Liên kết trường - bệnh viện - cộng đồng: mô hình phát triển công tác xã hội bệnh viện hiệu quả và bền vững

MINH UYÊN| 19/05/2019 04:37

KHPTO - Vừa qua, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD) tổ chức chương trình đào tạo Công tác xã hội với chủ đề “Liên kết trường – bệnh viện – cộng đồng: mô hình phát triển công tác xã hội hiệu quả và bền vững”, với mục tiêu hướng đến mô hình chăm sóc toàn diện cho người bệnh bằng việc đẩy mạnh kết nối giữa Trường, Bệnh viện và Cộng đồng cũng như trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong việc triển khai công tác xã hội y tế.

Chương trình lần này quy tụ các chuyên gia đầu ngành về công tác xã hội như: TS ĐD. Peggy Ann Landrum đến từ Texas Woman’s University, Hoa Kỳ; GS TS. Bùi Thị Thu Hà – hiệu trưởng Trường ĐH y tế công cộng, Hà Nội; TS. Phạm Tiến Nam – trưởng bộ môn công tác xã hội, Trường ĐH y tế công cộng, Hà Nội; TS BS. Thân Hà Ngọc Thể - trưởng khoa lão chăm sóc giảm nhẹ BV ĐHYD, ông Trần Văn Hùng – trưởng phòng CTXH BVĐHYD, PGS TS BS. Lâm Vĩnh Niên – trưởng khoa dinh dưỡng tiết chế BV ĐHYD.

Đây cũng là cơ hội gặp gỡ, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm dành cho hơn 350 cán bộ hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực công tác xã hội tại các trường học, bệnh viện trên cả nước, thông qua các chủ đề thực tế đang được quan tâm: Mạng lưới công tác xã hội: xây dựng các mối quan hệ; kết nối Trường – Bệnh viện: cơ hội, thách thức và giải pháp trong đào tạo công tác xã hội chuyên nghiệp; mạng lưới công tác xã hội tại Bệnh viện đại học y dược TP.HCM dưới góc nhìn thực tiễn; vai trò của công tác xã hội đối với kết quả điều trị của người bệnh: sự khác biệt từ công tác huấn luyện; mối liên kết giữa nhân viên công tác xã hội và nhân viên y tế trong điều trị người bệnh nội trú…

Theo TS. Phạm Tiến Nam, công tác xã hội trong bệnh viện xem xét các vấn đề tâm lý – xã hội và những khó khăn của người bệnh/người nhà người bệnh/nhân viên y tế trong việc tiếp cận các nguồn lực hoặc dịch vụ y tế nhằm giúp họ vượt qua khó khăn, khơi dậy, huy năng lực của bản thân trong quá trình điều trị bệnh, chăm sóc người bệnh, hướng tới sự hài lòng và hỗ trợ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, một số thách thức thực tế đang đặt ra như: nguồn nhân lực được đào tạo chuyên sâu về CTXH trong bệnh viện còn hạn chế ở Việt Nam; chưa có chuẩn về năng lực của nhân viên CTXH trong bệnh viện; chưa có chương trình đào tạo tập huấn CTXH trong bệnh viện một cách chính thống & được xây dựng bởi nhóm chuyên gia có kinh nghiệm; tài liệu CTXH trong bệnh viện còn khan hiếm. Một số tài liệu được xuất bản còn nặng lý thuyết, không mang tính chất cầm tay chỉ việc. Về phía cơ sơ y tế, việc đào tạo, tập huấn cho người làm CTXH chưa thực sự được quan tâm…

Phát biểu tại chương trình, PGS TS BS. Trương Quang Bình – phó giám đốc BV ĐHYD cho biết, trong lĩnh vực chăm sóc y tế những năm gần đây, mô hình tổ chức hoạt động công tác xã hội tại các cơ sở y tế đã được hình thành và phát triển như Phòng công tác xã hội, phòng chăm sóc khách hàng, tổ Từ thiện xã hội,… Ngành Công tác xã hội đã được khuyến khích đưa vào lĩnh vực y tế giúp nâng cao “liều thuốc tinh thần” cần có cho người bệnh, hỗ trợ thầy thuốc giảm bớt áp lực công việc cũng như nâng cao hiệu quả điều trị.

Vì vậy, nhu cầu về nhân lực CTXH trong lĩnh vực y tế hiện nay là rất lớn. Để có nguồn nhân lực CTXH chất lượng cao giỏi lý thuyết – vững thực hành đòi hỏi sự liên kết chắt chẽ giữa Trường – Bệnh viện – Cộng đồng trong việc xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với môi trường bệnh viện và hệ thống y tế; xây dựng tài liệu chuyên sâu về CTXH, tổ chức các khóa đào tạo và hướng dẫn sinh viên thực hành, chuẩn hóa quy trình hướng dẫn thực hành sinh viên CTXH.

PGS TS BS. Trương Quang Bình kỳ vọng, thông qua chương trình này sẽ góp phần đẩy mạnh và chuyên nghiệp hóa hơn nữa nguồn nhân lực thực hành công tác xã hội trong bệnh viện, hướng đến mô hình chăm sóc toàn diện và sự hài lòng cao nhất cho người bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên kết trường - bệnh viện - cộng đồng: mô hình phát triển công tác xã hội bệnh viện hiệu quả và bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO