Mùa cảm cúm Đề phòng viêm nhiễm xoang mũi

P.Q.V.| 12/01/2007 23:40

Các xoang mũi nằm trong đầu gồm bốn bộ túi khí có thể có vai trò nhất định trong hoạt động hô hấp - nhưng chúng cũng gây nhiều phiền phức khi bị viêm nhiễm. Bạn có thể làm gì để phòng chống viêm xoang trong “mùa cảm cúm” này?

Viêm xoang (VX) thường là biến chứng của các bệnh nhiễm virus cấp đường hô hấp trên. Có thể nghĩ đến viêm nhiễm xoang khi một bệnh cảm lạnh đang trên đà thoái lui bỗng trở nên xấu đi. Bạn có thể bị đau nhức ở mặt, phía dưới mắt (VX hàm) hay trên mắt - nhức một bên nếu chỉ có một xoang bị viêm, có khi nhức sau ót như trong VX bướm (ít gặp) - thường xuất hiện khi nhấn hay khi bạn nghiêng đầu về phía trước, nặng hơn vào buổi sáng. Bạn có thể bị sốt, nghẹt mũi, sổ mũi trở lại, và xuất tiết dịch đặc màu vàng hay màu xanh. Bạn còn có thể bị ho, nhất là về đêm, bị đau răng (hàm trên), đau tai, đau họng, nhức đầu, hôi miệng, khò khè, mệt và khó tập trung suy nghĩ.

Nhưng VX không chỉ là biến chứng của cảm cúm mà còn do dị ứng (viêm mũi - xoang dị ứng), do nhổ răng hay sâu răng, do hút thuốc lá (hay hít phải khói thuốc, khói xe), đi máy bay, bơi lặn, mang thai, mắc bệnh AIDS, tiểu đường, polyp mũi, do hỉ mũi không đúng cách - hoặc do hít ngược nước mũi vào trong thay vì hỉ ra ngoài.

Bạn có thể nhận diện các dấu hiệu của VX, nhưng tốt nhất là nên đi đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Có nghĩa là, với VX, bạn không nên tự ý dùng thuốc. Ngay với thuốc giảm đau - hạ sốt thông thường (như paracetamol, aspirin, ibuprofen và naproxen) cũng cần cân nhắc sử dụng vì chúng có thể che khuất các triệu chứng (gây khó khăn cho việc chẩn đoán) cũng như gây tác dụng phụ mà không có tác dụng gì lên tác nhân nhiễm trùng. Nếu là nhiễm khuẩn, thầy thuốc sẽ kê đơn với thuốc kháng sinh thích hợp (10 - 15 ngày) để chặn đứng bệnh nhiễm, không cho chuyển sang VX mạn khó chữa và ngăn ngừa các biến chứng.

Nhưng bạn có thể tự làm được nhiều việc để giúp làm sạch xoang. Đầu tiên là tìm cách duy trì cơ chế làm sạch tự nhiên của các xoang bằng việc làm ẩm đường hô hấp: hàng ngày bạn cần uống thật nhiều nước, và bạn có thể hít hơi nước nóng, ăn cháo (hay mì, phở…) nóng với tiêu, ớt, nhấp nước (kể cả trà, cà phê) nóng, dùng máy xông, máy làm ẩm, hay trực tiếp làm ướt đường hô hấp bằng cách nhỏ (hay phun) nước muối (dung dịch sinh lý natri chlorur, Ocean, Nasal, Ayr...).

Bạn hãy nghỉ ngơi và cố gắng ngủ đủ giấc, nhưng đừng ngủ quá nhiều (vì mũi dễ bị sung huyết khi nằm), và nên nằm nghiêng về phía bên mũi nào ít bị nghẹt (giúp giải tỏa bên nghẹt nặng).

Bạn cần cẩn trọng trong việc dùng thuốc. Là thuốc đặc trị viêm mũi dị ứng nhưng cũng bị lạm dụng rất nhiều trong điều trị cảm lạnh, các thuốc kháng histamin (như chlorpheniramin) làm khô niêm mạc (và bớt chảy mũi) nhưng cũng làm bít lỗ thông mũi - xoang cũng như gây buồn ngủ, ngầy ngật. Về thuốc chống nghẹt, bạn sẽ tránh dùng các thuốc có chứa PPA (phenylpropanolamin) - do tiềm năng gây tác dụng phụ nghiêm trọng - mà nên chọn pseudoephedrin (không kèm theo chất kháng histamin). Bên cạnh vai trò chống sung huyết và ngăn ngừa VX, các chất co mạch như pseudoephedrin có thể khiến bạn khó ngủ, vì vậy cần uống thuốc vào giờ thích hợp. Các chất co mạch dùng nhỏ mũi (như phenylephrin) cũng giúp chống nghẹt nhưng tác dụng yếu hơn thuốc uống và dễ gây viêm mũi do thuốc.

Để phòng ngừa VX, bạn cũng cần biết cách hỉ mũi: bịt một bên mũi - không được bịt hờ cả hai bên - và hỉ ra bằng lỗ mũi bên kia. Và cũng đừng quên mang theo khăn tay (vải hay giấy) để không “làm biếng” hỉ mũi. ó

BẠN CÓ BIẾT?

• Các loại xoang mũi:

- xoang hàm (maxillary).

- xoang trán (frontal).

- xoang sàng (ethmoid).

- xoang bướm (sphenoid).

• Vai trò các xoang:

Cho tới nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra bằng chứng thuyết phục về vai trò của các lỗ hổng trong sọ này, nhưng giả thuyết thì đầy rẫy (!):

- Chất nhầy tiết ra từ các xoang có thể giúp làm sạch không khí hít vào.

- Các xoang có tác dụng giảm sốc khi đầu bị va đập.

- Sự hiện diện các xoang làm cho đầu nhẹ bớt, giúp ngăn ngừa các chấn thương cổ.

- Các xoang chỉ có tác dụng tạo độ vang rền cho giọng nói (!)...

• Các vi khuẩn gây nhiễm xoang thường gặp:

- Viêm xoang cấp: Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae

- Viêm xoang mạn: các loài kỵ khí như Peptostreptococcus, Fusobacterium và Prevotella.

- Viêm xoang ở trẻ em: Moraxella catarrhalis.

• Các kháng sinh thường dùng:amoxicillin, amoxicillin/clavulanat (Augmentin), cefaclor, trimethoprim/sulfamethoxazol­ (Bactrim), clarithromycin, cefuroxim, các quinolon...

• Các biến chứng của viêm nhiễm xoang:

- Viêm màng não, áp xe não hay màng não.

- Viêm mô nhãn cầu, mù lòa, viêm tủy xương...

P.Q.V.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùa cảm cúm Đề phòng viêm nhiễm xoang mũi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO