Khi nông dân Đồng Tháp Mười làm du lịch nông nghiệp

Bài và ảnh: QUANG HẢO| 24/06/2019 20:00

KHPTO - Nông dân Trần Hoàng Em (Bảy Em) ngoài 30 tuổi, lái tắc ráng đón chúng tôi tại cầu Bình Phong Thạnh qua sông Vàm Cỏ Tây (huyện lỵ Mộc Hóa, Long An). Chừng 30 phút sau, chúng tôi bước lên sàn một nhà gỗ rộng lớn nằm thoi loi giữa đồng sâu kênh rạch chằng chịt. Từ trên nhà nhìn ra hướng nào cũng thấy ao cá, đầm sen vây quanh.

Cựu chiến binh Trần Văn Nghị (ông Ba Bê) kể rằng: sau ngày hòa bình, ông xuất ngũ về đây khai khẩn đất vùng Đồng Tháp Mười này khi còn là cánh đồng hoang. Ông vừa khai hoang vừa lấy đất những người đi nơi khác bỏ lại.

Mười năm sau, ông có gần 80 ha đất đem chia cho 7 đứa con. Bảy Em được cha chia cho 12 ha để làm lúa, nhưng làm không khá. Cách nay 5 năm, Bảy Em vay mượn tiền thuê máy đào đắp bờ bao toàn khu đất này, mặt bờ san rộng 6 m trồng 1.000 cây dừa giống Tam Quang (Bình Định). Bây giờ dừa cho trái bán không kịp; khách đến đều được mời uống nước dừa. Số diện tích đất còn lại, Bảy Em đào ao cho từng loại cá đặc sản Đồng Tháp Mười để nuôi.

Bên các ao cá là ao sen, chỉ chừa một lõm giữa rộng hơn 3 ha trồng lúa cho cá sinh sống. Khi cá lóc nuôi lớn cỡ nửa ký trở lên thì mở trổ cho cá ra ruộng lúa sống với môi trường thiên nhiên như cá đồng. Chừng vài năm sau, lứa cá đó thành cá lóc đồng cỡ 2 - 3 kg/con trở lên sẽ đưa vào phục vụ khách câu cá.

Ông Ba Bê rải thức ăn xuống một vuông ao. Cá vồ đém dồn tới tranh ăn ào ào. Rồi ao cá dứa, ao cá điêu hồng, cá tai tượng... đều như thế. Bảy Em chèo xuồng về, vác từng bao tải gương sen lên nhà. Xong, anh bước xuống bờ ao cá lóc, dùng vợt xúc lên mấy con to tày bắp tay, nói cá này tui tự ươm giống tại chỗ rồi thả nuôi từng lứa một. Lứa này cho ra ruộng lúa rồi tới lứa khác, cứ vậy mà nối nhau, nên khách câu dính đủ cỡ cá: 1 kg có, 2 - 3 kg có.

Có nhiều ông câu dính“cá gộc”, nhảy cỡn hét như cầu thủ đá trái banh bay vào lưới. Mấy ông Tây ở Sài Gòn xuống đây câu được cá lóc “khủng” cũng hét toáng lên. Khách Tây tát vũng, bắt cá thì kêu la chí chóe.

Cá câu được, nếu khách bán, chủ mua 75.000 đồng/kg. Khách muốn ăn món gì, chủ làm món nấy, như nướng trui hay nấu cháo với nấm rơm chẳng hạn.

Rau thì hái quanh đây đủ loại tập tàng hoang dã; bông điên điển và lá sen non có quanh năm. Rượu thì đế Gò Đen, đế Long An. Chơi nhạc thì có dàn đờn ca tài tử.

Ông Ba Bê nói, tụi nó hổng biết giá cả thị trường, nhiều khi tính tiền, khách trong nước và khách nước ngoài kêu “sao tính rẻ quá vậy?”. Nhiều khách còn móc tiền ra cho thêm.

Chúng tôi tản bộ trên bờ dừa mát rượi. Bên bờ có mấy đám mai vàng, lẩn trong đó là bầy heo rừng lai đông đúc nào heo nái, heo thịt, heo con mới đẻ. Mùa tết, mai nở vàng rực cả bờ bao. Ông Ba Bê thường tới lui chỉ dạy kỹ thuật nuôi trồng.

Sau bao năm chinh chiến, người lính già ấy về đồng cầm cày; rất chịu đi đây đi đó để học hỏi kinh nghiệm làm nông. Ông tự lai tạo các giống trăn gấm, trăn vàng nuôi thành đàn, nổi tiếng ở huyện Mộc Hóa là trung tâm Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An.

Từ TP.HCM, những người mê câu cá lóc đi lạc vào khu đất Bảy Em mà biết chỗ, rồi về mách bảo, rủ rê bạn bè đến câu cá, khiến đất Bảy Em ngẫu nhiên trở thành địa chỉ du lịch. Khách chạy xe máy hoặc ô tô trên đường N2 tới cách cầu Thạnh Hóa chừng 3 km, rẽ sang đường 817 chạy chừng 30 phút nữa là tới cầu Bình Phong Thạnh (gần trụ sở UBND thị trấn Mộc Hóa). Từ đây, khách đi tắc ráng máy qua các đường nước rợp bóng tràm, hai bên là đồng lúa với những ao đầm sen súng chim cò bay rợp trời thú vị hơn đi đường bộ.

P1160603

Cá lóc chuẩn bị vào bếp để phục vụ khách ẩm thực

P1170859

Bảy Em kéo tắc ráng đi hái gương sen

P1170876

Bầy heo rừng lai sống trong đám mai vàng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi nông dân Đồng Tháp Mười làm du lịch nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO