Học sinh sợ các môn KHXH là điều không khó hiểu

Anh Thư| 06/05/2018 15:50

KHPTO - Thực tế là học sinh rất sợ các môn khoa học xã hội (KHXH), với môn văn, kiến thức còn hàn lâm trong khi thi cử lại nặng kiến thức thực tế, cách truyền đạt thì khô cứng, không tạo được hứng thú cho học sinh. Với môn lịch sử cũng vậy, các con số và sự kiện dày đặc trong sách bủa vây học sinh, các em phải thuộc lòng dữ liệu ngày tháng năm, sau đó phân tích các sự kiện với góc nhìn sâu sắc của …các chuyên gia! Thế nên, học sinh sợ các môn KHXH là điều không khó hiểu.

Giáo viên Nguyễn Hoàng Thụy Vi, tổ trưởng chuyên môn, Trường THCS Tùng Tiện Vương cho biết như vậy tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên các môn khoa học xã hội ở TP.HCM”, do Trường đại học Sài Gòn tổ chức ngày 5/5.

“Giảm tải” nhưng kiến thức nhiều hơn, sách …dày hơn, nặng hơn!

Giáo viên Nguyễn Hoàng Thụy Vi nhận thấy, lĩnh vực KHXH vẫn có sức hút cao, nhưng nội dung chương trình sách giáo khoa trong nhà trường lại thiếu tính thực tiễn, chưa cập nhật các vấn đề xã hội. Điều đó cũng khiến HS nảy sinh tâm lý chán nản. Chẳng hạn, với môn lịch sử, ý nghĩa lớn lao nhất của việc học lịch sử không phải để các em nhớ các con số, sự kiện mà để hun đúc lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và có khi cần được truyền đến học sinh (HS) bằng câu chuyện về những con người cụ thể. Tiếc thay, chương trình lịch sử lại dày đặc những con số, sự kiện, thiếu các trang viết và hình ảnh về con người cụ thể của một thời kỳ lịch sử đau thương nhưng đầy hào hùng của dân tộc. Khi thiết kế SGK cho chương trình cải cách giáo dục năm 2002, Bộ giáo dục và đào tạo đã định hướng “giảm tải” ở các môn. Song kết cục thì dường như kiến thức lại được cập nhật nhiều hơn, sách dày hơn, nặng hơn. Môn địa lý là một ví dụ cụ thể. Trước cải cách, sách giáo khoa địa lý 12 dày 96 trang khổ 14,5 x 20,5 (cm) với 27 bài, nhưng đến chương trình sau cải cách sách dày 208 trang, khổ 17 x 24 (cm) với 45 bài, có thêm cả phần địa lý tự nhiên.

Các môn khoa học xã hội đóng vai trò cung cấp cho học sinh những kiến thức và kỹ năng cơ bản đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. Tuy nhiên, đa số HS không hoặc chưa yêu thích các môn học này, có thái độ học khiên cưỡng vì phải thi lấy điểm, nhất là môn ngữ văn. Điều này dẫn đến tình trạng học đối phó, qua loa, HS không có ý thức tự bồi dưỡng trong quá trình học tập. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên (GV) thường chỉ quan tâm đến cách dạy của mình mà chưa chú ý đến cách học và phương pháp tự học của trò, chỉ cố gắng truyền đạt bài dạy cho hết kiến thức (do chương trình nặng, kiến thức một số bài còn hàn lâm) hoặc mải mê giảng giải mà không cần biết HS có tiếp thu hay không, cái cơ bản có nắm được không. Thực tế HS xa rời môn KHXH bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, và một trong những nguyên nhân ấy chính là do đội ngũ giáo viên. Chưa tạo được đam mê học tập cho HS, loay hoay với đổi mới phương pháp dạy học liên tục nên sa vào cách làm việc mang tính đối phó, chỉ lo truyền đạt hết nội dung chương trình để kỳ kiểm tra trôi qua với kết quả ổn nhất.

Dù môn ngữ văn hiện diện trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10, các môn sử, địa, giáo dục công dân góp mặt trong kỳ thi THPT quốc gia, thế nhưng số học sinh THPT yêu thích, có thái độ, động cơ đúng đắn trong học tập các môn KHXH vẫn chưa khởi sắc. Nhiều năm qua, mục tiêu của chương trình phân ban bậc THPT về cơ bản đã không đạt, do hầu hết học sinh chỉ tập trung đăng ký học ban cơ bản và ban khoa học tự nhiên mà hoàn toàn quay lưng với ban khoa học xã hội. Không ít trường THPT không có lớp học của ban KHXH.

Giảng viên sư phạm không thể là những nhà lý thuyết suông

TS. Dương Thị Hồng Hiếu, trưởng phòng đào tạo, Trường đại học sư phạm TP.HCM cho rằng,  nhiệm vụ của các cơ sở đào tạo giáo viên là phải đào tạo được các giáo viên tương lai có kiến thức nhưng đồng thời phải có năng lực tổ chức các hoạt động học tập giúp hình thành phẩm chất và năng lực cho học sinh. Và các sinh viên này cũng không thể tự có được năng lực đó nếu các giảng viên sư phạm chỉ thuyết giảng. Năng lực đó chỉ được hình thành khi các sinh viên được tham gia vào các hoạt động học tập, tự mình trải nghiệm. Nói cách khác, các giảng viên sư phạm không thể là những nhà lý thuyết suông mà cần là những nhà tổ chức để tạo ra các môi trường học tập cần thiết giúp sinh viên thực hành, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong học tập, đời sống, từ đó có thể phát triển năng lực. Nhiệm vụ này không thể chỉ là của các giảng viên ở bộ môn phương pháp dạy học mà cần là nhiệm vụ chung của tất cả các giảng viên sư phạm. Mỗi một giảng viên sư phạm đều cần là người làm mẫu cho sinh viên về phương pháp dạy, giúp các em học được phương pháp dạy học ngay từ thực tiễn học tập tại trường.

Đổi mới chương trình đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông không có nghĩa là đào tạo ra những thợ dạy để chỉ biết dạy sát, đúng theo những sách giáo khoa, bài dạy cụ thể trong chương trình giáo dục phổ thông cụ thể này để rồi khi sách giáo khoa thay đổi, bài dạy thay đổi thì họ lại không biết phải dạy thế nào. Đổi mới chương trình đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông cần được hiểu đúng là xây dựng một chương trình đào tạo sao cho các sinh viên sau khi ra trường có các phẩm chất và năng lực, giúp họ đáp ứng yêu cầu chuẩn nghề nghiệp giáo viên và có khả năng phát triển và thích ứng với các điều kiện dạy học khác nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học sinh sợ các môn KHXH là điều không khó hiểu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO