Năm bảo vật quốc gia được gìn giữ ở Huế

Bài và ảnh: VŨ HÀO| 19/05/2020 07:03

KHPTO - Đến Huế, du khách đặt chân tới những danh thắng như núi Linh Thái, chùa Thiên Mụ, Thế Miếu, Thành Nội…đều không thể bỏ qua những bảo vật quốc gia độc nhất vô nhị sau đây:

- Tấm bia “Ngự kiến Thiên Mụ Tự” được chúa Nguyễn Phúc Chu dựng vào năm 1715 trong chùa Thiên Mụ (Huế). Đây là một kiệt tác điêu khắc đá vào đầu thế kỷ 18. Tấm bia này có giá trị về chính trị tư tưởng, lịch sử và văn hóa thời chúa Nguyễn vào Nam và giai đoạn lịch sử ban đầu phát triển ở Đàng Trong. Nội dung văn bia và hình thức trang trí trên bia là bản gốc, chưa bao giờ được sửa chữa, sao chép. Bia “Ngự kiến Thiên Mụ Tự” là một tác phẩm điêu khắc đá có hình thức trang trí, kỹ thuật chạm khắc kế thừa từ nền mỹ thuật thời Lê - Trịnh. Đồng thời nó cũng có những nét độc đáo của phong cách bia đá thời Chúa Nguyễn (1558 - 1777).

- Đền tháp “Linh Thái” trước đây ở xã Vinh Hiền, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế. Di tích này nằm ở trên núi Linh Thái cao hơn 100 m. Tháp này do người Chăm Pa xây dựng vào thế kỷ 11 - 12. Tháp đã được De Lason Quiere (người Pháp) khảo sát và sau đó được Cadière viết bài báo giới thiệu năm 1905 trên tập san BAVH. Tháp Chăm Linh Thái là một vật bằng đá hình búp hoa sen chóp nhọn 8 cạnh. Đặt trên một cái bệ hình vuông được trang trí hình cánh hoa. Trên mặt bệ đá đục hình vuông sâu xuống. Hai bên là hai trụ đá hình khối, trên mặt một trụ khắc 28 hàng văn tự (chữ Sankrít). Tài liệu nghiên cứu sớm nhất về đền tháp Chăm Pa Linh Thái là “Ô Châu cận lục” của tác giả Dương Văn An năm 1555. Đến đời vua Minh Mạng (năm 1836) đổi tên núi thành Linh Thái và tên này được dùng cho đến nay.

- Cửu Đỉnh làm bằng đồng đều được đúc ở Huế vào cuối năm 1835, hoàn thành vào đầu năm 1837. Mỗi đỉnh có khắc một tên riêng được lấy từ miếu hiệu (tên để thờ cúng) của một vị vua nhà Nguyễn. Sau khi đúc xong, 9 chiếc đỉnh này được đặt trước Thế Tổ Miếu, phía sau Hiển Lâm Các trong Hoàng Thành (Đại Nội - Huế). Các đỉnh được xếp một hàng ngang, đối diện với 9 gian, tương ứng với 9 vua được thờ trong đó. Chiếc đỉnh lớn nhất tên là Cao Đỉnh, ứng với vua Gia Long sáng lập triều Nguyễn. Nó đặt chính giữa và nhích về phía trước so với 8 chiếc còn lại. Kích thước và trọng lượng các đỉnh cũng không giống nhau. Chung quanh mỗi đỉnh đều chạm trổ 17 cảnh vật. Đó là các hình ảnh núi, sông, trăng, sao, cây cối, hoa, súc vật, vũ khí, xe, thuyền (sông Hồng trên Tuyên Đỉnh, sông Cửu Long trên Huyền Đỉnh, sông Hương trên Nhân Đỉnh)...

- Đại Hồng Chung chùa Thiên Mụ được chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725) cho đúc vào năm 1710 để cúng dường. Chuông nặng 3.285 cân (hơn 2.000 kg), cao 2,5 m. Những hoa văn trên thân chuông được chạm trổ tinh vi, sắc nét và các hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng của Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo. Chuông chùa Thiên Mụ là công trình tiêu biểu về sự phát triển của Phật giáo Đàng Trong cuối thế kỷ 17 - 18. Hiện nay, chuông nằm trong ngôi nhà lục giác cạnh tháp Phước Duyên. Được treo trên giá đỡ bằng gỗ, nhưng chỉ để thờ mà không đánh.

- Cửu Vị Thần Công là tên gọi chung 9 khẩu đại pháo được đúc năm 1803 dưới triều Gia Long (1802 - 1820). Chúng đều có kích thước tương tự nhau, mỗi khẩu dài khoảng 5,15 m, nặng trên 10 tấn. Trên mỗi khẩu thần công đều được khắc tên ở đuôi theo thứ tự từ 1 đến 9, tương ứng với Tứ thời và Ngũ hành. Bốn khẩu bên trái (sau cửa Thể Nhơn) có thứ tự từ 1 đến 4 tên gọi theo Tứ thời là Xuân, Hạ, Thu, Đông. Năm khẩu bên phải (sau cửa Quảng Đức) có thứ tự từ 5 đến 9 được đặt tên theo Ngũ hành là Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy. Trên thân súng có chữ với nội dung mô tả về cách sử dụng thuốc súng, phương pháp bắn và tên của những người tham gia đúc súng. Vào năm 1816, hoàng đế Gia Long sắc phong cho cả 9 khẩu đại pháo này danh hiệu "Thần Uy Vô Địch Thượng Tướng Quân". Danh hiệu này đều được chạm nổi thêm trên phần đai cuối thân súng. Từ đầu triều Nguyễn, các khẩu thần công này được đặt ở hai bên phía trước Ngọ Môn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm bảo vật quốc gia được gìn giữ ở Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO