nâng cao hiệu quả khen thưởng và kỉ luật trong trường học, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các lực lượng trong và ngoài nhà trường là những biện pháp được triển khai tương đối thường xuyên và đã có hiệu quả đối cao. Đây cũng chính là các biện pháp được cán bộ quản lí và giáo viên các trường THPT đánh giá cao về tính cần thiết và khả thi thi. Vì vậy, các trường có thể quan tâm, triển khai trong thực tiễn, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi và khắc phục vấn nạn bạo lực hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn bạo lực học đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO