Nên thành lập các đại học sư phạm trước

01/06/2005 03:02

Tôi rất mừng khi báo KHPT đưa ra diễn đàn “Có nên mở các trường Đại học Quốc gia ở địa phương”, nhưng rất e dè... khi TS. Phan Hiếu Hiền gắn khoán 10 trong nông nghiệp với Đại học Việt Nam: lúa cấy 90 ngày có thể gặt được, người học bao nhiêu năm mới thành người!

Những năm đầu giải phóng tôi cũng có hoài bão như TS. Hiền, thậm chí đã nhẩm tính chỉ cần 15-17 năm, chúng ta có đội ngũ kỹ sư, cử nhân thế hệ mới vừa hồng vừa chuyên, đầy kiến thức và tâm huyết, nhờ đó chỉ 30 năm, chúng ta có lớp lớp tiến sĩ, thạc sĩ đầy tài năng thời bình.

Nay thì ai cũng rõ. Phụ huynh học sinh đứng trước vấn nạn lớn: con đi học rất khổ và chất lượng sinh viên ra trường đạt thấp. Số vượt trội tính phần trăm tỉ lệ ở một chỉ số.

Bốn vấn đề TS. Phan Hiếu Hiền đặt ra rất khó.

Khi chúng tôi nói chưa khả thi thì ba điều còn lại không thể bàn. Chúng tôi nói khả thi thì lương tâm không ổn.Rất cảm ơn TS. Hiền có lòng lo cho người nghèo không có tiền cho con đi học xa, nhưng làm như TS. Hiền đề nghị, trước hết Bộ Giáo dục - Đào tạo còn phải làm thêm nhiều việc tốt, đúng mới được, nhất là chương trình, phương pháp đào tạo từ cấp một tới sau đại học. Tôi không quá bi quan nhưng những việc tuyển sinh nhưở Đại học Đông Đô Hà Nội, như khủng hoảng lãnh đạo ở Đại học Hùng Vương ở TP.HCM, hay những việc đào tạo cử nhân tại chỗ dở dang ở các tỉnh ven biển Nam Trung bộ mấy năm trước, trong đó có các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Nha Trang… và nạn bằng thật - học giả mà đến nay Bộ chưa giải quyết được, thì vấn đề mỗi tỉnh có một trường đại học, nếu là hiện thực, sẽ quản lý ra sao?

Trước năm 1975, miền Nam có nhiều địa phương đã mở được đại học thậm chí, có trường đại học do các tôn giáo lập ra… Nay rất mừng đã có thêm nhiều trường ở nhiều địa phương... Cũng vẫn nhiều giáo sư thỉnh giảng danh tiếng, uy tín, chỉ cần xướng danh là đầy sự ngưỡng mộ,nhưng ai cũng than: nhìn chung chất lượng giáo dục chưa đạt.

Tôi cho rằng, trong khi chờ đợi Bộ Giáo dục & Đào tạo làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, từ nay tới năm 2010, nên thành lập các trường đại học sư phạm (phát triển từ các trường cao đẳng sư phạm đang có tại mỗi tỉnh hiện nay) cho cụm tỉnh. “Bộ máy cái” này sẽ cho ra các cử nhân và tài năng sau đại học, để có tiền đề lập đại học đa ngành như TS. Hiền đề nghị. Hai ba tỉnh lập một đại học sư phạm, tạm gọi là đại học sư phạm cụm tỉnh. Dạy sinh viên cho tốt, sinh viên ra trường có chất lượng, được hưởng đồng lương sống được, để họ không chân ngoài chân trong, toàn tâm toàn ý nghiên cứu, giảng dạy đúng thiên chức của họ.

Chính quyền các cấp ở những tỉnh có đại học, cũng nên chuẩn bị sao cho có đủ năng lực lãnh đạo, chỉ đạo trường đại học cấp tỉnh của mình, ít nhất về mặt đường lối, chủ trương.

Các vấn đề TS. Hiền đặt ra, nên thực hiện nghiêm túc mới được, nhất là vấn đề con người và đất đai. Về con người, giáo dục ở cấp 1, 2, 3 nếu cứ cho ra những học sinh học theo kiểu đọc - chép - học thuộc lòng suốt 12 năm như lâu nay, thì chưa được, vì mảng kiến thức xã hội đời sống bị hụt hẫng, làm sao đầu vào đại học tốt cho được. Về đất đai, trong điều kiện “tấc đất nhiều tấc vàng” như hiện nay, liệu lãnh đạo tỉnh có phóng khoáng đầu tư nhiều chục nhiều trăm hecta đất không? Ngoại thành và các quận ven TP.HCM có thời cũng lâm cảnh thiếu đất cất trường là một thực tế.

Dù sao, qua bài viết “Có nên mở trường Đại học Quốc gia ở các địa phương” cho thấy tác giả rất thiện tâm tới nền giáo dục nước nhà (giáo dục là chìa khóa của sự phát triển) và TS. Hiền vẫn “lòng trong mắt sáng” tràn đầy lý tưởng và chứa chan hy vọng. Còn những tấm lòng như thế, lo gì nền giáo dục không có cơ hội thăng hoa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nên thành lập các đại học sư phạm trước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO