Làm thế nào vực dậy ngành hồ tiêu?

THANH TÂM| 05/02/2018 10:54

KHPT-Giá tiêu giảm kỷ lục trong vòng 3 năm qua, hiện chỉ còn trên 60.000 đồng/kg khiến người trồng tiêu đứng ngồi không yên. Nguyên nhân vì sao giá tiêu Việt Nam rớt thê thảm, giải pháp của bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường “cứu” ngành xuất khẩu trên 1 tỷ USD như thế nào?

Tiêu rớt giá kỷ lục vì đâu?

Phó cục trưởng Cục trồng trọt Lê Văn Đức cho rằng, do diện tích trồng tiêu tăng quá nhanh, năm 2010 cả nước chỉ trồng 51.500 ha hồ tiêu thì đến năm 2017 diện tích đã tăng lên đến 152.668 ha. Sản xuất hồ tiêu ở nước ta bộc lộ những biểu hiện thiếu bền vững trong đó bùng nổ về diện tích, gia tăng dịch bệnh, hạn chế trong kiểm soát chất lượng…

Ngoài nguyên nhân tăng sản lượng, cung vượt cầu, yếu tố chất lượng hồ tiêu Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu. Tổng giám đốc Công ty Donatechno Nguyễn Phú Cường trăn trở, tại sao tiêu Việt Nam dư thừa, giá rẻ mà nhiều doanh nghiệp phải mua tiêu nước ngoài về chế biến? Vì họ cần nguồn tiêu sạch, chất lượng cao. Ông Phan Minh Thông, tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh chuyên chế biến hồ tiêu xuất khẩu cho rằng, khó khăn nhất của hạt tiêu Việt Nam là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), khi các nước tăng cường kiểm tra thì nhiều lô hàng tiêu Việt Nam bị giữ lại, trả về.

Phó cục trưởng Cục BVTV Lê Văn Thiệt cảnh báo, nông dân lạm dụng hóa chất BVTV quá nhiều, kết quả tổng hợp cảnh báo EU do Văn phòng SPS Việt Nam cung cấp, từ tháng 1/2015 đến 6/2016 đã có 17 trường hợp hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu sang EU phát hiện dư lượng của 9 loại hoạt chất BVTV vượt mức quy định gồm carbendazim, hexaconazol, diafenthiuron, chlorfenapyr, carbofuran, ethylen oxid, methamidophos, acephat, metalaxyl (năm 2015: 14 trường hợp; 6 tháng đầu năm 2016: 3 trường hợp). Năm 2017, từ đầu năm cho đến nay có 3 cảnh báo của các nước đối với hạt tiêu đen của Việt Nam. Cụ thể: Hà Lan cảnh báo về tiêu đen nhiễm nấm mốc. Úc cảnh báo hạt tiêu đen nhiễm vi khuẩn Salmonella; Cộng hòa Síp cảnh báo hạt tiêu có dư lượng thuốc cypermethrin và 2 hoạt chất không được sử dụng ở châu Âu (carbendazim, permethrin) và 1 lô hàng bị cảnh báo vì nấm mốc.

Sử dụng hữu cơ sinh học, giảm thuốc BVTV

Ông Phan Minh Thông, Công ty Phúc Sinh cho rằng, muốn phát triển tiêu bền vững nhất thiết phải làm tiêu sạch, phát triển xanh, chế biến sâu… Phải canh tác ứng dụng hữu cơ sinh học, không thể lạm dụng thuốc BVTV như hiện nay. Làm tiêu sạch có lợi thế về giá bán cao, môi trường không ô nhiễm hóa chất. Phó chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê Hoàng Phước Bính lưu ý, nói hạn chế thuốc BVTV trong canh tác hồ tiêu nhưng việc buôn bán thuốc BVTV quá tự do. Ngoài cửa hàng vật tư thì hiện nay xuất hiện đội nhóm, nhân viên các công ty thuốc chạy bán lẻ xuống tận nông dân.

Ông Trương Thanh Tùng, phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông lưu ý, các vùng trồng tiêu hiện nay sử dụng lượng hóa chất thuốc BVTV quá lớn, mỗi năm có hàng ngàn hội thảo phân thuốc làm nông dân rơi vào “mê hồn trận”. Ngành nông nghiệp cần chấn chỉnh điều này, hướng đến quy định về sản xuất tiêu an toàn.

Trước thực trạng cây tiêu gặp khó, rớt giá, bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo cần chấn chỉnh tránh nguy cơ phá vỡ ngành hàng này do diện tích và sản lượng tăng nhanh, sản xuất không kiểm soát tốt. Theo ông Cường, cần xác định hạt tiêu là gia vị nên phải sản xuất sạch. Các đơn vị khoa học cần xây dựng quy trình cánh tác an toàn cho cây hồ tiêu, phải đưa ứng dụng hữu cơ sinh học vào sản xuất ngành hàng này, giảm thiểu việc lạm dụng hóa chất BVTV. Thực tế chứng minh nhiều vùng canh tác ứng dụng hữu cơ sinh học giảm bệnh hại, đảm bảo năng suất, chất lượng đạt tiêu chuẩn.

Ông Cường nhấn mạnh, Việt Nam sản xuất tiêu không phải để sử dụng trong nước mà chính là xuất khẩu, xuất khẩu thì phải đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn người mua. Vai trò các địa phương trồng tiêu rất quan trọng, phải quản lý và kiểm soát được đầu vào, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trước mắt là không để tái canh cây tiêu trên nền đất tiêu bệnh chết, quản lý chất lượng giống, kinh doanh thuốc BVTV. Chú trọng xây dựng các liên kết sản xuất, tiêu thụ, đầu tư chế biến nâng cao giá trị hạt tiêu.

Áp lực gia tăng hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu ngày càng cao đã ảnh hưởng đến việc áp dụng các kỹ thuật canh tác và quản lý chất lượng. Theo các nguồn thông tin cho biết: Ủy ban châu Âu (EC) thông báo việc điều chỉnh chỉ số MRLs metalaxyl (dư lượng tồn dư hóa chất tối thiểu) từ 0,1 lên 0,05 ppm; đồng thời kiến nghị lên WTO nâng chỉ số MRLs metalaxyl lên mức 0,05 ppm cho tất cả các sản phẩm hồ tiêu nhập khẩu vào EU. Tuy nhiên, do phản ứng của phía Việt Nam và Ấn Độ, EC đã tạm dừng việc điều chỉnh và giữ nguyên chỉ số MRLs metalaxyl ở mức 0,1 ppm đến hết năm 2018.

Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đang có kế hoạch xem xét điều chỉnh nâng chỉ số MRLs đối với một số hoạt chất: arcrimnathril, thiabandazol, tricyclazol, metalaxyl,… trong đó, riêng chỉ số MRLs metalaxyl sẽ được điều chỉnh dự kiến mức 0,05 ppm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm thế nào vực dậy ngành hồ tiêu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO