Khi các sáng kiến phục vụ thiết thực cho cộng đồng

Bài, ảnh: Tuyết Mai| 27/12/2018 22:12

KHPTO - 14 đề tài, giải pháp sáng kiến cộng đồng vừa được Sở KH&CN TP.HCM tôn vinh thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng đều mang sứ mệnh phục vụ cộng đồng theo cách đơn giản, thiết thực nhưng không kém phần hiệu quả. Tác giả của những sáng kiến cộng đồng khá đơn giản, không giới hạn thành phần từ học sinh trung học, sinh viên cho đến anh bảo vệ dân phố, thầy giáo.

Đó là câu chuyện về anh bảo vệ dân phố Lý Nhơn Thành tại phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM vay tiền ngân hàng, tự chế xe chữa cháy mini chống "giặc lửa" trong hẻm nhỏ Sài Gòn. Đã từng tiếp cận đám cháy kinh hoàng tại trung tâm thương mại ITC cách đây 16 năm, cứu giúp được nhiều mạng người nhưng cũng tận mắt chứng kiến đến 60 sinh mạng đã mãi mãi ra đi. Trong lòng anh lúc nào cũng đau đáu việc làm thế nào để tiếp cận khi hỏa hoạn xảy ra một cách nhanh nhất, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả đau lòng do “giặc lửa” gây ra, đặc biệt là với những trận cháy tại những căn nhà trong các con hẻm nhỏ ở Sài Gòn mà xe cứu hoả chuyên dụng gặp khó khăn khi tiếp cận. Trải qua quá trình chỉnh sửa và hoàn thiện, sản phẩm cũng được hoàn chỉnh. Hiện xe chữa cháy mini tự chế của anh Thành đã tham gia và giúp đẩy lùi được “bà hỏa” nhiều lần trên địa bàn thành phố.

Đó là sáng kiến đổi mới phương pháp dạy để tiết học trở nên thú vị, học sinh không nhàm chán của thầy Lê Thiên Phúc (Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM). Theo đó, thay vì ngồi học bài với lý thuyết khô khan, kiểm tra, thi xong rồi quên hết, giờ đây, thầy Phúc đã vận dụng tiết dạy STEM vào môn Công nghệ lớp 10 và môn Sinh học lớp 11, giúp học sinh cảm thấy hào hứng vì được trải nghiệm thực hành nấu ăn và sáng tạo.

Là quá trình tự tìm tòi nghiên cứu và chế tạo thành công máy bóc vỏ trứng tự động, có công suất 3.000 vỏ trứng/giờ của sinh viên Trương Công Hoàng, Trường ĐH công nghiệp 4 – TP.HCM. Là ô tô điện sử dụng tấm pin mặt trời, có thể hoạt động thời gian dài không cần sạc do nhóm sinh viên Trường ĐH sư phạm kỹ thuật TP.HCM thiết kế. Là hàng ngàn chiếc móc khóa có ghi số điện thoại của bí thư, chủ tịch, trưởng công an phường được phát cho người dân phường Tân Thành, quận Tân Phú, TP.HCM. Giải pháp này đã giúp người dân tiếp cận với lãnh đạo nhanh nhất trong việc trao đổi thông tin. Tác giả sáng kiến trên là bà Trần Thị Hồng Cúc - chủ tịch phường Tân Thành, quận Tân Phú.

Đánh giá về cuộc thi, bà Lương Thị Bích Ngọc – trưởng Ban tổ chức, cho biết: “Nhiều năm qua, Sở KH&CN là đơn vị luôn kiên trì, khuyến khích và muốn tôn vinh những cá nhân, tổ chức có sáng kiến đổi mới sáng tạo ngay trong các công việc, hoạt động hàng ngày. Vì thế, tôn chỉ của cuộc thi là tìm kiếm và tôn vinh những sáng kiến đến từ cộng đồng, hướng tới cộng đồng và phục vụ cộng đồng”.

Năm nay có 14 sản phẩm, mô hình, giải pháp sáng tạo của tác giả/nhóm tác giả  được trao giải. Đây là năm thứ ba liên tiếp, giải thưởng Sáng kiến cộng đồng được tổ chức nhằm tôn vinh những sáng kiến góp phần tạo dựng môi trường sống, sinh hoạt, học tập của cộng đồng dân cư TP.HCM. Cuộc thi do tạp chí Khám phá phối hợp với Phòng quản lý khoa học cơ sở (Sở KH&CN TP.HCM) tổ chức thường niên.

Các giải pháp đạt giải bao gồm: Đổi mới phương pháp dạy để tiết học trở nên thú vị, học sinh không nhàm chán của thầy Lê Thiên Phúc (giải nhất).

  • 3 giải nhì: Cậu học trò chuyên Anh thiết kế sách lịch sử cấp 3; Máy bóc 3.000 vỏ trứng mỗi giờ; Áo chống nắng đa năng làm từ xơ tre.
  • 3 giải ba: Máy cho tôm ăn tự động; Robot tỉa cây; Xe chữa cháy mini tự chế chống "giặc lửa" trong hẻm nhỏ Sài Gòn.

Cùng 7 giải khuyến khích khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi các sáng kiến phục vụ thiết thực cho cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO