Lưu ý về chăm sóc răng theo độ tuổi

BS. ĐINH THỊ THU HUYỀN| 06/08/2019 05:45

KHPTO - Sức khỏe hàm răng của chúng ta mỗi tuổi một thay đổi vì thế cần những cách chăm sóc và “đối xử” khác nhau.

Ở độ tuổi 20 và 30

Ở độ tuổi 20 - 30, răng đang trong giai đoạn khỏe mạnh nhất, đặc biệt nếu bạn chú ý đánh răng ít nhất 2 lần một ngày, khám răng tổng quát 2 lần/năm. Ngoài ra cần chú ý thêm một số biểu hiện sau:

Theo thời gian, men răng ngày một suy yếu, nướu răng mòn đi phơi bày chân răng. Khi cả hai hiện tượng trên xảy ra, đôi lúc bạn sẽ cảm thấy răng ê, buốt khi ăn hoặc uống đồ lạnh. Đánh răng thường xuyên là chìa khóa chống mòn nướu, bạn nên dùng bàn chải mềm mại để không hại nướu.

Căng thẳng thần kinh có thể khiến bạn nghiến răng. Một số người có tật nghiến răng khi ngủ làm răng bị mòn và tăng nguy cơ sâu răng. Nếu thường xuyên thức dậy với đầu đau nhức và quai hàm mỏi, bạn nên đến gặp bác sĩ nha khoa vì đó có thể là hậu quả của việc nghiến răng quá nhiều trong khi ngủ.

Acid trong thành phần soda sẽ làm suy yếu men răng. Để giảm bớt tác hại, bạn nên dùng ống hút khi uống soda để giới hạn sự tiếp xúc của acid với bề mặt răng. Ngoài ra, không nên đánh răng ngay sau khi uống soda hoặc các loại đồ uống giàu acid khác như: nước cam, chanh, sữa chua… vì sự xói mòn sẽ càng trầm trọng hơn dưới sự tác động của kem đánh răng.

Độ tuổi 40

Về mặt cấu trúc, răng không thay đổi nhiều, cách chăm sóc răng miệng cũng vậy. Tuy nhiên, bạn cần lưu tâm những điểm sau để giữ gìn hàm răng thật tốt:

Nướu: một nghiên cứu đăng trên tạp chí Periodontology kết luận rằng, 23% phụ nữ trong độ tuổi 30 - 54 bị bệnh nha chu - hay còn gọi là bệnh viêm nướu răng. Ngay từ bây giờ, nếu nướu răng của bạn sưng tấy, hoặc chảy máu khi đánh răng, hãy mau chóng tìm gặp nha sĩ để xử lý càng sớm càng tốt.

Cường độ tập thể dục: dù bạn có tin hay không, mức độ tập luyện thể dục ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe răng miệng. Một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí Periodontology năm 2010 với 1.160 người khỏe mạnh cho biết: Những ai có chỉ số cơ thể (BMI) đạt tiêu chuẩn và cường độ tập thể dục cao thì nguy cơ mắc bệnh răng miệng thấp nhất. Mặc dù nghiên cứu không lý giải chắc chắn nguyên nhân vì sao nhưng có ý kiến cho rằng những ai chú ý chăm sóc cơ thể dường như cũng chăm sóc răng miệng tốt hơn.

Vết trám, bọc răng: hợp chất nhựa dùng để trám hoặc bọc răng có độ bền từ 8 - 10 năm, hợp chất bạc thì bền gấp đôi. Sau thời gian đó, miếng trám hoặc bọc răng sẽ xuống cấp, trở nên lỏng lẻo, nứt vỡ - là cơ hội để vi khuẩn xâm nhập, gây sâu răng. Hãy nhớ rằng dù đã đi trám hay bọc răng, bạn vẫn phải kiểm tra định kỳ vì chúng không vĩnh cửu, bác sĩ nha khoa sẽ biết khi nào cần thay mới.

Độ tuổi từ 50 trở đi

Thông tin đáng mừng là ở độ tuổi này hàm răng đã bớt nhạy cảm. Tuy nhiên, theo thời gian, những mảng bám răng tích lũy lại nhiều thêm. Lúc này, bạn nên chú ý thêm:

Khô miệng: rất nhiều loại thuốc uống có thể gây ra chứng khô miệng. Nước bọt giúp “đuổi” bớt một lượng đáng kể vi khuẩn gây sâu răng trong miệng, vì thế giữ cho miệng không bị khô bằng cách uống thật nhiều nước, ăn kẹo cao su không đường là rất quan trọng.

Hệ xương: quai hàm, nơi hàm răng “trú ngụ” cũng là một cấu trúc xương. Theo thời gian, nguy cơ loãng xương, yếu xương gia tăng còn đưa đến hậu quả là dẫn đến mất răng. Theo một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu sức khỏe quốc tế, phụ nữ cao tuổi bị loãng xương thì nguy cơ mất răng cũng tăng lên. Để giữ xương và răng chắc khỏe, phụ nữ trong độ tuổi này nên cung cấp cho cơ thể đủ 1.200 mg calci và ít nhất 600 IU vitamin D mỗi ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lưu ý về chăm sóc răng theo độ tuổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO