Lâm Đồng: Cây atisô lâm nguy?

MINH ĐỨC<_o3a_p>| 27/02/2009 17:31

Theo từ điển dược học, atisô là một cây thuốc lợi mật, ổn định tế bào gan, tăng tính chống độc của gan, hạ cholesterol, phòng ngừa bệnh xơ vữa động mạch. Ngoài ra đây còn là loại rau có thể chế biến ra nhiều loại thức ăn, thức uống rất ngon miệng và bổ dưỡng. Atisô là một trong ba đặc sản của Đà Lạt đã từng được chọn để phục vụ trong các bữa ăn tại Hội nghị cấp cao APEC được tổ chức tại Hà Nội. Tuy nhiên... thật đáng buồn là loại cây trồng này đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ tại vùng đất mà nó đã từng giúp hàng trăm hộ nông dân làm giàu.

Ông Vũ Ngọc Tiến, phường 12, TP. Đà Lạt đã chặt bỏ hơn 3 sào atisô để chuyển sang trồng hoa cúc. Cách đấy không xa, anh Trần Trí, ở đường Ngô Gia Tự, cũng nhổ những gốc atisô cuối cùng của gia đình mình để lên luống trồng hoa cát tường. Anh than vãn: “Với tình hình giá vật tư như hiện nay, nếu tiếp tục trồng atisô có lẽ gia đình tôi sẽ rơi vào cảnh thiếu ăn mùa giáp hạt”. Diện tích cây atisô ở Đà Lạt đang từng ngày bị thu hẹp như vậy.

Atisô chủ yếu được trồng ở phường 12, TP. Đà Lạt (khu Thái Phiên) do điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng ở đây tỏ ra phù hợp. Vào những năm 1999 - 2000, nơi đây có diện tích atisô lên tới trên 60 ha. Tháng 2/2009, chỉ còn vỏn vẹn khoảng 25 ha. Bà con nông dân tại đây cho biết: so với canh tác hoa thì atisô dễ trồng hơn, vốn đầu tư lại không cao, rủi ro trong kinh doanh không lớn. Tuy nhiên do hầu hết atisô ở đây là giống cũ có từ cách đây hơn 40 năm nên năng suất thấp, chất lượng kém, bán không đủ bù lại kinh phí đầu tư đắt đỏ hiện nay. Ông Hồ Ngọc Dinh, chủ tịch Hội nông dân phường 12, cũng thừa nhận là cây hoa đã “lên ngôi” và bà con nông dân ở đây đã chuyển phần lớn diện tích trồng atisô sang trồng hoa, chỉ còn những hộ gắn bó lâu đời với atisô mới giữ lại một phần diện tích khiêm tốn để lưu giữ một chút gì đó đặc trưng của Đà Lạt. Tính đến tháng 2/2009 chỉ còn khoảng 100 hộ, trồng nhiều nhất cũng chỉ 3 - 4 sào atisô. Điều mong mỏi lớn nhất của người dân là nên quy hoạch nơi đây thành một vùng chuyên canh atisô, thay đổi những giống atisô cũ không còn phù hợp, và có những phương án hỗ trợ đầu tư cũng như tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm để họ yên tâm sản xuất.

Năm 2002, Phòng công - nông nghiệp TP. Đà Lạt đã nhập về một giống atisô mới có nguồn gốc từ Ấn Độ. Tuy nhiên dự án này sau đó cũng bị bỏ dở do thiếu kinh phí đầu tư. Năm 2007, một đề tài nghiên cứu của Viện công nghệ hóa học đã được tiến hành - khảo sát thành phần polyphenol và flavonoid có tính kháng oxy hóa - trên cơ sở này, ngành dược Lâm Đồng có thể đầu tư mở rộng sản xuất mặt hàng mới từ cây atisô theo tiêu chuẩn GMP. Đề tài “Xây dựng công nghệ ly trích hợp chất có hoạt tính sinh học trong dược liệu atisô với hiệu suất cao” do PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hạnh (Viện công nghệ hóa học) làm chủ nhiệm cũng đã được nghiệm thu tại Hội đồng khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng, có thể sẽ là cơ sở quan trọng để khôi phục lại vùng dược liệu ở Đà Lạt...

MINH ĐỨC

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lâm Đồng: Cây atisô lâm nguy?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO