Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP.HCM, lần thứ 25 (2017 - 2018)

P.V| 13/06/2018 09:50

KHPTO - Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP.HCM, lần thứ 25 (2017 - 2018) do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật thành phố, Sở khoa học và công nghệ thành phố, Liên đoàn lao động thành phố, Thành đoàn thành phố cùng phối hợp với các sở, ngành của thành phố phát động, nhằm hưởng ứng Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc và Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC), đồng thời hưởng ứng 7 chương trình đột phá của thành phố (2015 - 2020).

1. Giải pháp/Công nghệ xây dựng Thành phố thông minh.

2. Điện, điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông.

3. Cơ khí và tự động hóa, giao thông.

4. Công nghệ sinh học, nông nghiệp, công nghệ thực phẩm.

5. Công nghệ vật liệu, xây dựng, thủy lợi, phòng chống ngập lụt đô thị.

6. Công nghệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên, tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới.

7. Y tế, giáo dục chuyên nghiệp và đại học.

Đề tài và giải pháp dự thi

Các giải pháp phát triển công nghệ dưới dạng cơ cấu, sản phẩm, thiết bị, chất liệu, quy trình, vật liệu vi sinh... sẽ được chấm theo thang điểm sáng tạo kỹ thuật của Hội thi sáng tạo kỹ thuật thành phố, và sẽ được sơ tuyển để chuyển đi tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc theo quy định của thể lệ Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc.

Trong trường hợp kết quả đề tài nghiên cứu khoa học hàm chứa nhiều nội dung về phát triển công nghệ được dự thi và Hội đồng giám khảo sẽ đánh giá đề tài theo thang điểm sáng tạo kỹ thuật.

Các đề tài nghiên cứu khoa học cấp sở, ngành, quận trở lên, đã được nghiệm thu đạt từ loại khá trở lên, đáp ứng các điều kiện tham dự Giải thưởng VIFOTEC, sẽ được Ban tổ chức hội thi thành phố chuyển tiếp tham dự Giải thưởng VIFOTEC.

Tiêu chí đánh giá

- Tính mới và sáng tạo (hệ số 4): các đề tài/giải pháp dự thi phải chưa từng đoạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP.HCM, Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc hoặc Giải thưởng VIFOTEC những năm trước đây và cũng không được trùng với bất kỳ đề tài/giải pháp nào của người khác đã được công bố trong bất kỳ nguồn thông tin nào hiện có ở Việt Nam hoặc đã được áp dụng ở Việt Nam trước ngày nộp hồ sơ dự thi.

- Có khả năng áp dụng rộng rãi (hệ số 3): đề tài/giải pháp dự thi đã được thử nghiệm thành công hay đã được sản xuất thử hoặc áp dụng đại trà và chứng minh được khả năng triển khai công nghiệp hoặc tiểu thủ công nghiệp trong điều kiện Việt Nam.

- Có hiệu quả kinh tế - xã hội cụ thể (hệ số 3): đề tài/giải pháp dự thi phải mang lại lợi ích kinh tế, xã hội cao hơn hoặc khác biệt hơn so với các đề tài/giải pháp tương tự đã biết ở Việt Nam và không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường văn hóa và sinh thái.

Người dự thi

Mọi cá nhân người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, cá nhân người nước ngoài đang làm việc và sinh sống tại Việt Nam, không phân biệt lứa tuổi, dân tộc, nghề nghiệp có các đề tài nghiên cứu hoặc giải pháp công nghệ được tạo ra và áp dụng từ những năm gần đây đều có quyền tham dự hội thi với tư cách cá nhân hoặc tập thể.

Mọi tổ chức của Việt Nam đã đầu tư để tạo ra giải pháp kỹ thuật đều có quyền đứng tên dự thi với nghĩa vụ giới thiệu đầy đủ các tác giả hoặc đồng tác giả liên quan.

Tổ chức có thể cho phép các tác giả hoặc đồng tác giả dự thi với tư cách cá nhân hoặc tập thể, nhưng phải có xác nhận bằng văn bản.

Hồ sơ dự thi

Mỗi bộ hồ sơ dự thi bao gồm:

1. Phiếu đăng ký dự thi năm 2017 - 2018: 1 bản theo mẫu gồm: tên đề tài/giải pháp công nghệ dự thi: ghi tên đầy đủ; người dự thi và địa chỉ, điện thoại liên hệ; họ, tên, tuổi, trình độ chuyên môn và địa chỉ các tác giả; % công sức đóng góp của từng tác giả tham gia vào đề tài/giải pháp (trên 25%); cam đoan và chữ ký của người dự thi.

2. Bảng tóm tắt đề tài/giải pháp dự thi: trong vòng 400 từ (1 mặt giấy A4).

3. Bảng mô tả đề tài/giải pháp dự thi bao gồm các nội dung: tên đề tài dự thi hoặc giải pháp công nghệ; lĩnh vực áp dụng của đề tài/giải pháp; các đề tài/giải pháp đã biết và các nhược điểm hoặc hạn chế cần khắc phục; mục đích của đề tài/giải pháp dự thi (nhằm khắc phục nhược điểm/ hạn chế nào? tính năng, khả năng ứng dụng, triển khai); bản chất của đề tài/giải pháp dự thi; đề tài/giải pháp giải quyết vấn đề gì, chế tạo mới, thay thế, hay bổ sung; đề tài/ giải pháp đã đóng góp gì trong lĩnh vực áp dụng; điểm mới và sáng tạo về mặt khoa học/công nghệ của đề tài/ giải pháp dự thi; các hiệu quả đã đạt được của đề tài/giải pháp dự thi; các triển vọng ứng dụng của đề tài/giải pháp dự thi; đề tài/giải pháp đã được thử nghiệm ở đâu, hiệu quả thế nào, đơn vị áp dụng... mô hình, mẫu vật, thiết bị, hình ảnh (nếu có).

4. Các tài liệu minh họa khác như: sơ đồ, bản vẽ, bảng biểu, hình chụp, mô hình, thiết bị... có liên quan; sản phẩm chế thử, hợp đồng kinh tế, hợp đồng triển khai... bảng nhận xét, đánh giá của cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn, cơ quan kiểm nghiệm, Hội đồng khoa học công nghệ, chuyên gia trong lĩnh vực, đơn vị sử dụng trong và ngoài nước... (phải có đóng dấu xác nhận); đơn yêu cầu bảo hộ đã nộp hoặc bằng bảo hộ độc quyền hay giấy chứng nhận đăng ký đã được cấp (sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, giống cây trồng mới, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, phần mềm...).

5. Thời hạn kết thúc nhận bài dự thi: đến hết ngày 31/12/2018.

Các đề tài/giải pháp đáp ứng các quy định trên đây của thể lệ có thể nộp đến Ban thư ký Hội thi thành phố vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, tại các địa điểm:

* Ban thư ký - Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật thành phố; 224 Điện Biên Phủ, Q.3. Điện thoại: (028).3932.5305.

* Phòng sở hữu trí tuệ - Sở khoa học và công nghệ thành phố; 273 Điện Biên Phủ, Q.3. Điện thoại: (028).3829.8217.

* Ban chính sách pháp luật - Liên đoàn lao động thành phố; 14 Cách Mạng Tháng Tám, Q.1. Điện thoại: (028).3829.0825.

* Trung tâm phát triển khoa học công nghệ Trẻ - Thành đoàn TP.HCM, 01 Phạm Ngọc Thạch, Q.1. Điện thoại: (028).3823.3363.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP.HCM, lần thứ 25 (2017 - 2018)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO