Hội thảo khoa học bàn về “Giải pháp tổng thể cho đô thị thông minh”

KIẾN NAM| 19/09/2017 18:04

KHPTO - Chiều nay19/9 tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo khoa học “Giải pháp tổng thể cho đô thị thông minh” - Smart City 360 độ do Viện khoa học và công nghệ tính toán (ICST) chủ trì, dưới sự bảo trợ của Sở khoa học và công nghệ TP.HCM, phối hợp với Hội tin học TP.HCM (HCA) và tạp chí Thế giới vi tính. Hội thảo góp phần thảo luận, phản biện, tư vấn, góp ý cho các cơ quan chính quyền trong việc xây dựng đô thị thông minh tại TP.HCM nói riêng và các tỉnh thành nói chung.

Một cách tổng quát, đô thị thông minh (ĐTTM) là một đô thị ứng dụng công nghệ để kết nối, thu thập và phân tích thông tin của người dân và các cấp quản lý để nâng cao chất lượng sống của cư dân và đảm bảo phát triển bền vững.

Trong xu thế phát triển của công nghệ theo hướng kết nối và tương tác, nhiều công nghệ chủ đạo của công nghiệp 4.0 đã và đang trở thành công cụ chủ yếu của đô thị thông minh. Nhu cầu sử dụng các thiết bị tự động và có tương tác với con người trong các lĩnh vực quản lý (như an ninh, năng lượng, giao thông...) và an sinh xã hội (như y tế, giáo dục..) cũng ngày càng tăng lên nhanh chóng.

Trong bối cảnh đó, TP.HCM đã soạn thảo Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2025. Thành Ủy – UBND TP.HCM đã xác định mục tiêu xây dựng TP.HCM trở thành một đô thị thông minh, nơi đáng sống, đáng đến với chính quyền thông minh, công dân thông minh, doanh nghiệp thông minh, dịch vụ thông minh nhằm tăng trưởng nhanh, bền vững, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.

Ngày 28/5/2017, tại buổi gặp gỡ các đại biểu trí thức nhằm ghi nhận những đóng góp, hiến kế cho sự phát triển của TP.HCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các nhà khoa học ở các lĩnh vực, từ các nguồn đào tạo, ở mọi lứa tuổi tích cực suy nghĩ, đề xuất giải pháp để hiến kế cho lãnh đạo TP.HCM trong việc xây dựng một đô thị thông minh.

Diễn đàn cho các chuyên gia

Hội thảo khoa học “Giải pháp tổng thể cho đô thị thông minh” hướng đến mục tiêu thiết lập một diễn đàn để các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực giới thiệu và trao đổi, thảo luận, đóng góp các giải pháp cho TP.HCM; cũng như tạo cơ hội kết nối các cơ quan chính quyền, các doanh nghiệp, các nhà cung cấp giải pháp công nghệ, các trường đại học - viện nghiên cứu trong và ngoài  địa bàn TP.HCM.

GS.TS. Nguyễn Kỳ Phùng - phó giám đốc Sở khoa học và công nghệ TP.HCM, viện trưởng Viện khoa học và công nghệ tính toán, đánh giá: “Các bài tham luận tại hội thảo sẽ giới thiệu các giải pháp chung cho đô thị thông minh với nhiều hướng tiếp cận khác nhau. Các đại biểu sẽ có thêm cái nhìn tổng quát về các giải pháp công nghệ đã và đang được nghiên cứu và triển khai, và tiếp cận một hệ sinh thái công nghệ nhiều tiềm năng và cơ hội”.

TS. Đoàn Xuân Huy Minh - trưởng phòng hành chính tổng hợp của Viện khoa học và công nghệ tính toán, cho biết: “Mặc dù mang tính chất khoa học, nhưng hội thảo Smart City 360 có thể được xem như một diễn đàn mới để giới thiệu năng lực của các trường đại học, các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp. Đô thị thông minh là một lĩnh vực còn khá mới mẻ tại Việt Nam, còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu và giải quyết, đồng thời cũng là một thị trường rất tiềm năng. Đây là một cơ hội tốt để tạo một mối liên kết chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp, và các chuyên gia khoa học và công nghệ”.

Theo chia sẻ của PGS.TS. Dương Anh Đức - giám đốc Sở thông tin và truyền thông TP.HCM, thì: “Việc nghiên cứu phát triển và xây dựng mô hình để quản lý và phân tích các loại dữ liệu lớn trong các lĩnh vực liên quan đến dân sinh như y tế, giao thông… nhằm giải quyết những vấn đề phức tạp, từ đó đưa ra các quyết định tốt nhất cho sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, tăng chất lượng cuộc sống cho người dân là vấn đề cấp thiết hiện nay”.

Còn theo TS. Nguyễn Trọng - ban cố vấn HCA, nguyên chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT, thì: “5 việc chính cần làm để xây dựng một Smart City, gồm: 1. Xác định những thông tin cơ bản mà người dân ‘bấm’ là có và sẵn sàng trả tiền như khi sử dụng các dịch vụ điện, nước, thu gom rác… 2. Tạo lập môi trường cho Smart City gồm môi trường công nghệ và môi trường xã hội.  3. Kiến tạo hệ thống các cơ sở dữ liệu dùng chung, tức xây dựng nguồn lực thông tin. 4. Kiến tạo cơ chế suy luận, tìm kiếm, phân tích thông tin theo yêu cầu. 5. Chế tạo những công tắc, vòi nước cho hạ tầng kỹ thuật - dịch vụ thông tin, sao cho ai cũng sử dụng được chúng để có được thông tin cơ bản một cách dễ dàng”.

Hội thảo này đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia của nhiều chuyên gia từ các trường đại học, cơ quan nghiên cứu. Nhiều lãnh đạo của TP.HCM và các tỉnh thành trên cả nước cũng đã đến tham dự và chia sẻ các khó khăn, trăn trở trong quá trình xây dựng các đề án smart city. Đại diện nhà tài trợ HPE cũng đã có một bài giới thiệu về những giải pháp công nghệ hạ tầng nhằm xây dựng một hệ thống thông minh trong đô thị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo khoa học bàn về “Giải pháp tổng thể cho đô thị thông minh”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO