Kho thuốc quý giữa đồng hoang

24/02/2006 23:25

Tận Đồng Tháp Mười mênh mông thưa vắng, vùng đất ngập nước có một không hai ở Việt Nam, có một khu rừng đặc biệt cũng chính là kho thuốc quý của quốc gia được bảo tồn. Một dược sĩ “ẩn mình” giữa đồng hoang hơn 20 năm nghiên cứu và sản xuất nhiều loại thuốc quý.

DS. Nguyễn Văn Bé

RỪNG THUỐC QUÝ CỦA VIỆT NAM

Ngược dòng Vàm Cỏ Tây hiền hòa, uốn quanh giữa bát ngát lung tràm, ruộng lúa xanh về Bình Phong Thạnh (Mộc Hóa, Long An) - nơi thiên nhiên ban tặng loài người nguồn thuốc quý giá và là khu rừng tràm tự nhiên sót lại của châu Á. Nơi ấy đang được xét công nhận là khu rừng Sinh thái hữu cơ (Organic: ít tác động của con người, trên 20 năm không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...).

Hơn 20 năm trước, đây là vùng hoang vu, hiu hắt bóng người, nguồn tài nguyên được biết tới chỉ mỗi dầu tràm. Trước nguy cơ cạn kiệt cây tràm dầu (tràm gió) sau nhiều năm khai thác, dược sĩNguyễn Văn Bé cùng anh em cộng sự bàn cách bảo tồn hệ thực vật quý. Năm 1999, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười (Bộ Y tế) ra đời.

Dược sĩ Nguyễn Văn Bé, Giám đốc trung tâm cho biết, khu bảo tồn có diện tích 1.041 ha, bảo tồn nhiều nguồn gen quý, hiếm, tuyệt chủng và hàng chục loài cây dược liệu dùng sản xuất thuốc. Tràm gió đặc trưng của đất ngập nước (khác tràm ở U Minh) châu Á còn sót lại tại đây. Khu bảo tồn có 21 loài thực vật bậc cao, gần như đầy đủ hệ động vật đặc trưng của Đồng Tháp Mười xưa kia như cò, diệc, giang sen, cồng cộc, sếu... rắn, rùa và cá. Cá lóc bông vùng này xưa kia hàng chục kg/con, cá rô biển con vài ba kg nay cũng có mặt trở lại.

Bên cạnh bảo tồn toàn vẹn, Trung tâm còn nghiên cứu, phát triển các nguồn gen quý. Đến nay đủ khả năng khai thác trở lại và đang cung cấp nguyên liệu, sản xuất thuốc theo đơn đặt hàng. Hiện Trung tâm đã hợp đồng với 7 công ty dược, trong đó có Nhật, Đài Loan, Hồng Kông. Phòng nghiên cứu và khu sản xuất thuốc trang bị hiện đại. Từ nguồn cây thuốc tại khu rừng này, có trên 20 sản phẩm thuốc có mặt trên thị trường trong và ngoài nước (dưới nhãn hiệu của công ty hợp tác). Cũng chính nơi đây, bộ sưu tập tinh dầu đồng bộ nhất khu vực đang được sở hữu.

DS. Bé và các em học sinh của trường do Trung tâm xây dựng

THẦY THUỐC ĐI KHAI HOANG

Sau khi tốt nghiệp đại học Y Dược TP.HCM, dược sĩ Nguyễn Văn Bé bén duyên với đất Tháp Mười từ đề tài khoa học cấp Nhà nước về dầu tràm. Từng bước gầy dựng, giờ đây Trung tâm phát triển đúng hướng và xứng đáng với tiềm năng mà thiên nhiên ban tặng.

Đây là mô hình Trung tâm bảo tồn không sử dụng nguồn ngân sách quốc gia, hoạt động theo luật doanh nghiệp. Chính vì vậy mà người đứng đầu trung tâm luôn chủ động gắn kết khoa học với sản xuất. Doanh thu hàng năm 4 - 5 tỷ đồng được tái đầu tư vào nghiên cứu, nhà xưởng, nguồn nhân lực (thu hút được 2 chuyên gia). Hiện Trung tâm có 120 công nhân là con em gia đình nghèo làm kinh tế mới trong vùng (có bệnh dùng thuốc của Trung tâm). Cũng từ nguồn thu ấy, anh bỏ ra xây dựng trường học, mua tập sách, áo quần cho học sinh trong vùng. Bệnh viện miễn phí cho người nghèo cũng đang được dựng xây. Nhiều đề tài khoa học cấp nhà nước, cấp bộ thực hiện tại khu bảo tồn. Ngoài ra, Trung tâm “mở cửa” đón khách du lịch nhưng phải là những khách yêu thiên nhiên và muốn nghỉ dưỡng. Khoảng 1.000 khách đến đây mỗi năm. Học sinh, sinh viên có nhu cầu tham quan, nghiên cứu được ưu tiên và tạo điều kiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kho thuốc quý giữa đồng hoang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO