Lai tạo giống hoa: Việt Nam tụt hậu 20 năm

05/12/2008 10:14

Hoa, kiểng là đối tượng chủ yếu trong phát triển nông nghiệp đô thị, nhưng Việt Nam vẫn phải nhập giống hoa từ các nước. Đánh giá của các chuyên gia là chúng ta đã tụt hậu ít nhất 20 năm trong lĩnh vực lai tạo giống hoa so với Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc... Nhiều đơn vị nhập giống hoa qua đường tiểu ngạch, không qua kiểm soát.

Ngành hoa kiểng Việt Nam tụt hậu so với thế giới

TS. Dương Hoa Xô, giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM thừa nhận, suốt thời gian qua, hầu hết các giống hoa có chất lượng tốt đều phải nhập từ nước ngoài như vạn thọ Pháp, hoa lan nhập từ Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc... Các cơ sở nhân giống hoa bằng phương pháp cấy mô có quy mô nhỏ, không đủ cung ứng cho người trồng, chủ yếu chỉ mới nhân giống hoa lan. Công tác tạo giống chưa được đầu tư và ứng dụng các tiến bộ khoa học. Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực hoa, kiểng, chúng ta đã tụt hậu và đi sau Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan ít nhất 20 năm trong vấn đề lai tạo giống hoa lan. Các nhà vườn trồng hoa chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, sự hướng dẫn, áp dụng kỹ thuật mới chưa đồng bộ.

Rừng Việt Nam có rất nhiều loài phong lan quý hiếm, đủ điều kiện để kinh doanh sản xuất, xuất khẩu như Long Tu, Kim Điệp, Giả Hạc, Ý Thảo, Hạc Đỉnh, Hỏa Hoàng, Nhất Điểm Hồng, Vân Hài... Các cơ quan nghiên cứu cần lập một chương trình nghiên cứu hoàn thiện từ sưu tập giống, khảo nghiệm, sản xuất và cả quy trình nuôi trồng, từ đó mở rộng thị trường xuất khẩu. Song song đó cần có kế hoạch bảo tồn các giống lan rừng, tránh khai thác bừa bãi.

TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) cho rằng, hiện nay chưa có giống hoa chất lượng mang thương hiệu Việt Nam cung cấp cho người sản xuất, chủ yếu phải nhập khẩu. Các hợp đồng nhập khẩu nhỏ lẻ nên không có sự ràng buộc chặt chẽ về kiểm soát chất lượng. Do đó, chất lượng cây giống hoàn toàn phụ thuộc vào sự may rủi hoặc uy tín trong quan hệ. Đã có nhiều nhà vườn điêu đứng do nhập giống “dỏm”, bị nhiễm bệnh. TP. Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ hoa lớn nhất nước, nhất là hoa lan nhưng các nhà vườn tại thành phố cung cấp chỉ chiếm 15% thị phần, phần còn lại phải nhập khẩu hoặc đưa từ Đà Lạt xuống. Sản xuất manh mún, chưa có vùng chuyên canh và chuyên hoa đủ lớn để đáp ứng trong nước và xuất khẩu.

Ngành công nghiệp hoa được các nước chú trọng đầu tư nghiên cứu, mỗi năm trên thế giới tạo ra hàng trăm chủng loại hoa mới, xây dựng cả “nhà máy” sản xuất hoa cung cấp cho thế giới. Trong khi Việt Nam có nhiều lợi thế, nhưng vẫn phải phụ thuộc nhiều vào nguồn giống từ các nước. TS. Đặng Văn Đông, trưởng bộ môn hoa cảnh (Viện nghiên cứu rau quả) nhìn nhận rằng, kỹ thuật sản xuất hoa, cây cảnh của Việt Nam khá lạc hậu so với các nước trong khu vực. Các giống hoa trồng tại Việt Nam chủ yếu nhập từ nước ngoài theo con đường không chính thức nên không có bản quyền, trong khi khả năng tạo giống mới trong nước, trong một vài năm tới đây, vẫn còn rất khó khăn.

Thuê chuyên gia nước ngoài tạo giống hoa chất lượng

Nếu bây giờ đầu tư thích đáng thì ít nhất 5 năm sau Việt Nam mới chủ động tạo ra giống hoa mang thương hiệu Việt Nam, TS. Đặng Văn Đông nhận định. Ông cho rằng, cần phải có sự tham gia lớn của các cơ quan nghiên cứu khoa học. Thời gian qua, sự đầu tư hỗ trợ của nhà nước (đầu tư hạ tầng và đầu tư nghiên cứu) chưa nhiều như một số ngành nghề khác. Cần xác định đây là ngành công nghiệp xanh, thu lợi nhuận cao, vì vậy phải tập trung xây dựng vùng chuyên canh hoa bên cạnh đầu tư nghiên cứu sản xuất giống. Chú ý nghiên cứu biện pháp giữ giống tốt, nhân nhanh giống, sản xuất hoa thương phẩm, quy trình thu hái, xử lý, bảo quản, vận chuyển... Theo TS. Đông, có thể hình thành cơ chế “khoán 10” trong nghiên cứu khoa học, trước hết là hoa cảnh. Nhà nước đặt hàng và ứng tiền cho các cơ quan khoa học, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Người nhận đặt hàng tự chủ và chịu trách nhiệm về kết quả nghiên cứu của mình.

Theo TS. Đông, một mặt cần mua bản quyền một số giống hoa có giá trị, mặt khác nhanh chóng liên doanh, liên kết hoặc thuê chuyên gia nước ngoài tạo giống và đầu tư cho các cơ quan có năng lực tạo giống trong nước, trước hết là tạo giống hoa lay ơn, loa kèn, đồng tiền... để phấn đấu đến năm 2020 chủ động 1/3 lượng giống hoa trong nước. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát nhập lậu hoa qua đường tiểu ngạch, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

THANH TÂM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lai tạo giống hoa: Việt Nam tụt hậu 20 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO