Mối hiểm họa khi online trong mùa dịch Covid-19

CAO KIẾN NAM| 25/08/2020 21:20

KHPTO - Dưới tác động của đại dịch Covid-19, không những số lượng người dùng trực tuyến và mức độ online ngày càng tăng, mà hành vi và quan điểm của họ cũng đã thay đổi. Ghi nhận này vừa được Công ty an ninh mạng toàn cầu Kaspersky công bố trong một kết quả khảo sát ở khu vực Đông Nam Á.

Báo cáo trên cũng cho thấy: chỉ có 1% trong số 760 người tham gia khảo sát ở Đông Nam Á thừa nhận rằng họ cảm thấy không an toàn trên thế giới ảo (thấp hơn 2% so với thế giới là 3%), 11% cảm thấy không an toàn (thấp hơn so với thế giới là 16%) và 5% không chắc chắn về câu trả lời của mình.

Mặc dù có niềm tin về sự an toàn trên mạng, nhưng hầu hết số người tham gia khảo sát nói trên đều thừa nhận “đã từng bị tấn công trực tuyến”. Cụ thể, 21% thừa nhận rằng họ đã từng bị tấn công vào tài khoản mạng xã hội, 20% bị tấn công vào email, 13% bị tấn công từ thiết bị di động, 12% từ mạng wifi và 25% từ tài khoản ngân hàng.

Đáng chú ý, 2% người được hỏi xác nhận: tài khoản của họ đã bị xâm phạm hơn 3 hoặc 4 lần, trong khi 24% chắc chắn rằng dữ liệu của họ chưa bao giờ bị xâm phạm. Gần 20% cho biết, họ không chắc liệu tài khoản của mình có bị xâm phạm hay không vì họ không biết cách kiểm tra (chiếm 18%) hoặc chưa bao giờ kiểm tra (chiếm 14%).

Khi được hỏi về những việc họ đã làm sau khi phát hiện tài khoản của mình bị xâm phạm, 57% người dùng tại Đông Nam Á đã thay đổi mật khẩu trên tất cả thiết bị không dây và tài khoản có liên quan; 54% chỉ thay đổi password mạng wifi để không ảnh hưởng đến thiết bị và các tài khoản có liên quan.

Chỉ 23% người dùng từng bị tấn công đã cài đặt phần mềm bảo mật để bảo vệ tài khoản của họ, 14% mang thiết bị bị tấn công đến chuyên gia công nghệ thông tin. Ngoài ra, 4% chọn cách không làm gì cả.

Ông Yeo Siang Tiong - tổng giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á, cho biết: “Công nghệ là một công cụ rất hữu ích, nhất là khi được bảo mật hiệu quả. Theo kết quả nghiên cứu này, người dùng trực tuyến ở Đông Nam Á đang dành từ 5 - 10 giờ mỗi ngày để online và thừa nhận rằng các biện pháp giãn cách xã hội đã khiến thời gian online của họ tăng từ 2 - 5 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, thoải mái trên thế giới ảo không đồng nghĩa với việc ngừng cảnh giác trước những rủi ro khi trực tuyến”.

Theo khuyến nghị của Kaspersky, để đảm bảo an toàn khi trực tuyến, người dùng máy tính, smartphone, những thiết bị có kết nối Internet, hãy nên:

- Nhìn nhận nghiêm túc quyền riêng tư trực tuyến của mình. Không chia sẻ hoặc cho phép truy cập thông tin cá nhân với bên thứ ba (trừ khi thực sự cần thiết), để giảm thiểu việc dữ liệu rơi vào tay kẻ xấu.

- Sử dụng công cụ Privacy Checker để việc thiết lập thông tin cá nhân trên mạng xã hội ở chế độ riêng tư, để các bên thứ ba rất khó tìm thấy thông tin cá nhân của người dùng.

- Sử dụng một giải pháp bảo mật (như Kaspersky Password Manager) để tạo và bảo mật password cho các tài khoản. Việc này sẽ giúp người dùng tránh sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản.

- Nếu nghi ngờ có tài khoản bị lộ password, người dùng có thể dùng công cụ Kaspersky Security Cloud để kiểm tra, dùng tính năng “Kiểm tra tài khoản”. Nếu phát hiện rò rỉ, Kaspersky Security Cloud sẽ cung cấp thông tin về các danh mục dữ liệu có thể truy cập công khai để người dùng có hành động thích hợp.

Đối với những doanh nghiệp cho nhân viên làm việc từ xa, các chuyên gia của Kaspersky khuyến nghị:

- Đào tạo cho nhân viên những kiến thức cơ bản về an ninh mạng, như không mở hoặc lưu trữ các file từ email hoặc trang web không xác định vì chúng có thể gây hại cho toàn công ty; không sử dụng bất kỳ chi tiết cá nhân nào trong password.

- Để đảm bảo password mạnh, nhân viên không nên sử dụng tên, ngày sinh, địa chỉ, và thông tin cá nhân khác.

- Thường xuyên nhắc nhở nhân viên về cách xử lý dữ liệu nhạy cảm; chẳng hạn, chỉ lưu trữ dữ liệu trên các dịch vụ đám mây đáng tin cậy cần được xác thực để truy cập, không nên chia sẻ dữ liệu đó với các bên thứ ba không đáng tin cậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mối hiểm họa khi online trong mùa dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO