Mùa măng cụt

MINH TUẤN| 05/06/2009 09:48

Theo cách gọi truyền tụng từ cung đình xưa, trái măng cụt (Garcinia mangostana) có tên là giáng châu. Măng cụt là một loại trái cây được người tiêu dùng nội địa ưa thích và có tiềm năng xuất khẩu. Mùa thu hoạch măng cụt Việt Nam từ giữa tháng 4 đến tháng 6. Một số thông tin sau giúp bạn đọc lựa mua được trái ngon và có thêm phần thú vị khi thưởng thức loại trái cây “hoàng hậu” này.

Theo các khoa học gia chuyên ngành, do đặc tính sinh học, không chỉ ở Việt Nam mà xét trên toàn thế giới, măng cụt chỉ duy nhất có một giống. Trái măng cụt nào đầu nhụy có 5 cánh thì trong ruột trái có 5 múi, 6 cánh có 6 múi (xem hình), họa chăng mới có trái 7 - 8 múi. Vỏ trái măng cụt màu nâu tím đến đen; càng chín càng đen, vỏ đen hết cỡ vài ngày là ruột trái “hết đát”. Các nhà hóa học thực phẩm cho biết thịt trái có chứa ít nhất 3 loại đường - sucrose, fructose, glucose - và 50 hóa chất hữu cơ khác. Hương của măng cụt là sự tổng hợp của hương trái cây, hoa và... cỏ. Bên cạnh hexyl acetat và hexenyl acetat là hương đặc biệt của măng cụt còn có mùi tổng hợp từ các chất hexenal, hexanol, a-bisabolen, cộng thêm mùi xoài với chất a-copaen, mùi hoa lài với furfuryl methylceton, mùi huệ dạ hương (phenyl acetaldehyd), mùi cỏ tươi (hexenol, hexanal), mùi cỏ héo (pyridin), mùi lá ướt (xylen), mùi hoa khô (benzaldehyd), mùi hồ đào (d-cadinen). Vị của măng cụt là ngọt và chua dịu.

Khi vỏ trái măng cụt có màu cẩm thạch và vài chấm màu tím là đã có thể thu hái, chậm nhất là khi nửa diện tích vỏ trái có màu tím hoa cà. Nếu vỏ trái măng cụt đã lên màu đen mới hái xuống thì ruột trái đã mềm, thịt trái hết giòn và hương vị còn lại chỉ còn giống với trái vải mà thôi.

Mùa thu hoạch măng cụt Việt Nam là từ giữa tháng 4 đến tháng 6, ở miền Tây sớm hơn miền Đông. Mỗi vườn măng cụt cho thu trái khoảng 4 - 5 bận mỗi vụ, mỗi bận hái cách nhau 3 - 5 ngày, măng cụt được thu hái bằng lồng trúc hoặc sào có gắn túi lưới. Măng cụt Việt Nam tiêu thụ 5 - 7 ngày sau đó là tốt nhất. Nếu đóng trong cần xé 50 - 60 kg, măng cụt có thể bị giập vỏ, mủ trái tràn ra sẽ làm thịt trái thâm tím và giảm phẩm chất. Trường hợp thịt trái măng cụt bị mủ trong, mủ vàng và chai cứng là có liên quan đến chế độ dinh dưỡng trong chăm sóc và do bệnh của cây. Ở Việt Nam điều này còn liên quan đến mùa vụ thu hoạch; từ cuối tháng 5 trở đi, mưa nhiều làm cây măng cụt dễ bị bệnh. Những trái măng cụt “có vấn đề” thường có màu vỏ không thuần nhất, biểu hiện rõ nhất là vỏ trái có những quầng vàng nâu và xì mủ nhẹ.

Trên thị trường từ tháng 3 đến tháng 9 luôn có sự tham gia của măng cụt Thái Lan. Hình thức trái măng cụt Thái kém so với măng cụt Việt Nam, vỏ trái thường xì mủ vàng (vết mủ khá to), màu vỏ xỉn hay giảm độ bóng do thời gian vận chuyển dài hơn.

MINH TUẤN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùa măng cụt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO